10 năm gác tàu tự nguyện

Thứ ba, 25/06/2013 09:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hơn 10 năm, vợ chồng bác Nguyễn Thanh Hồng và Phùng Thị Long (ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm - Hà Nội) vẫn lặng lẽ làm gác đường tàu tại đoạn đường dân sinh giữa Ga Phú Thụy và Ga Lạc Đạo - được coi là “điểm đen” về tai nạn giao thông đường sắt, bởi không có barie chắn tàu, tiềm ẩn nguy hiểm.

Hơn 10 năm, vợ chồng bác Nguyễn Thanh Hồng và Phùng Thị Long (ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm - Hà Nội) vẫn lặng lẽ làm gác đường tàu tại đoạn đường dân sinh giữa Ga Phú Thụy và Ga Lạc Đạo - được coi là “điểm đen” về tai nạn giao thông đường sắt, bởi không có barie chắn tàu, tiềm ẩn nguy hiểm.

Tại đoạn đường này, khách qua đường thường là những học sinh, sinh viên, công nhân... toàn người trẻ tuổi, nên thường quen vừa đi vừa trò chuyện, cười đùa, mà ít để ý tàu đang chạy tới nơi. Thậm chí, còn có những người mải nghe điện thoại khi băng qua đường sắt trong lúc đoàn tàu đang sầm sập lao tới.


Bác Hồng đứng gác tàu tại đường ngang.

Trong quán nước nhỏ cạnh đường xe lửa của gia đình, bác Hồng chẳng ngại ngần kể về cuộc sống và việc gác tàu tự nguyện. Hai vợ chồng bác Hồng xoay đủ mọi nghề để mưu sinh, nuôi ba cô con ăn học. Bác trai từng làm quản trang, thả sen lấy hoa bán, bác gái tài đảm cấy vài sào lúa, rồi chăn nuôi ngan, vịt, mở quán nước...

Cũng từ khi mở quán nước, vợ chồng bác nhớ rõ lịch từng chuyến tàu nhanh, tàu chậm, số chuyến trong ngày và thấy mọi người thường rất chủ quan với tính mạng. Chứng kiến nhiều cái chết thương tâm, không đành lòng, nên hai bác tự nguyện gác tàu. “Dụng cụ thì đa dạng lắm, khi thì cây sào chăn vịt, đoạn ống nhựa, lúc vội quá thì la hét, dùng tay chắn dòng người qua lại” - bác Hồng nói. Những chuyến tàu xuôi ngược Hà Nội - Hải Phòng đã hằn sâu vào trí nhớ của hai bác. Hằng ngày, dù bận việc gì đi chăng nữa, nhưng cứ đến giờ tàu chạy qua đoạn đường dân sinh thuộc xã Dương Xá, họ bỏ lại hết rồi chạy đến, làm đủ mọi cách để mọi người qua đường sắt biết.

Làm việc nghĩa âm thầm như thế, vợ chồng bác Hồng cũng cứu được một số người thoát chết trong gang tấc. Có thanh niên uống rượu bia say mềm, đi đến sát đường tàu, tàu đang chạy đến mà vẫn định băng qua. Thấy vậy, bác Hồng lao tới lôi lại...

Hơn 10 năm gác tàu bất đắc dĩ để nhắc nhở mọi người qua đường, mãi tết năm 2012, lần đầu tiên, đại diện cán bộ xã có đến nhà tặng quà, gồm: một phong bì 50.000 đồng và một hộp bánh nhỏ để ghi nhận một việc không danh, không lương, nhưng được thực hiện bằng cả tấm lòng. Và rồi, công việc lặng thầm của hai bác đã có kết quả, khi các cơ quan chức năng đã quan tâm, lắp đèn cảnh báo ở khu vực trên. Còn hai người gác tàu bất đắc dĩ đó hằng trải lòng: “Giờ đây có đèn báo hiệu, nhưng vợ chồng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc này đến khi nào không thể gắng được nữa, bởi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, muốn bỏ đâu dễ gì”.

Nguổn: ĐSVN



Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)