Không đơn giản hóa TTHC một cách hình thức
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác), chỉ tiêu này cần phải được giao tới từng đơn vị trực tiếp rà soát TTHC của Bộ, ngành, địa phương.
Sẽ không tiếp nhận kết quả rà soát TTHC chưa đạt chỉ tiêu
Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của Bộ, ngành, địa phương sẽ không tiếp nhận kết quả rà soát TTHC của những đơn vị không đạt chỉ tiêu được giao, rà soát hình thức và yêu cầu rà soát lại cho đến khi đạt chỉ tiêu.
Kết quả đơn giản hóa TTHC được tính bằng số TTHC được kiến nghị đơn giản hóa trên tổng số TTHC thuộc phạm vi rà soát.
Khuyến khích bỏ yêu cầu công chứng, kéo dài hiệu lực giấy phép
Theo hướng dẫn của Tổ công tác, để các phương án đơn giản hóa TTHC thực sự có chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các đơn vị trực tiếp rà soát TTHC cần áp dụng 4 giải pháp: loại bỏ các TTHC không cần thiết; pháp lý hóa các TTHC cần thiết, hợp lý nhưng chưa hợp pháp; phân cấp thực hiện TTHC phù hợp hoặc đề xuất các biện pháp thay thế TTHC hiện có.
Trong đó, các TTHC không có hoặc không xác định được mục tiêu rõ ràng, khi thực hiện không đạt được mục tiêu đặt ra và không còn phù hợp với thực tiễn,... cần phải được loại bỏ.
Đối với những yêu cầu, điều kiện, tờ khai thực hiện TTHC vốn còn nhiều mâu thuẫn, thường gây bức xúc cho người dân, Tổ công tác yêu cầu nghiên cứu loại bỏ các điều kiện chồng chéo; bỏ yêu cầu xác nhận đối với các mẫu đơn, tờ khai; khuyến khích loại bỏ yêu cầu công chứng, chứng thực giấy tờ phải nộp; đặc biệt là tránh các quy định chung chung như "các giấy tờ khác có liên quan", hoặc "hồ sơ hợp lệ", "bản sao hợp lệ",...
"Việc kéo dài tối đa thời hạn có hiệu lực của các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ,... cũng chính là biện pháp nhằm giảm tần suất phải thực hiện TTHC cũng như chi phí cho cá nhân, tổ chức", Tổ công tác phân tích.
Tuy nhiên, Tổ công tác cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương cần tránh việc đơn giản hóa TTHC một cách hình thức, như việc chỉ kết hợp cơ học nhiều TTHC để giảm số lượng thủ tục trong khi chi phí và các yêu cầu thực hiện TTHC đó không hề thay đổi.
Giữa tháng 10/2009, dự kiến công bố Bộ TTHC quốc gia
Cho biết về tiến độ này, theo ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác, các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc điền biểu mẫu rà soát TTHC, mẫu đơn, tờ khai hành chính, đồng thời đăng tải các biểu mẫu này trên trang điện tử của đơn vị mình để lấy ý kiến phản hồi của tổ chức, nhân dân.
Song song với đó là công tác truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để đối chiếu, rà soát giữa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành với các TTHC được thực hiện tại 3 cấp chính quyền địa phương, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Chinhphu.vn
cp