Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận 7 bộ đã vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đơn giản hóa, cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra.
Sáng 16/10, Tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc, kiểm tra các bộ, ngành trong việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, không phiên họp nào Thủ tướng không nhắc đến vấn đề đưa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đi vào hiệu quả, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và coi đây là vấn đề rất quan trọng tạo dư địa cho tăng trưởng.
Ông Dũng chỉ ra 6 mặt được trong công tác này, trong đó đã mạnh dạn đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, thay vì tiền kiểm đã chuyển mạnh sang hậu kiểm; giảm cơ bản danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo. Các bộ đã đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận các kết quả kiểm tra của các cơ quan khác, xã hội hóa được hoạt động kiểm tra chuyên ngành... “Nếu không có sự quyết tâm của lãnh đạo bộ không làm được. Cải cách thế này là cắt bỏ quyền lợi, động chạm nhất là lợi ích kinh tế”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư nhấn mạnh, cả xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào những cải cách của Chính phủ. “Nếu kết nối được phi giấy tờ như ở Văn phòng Chính phủ, coi các bộ như các vụ và kết nối lại theo cơ chế một cửa quốc gia này thì sẽ giải quyết được các vấn đề khác liên quan đến kiểm tra chuyên ngành”, ông nói. Theo ông, thời gian qua, các Bộ trưởng đã thực sự quan tâm đến cải cách điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành cũng như những cải cách khác. Tuy nhiên, chưa đạt được mục tiêu vì phần sửa đổi tương đối nhiều, phần bãi bỏ ít hơn nên tác động chưa đạt được như kỳ vọng..
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận 7 bộ đã vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đơn giản hóa, cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra. Trong đó, Bộ Công thương đã cắt giảm 402/702 dòng hàng, Bộ TT&TT cắt giảm 89/146 dòng hàng, Bộ LĐ-TB&XH cắt giảm 33/33 dòng hàng, Bộ KH-CN cắt giảm 22/24 dòng hàng, Bộ GTVT đã cắt giảm 80/134 dòng hàng và đơn giản 7 thủ tục, Bộ Xây dựng cắt giảm 33/64 dòng hàng, Bộ TN-MT cắt giảm 38/74 dòng hàng.
Tuy nhiên có những bộ tỷ lệ cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rất thấp, còn rất nhiều điều kiện, thủ tục, hàng hóa phải quản lý, đặc biệt là Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT.
PV