Bóng hồng bên gác chắn

Thứ năm, 04/02/2016 12:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt thường để lại hậu quả rất thảm khốc. Bởi thế người ta mới gắn mác “tử thần” cho các đường ngang giao cắt với đường sắt.

Để ngăn chặn “tử thần”, nhiều nữ nhân viên gác chắn đang ngày đêm vất vả canh cho từng chuyến tàu qua được an toàn. Mùa Xuân đang đến gần, sẽ lại là một giao thừa đón những chuyến tàu đầu tiên của năm mới Bính Thân 2016 với bao ước vọng...

“Đau đáu” những hiểm nguy

Vào buổi chiều của một ngày giáp Tết Bính Thân 2016, chúng tôi có mặt tại trạm chắn Kim Liên A (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ghi lại quá trình chuẩn bị của những “nữ gác chắn” để đón đoàn tàu lúc 15 giờ 33. Tàu đi qua an toàn, các chị trở lại trạm cười nói vui vẻ, không khí mệt mỏi như được xóa tan. Vì thế, những tâm sự về nghề nghiệp của các chị làm cho chúng tôi có cảm giác tự nhiên, gần gũi đến lạ.

Nhân viên gác ghi làm nhiệm vụ tại nút giao Đại Cồ Việt - Lê Duẩn.

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Trần Thị Nhàn (Tổ trưởng ban 3, Đội quản lý chắn đường ngang Hà Nội) - người phụ nữ có làn da sạm nắng hằn những vết chân chim ở khóe mắt ấy không ngần ngại chia sẻ những gian nan của cái nghề mình chọn: “Phải làm liên tục 12 tiếng trong ngày (từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối), thời gian dành cho gia đình bị hạn chế. Tôi lại ở bên Gia Lâm, cách xa trạm nên nhiều lúc muốn nấu cho chồng con bữa cơm cũng phải chuẩn bị sớm cho kịp giờ làm. Cũng may là bố mẹ, chồng con đều thông cảm”.

“Công việc tưởng đơn giản nhưng cũng nhiều rủi ro lắm, yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho cả 3 đối tượng: Tính mạng dưới đất, trên tàu và tính mạng của chính mình. Tuyến đường ngang trạm Kim Liên A là điểm nút giao thông quan trọng, mật độ người đi lại cao nên khó khăn lớn nhất là việc báo hiệu cho các phương tiện dừng lại khi có tàu tới. Nhiều khi chúng tôi ra hiệu lệnh dừng và kéo rào chắn lại vẫn có người bất chấp sự an toàn của bản thân, cố tình len lỏi, vượt qua đường ngang cho bằng được. Khi bị nhân viên gác chắn ngăn lại thì có những lời lẽ tục tĩu, xúc phạm, hùng hổ đe dọa đánh người. Phần vì là người thực thi nhiệm vụ, chúng tôi không được có hành động thái quá, phần nhiều vì ban chúng tôi chủ yếu là phụ nữ, chỉ có duy nhất một người đàn ông nên chẳng thể nào chống lại sự phản đối gay gắt đó của người ta. Cũng chỉ cố gắng giải thích để mọi người cùng hiểu vì mục tiêu ATGT!” - chị Nhàn cho biết.

Những câu chuyện buồn vui nghề nghiệp cứ thế được sẻ chia trong căn phòng nhỏ của trạm chắn. Không gian đang chùng xuống chợt như khẩn trương hơn bởi tiếng: “Alô, tàu sắp đến chưa? Alô, tàu sắp đến chưa?!” của một người phụ nữ đang tập trung hết sức vào chiếc điện thoại và hệ thống điện đàm trông khá cổ lỗ sĩ. Đó là chị Nguyễn Thị Kim Dung - người đã gần 20 năm gắn bó với dàn chắn đường tàu. Chị Dung bảo, công việc của chúng tôi cứ chậm là hỏng. Bình thường 10 phút tàu xin đường là phải rào chắn nhưng do mật độ phương tiện tại đây rất cao nên các chị em phải thực hiện chỉ vẻn vẹn trong khoảng 3 phút trước khi tàu tới”.

Dòng tâm sự bị gián đoạn, người phụ nữ ấy lại chạy vội ra cùng chị em đứng chắn rào, một hồi sau quay lại, chị vuốt mái tóc rối, nghỉ ngơi một chút, rồi lại tiếp lời: “Công việc liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên dù làm ca ngày hay ca đêm, trời nắng ấm hay mưa rét, sự lơi là là điều không thể có với những người gác chắn. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, số chuyến tàu tăng lên gấp đôi (ban ngày 10 chuyến, ban đêm 20 chuyến) nên phải nắm bắt được chính xác được giờ tàu đến để làm nhiệm vụ, khoảng thời gian giữa các chuyến tàu dịp Tết không cố định, chỉ sai giờ một chút thôi hậu quả sẽ rất nghiêm trọng!”.

Chị Nhàn kể, nhớ mãi cái lần “thập tử nhất sinh”: “Đó là vào tháng 8/2009, lúc đó người ta đang thi công hầm Kim Liên, khi tôi cùng 6 chị em khác trong đội đang dọn vệ sinh đường tàu, bỗng một chiếc ô tô con (người điều khiển có lẽ đã uống rượu) không biết là con đường nhánh gần trạm đang bị cấm nên cứ phóng xe vào. Phát hiện sự nguy hiểm, tôi vừa chạy vừa hô hoán chị em đằng sau mình, nhưng tài xế dường như nghĩ tôi đang ra tín hiệu cho xe đi về hướng ấy nên cứ thế cho xe lao về phía trước… Khi tỉnh dậy, tôi mới biết mình đã bị chiếc xe ấy đâm phải”.

Theo ông Trương Nam Long - Đội trưởng Đội quản lý chắn đường ngang Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, trong đội có 73 người thì có tới 51 người là nữ. Đoạn đường từ phố Trần Phú đến hầm Kim Liên gồm 8 trạm gác chắn, đa số các trạm là nhiều nữ, chỉ có những trạm đầu mối phức tạp hơn như Khâm Thiên, Lê Duẩn mới tăng cường nhân viên nam.

Giao thừa với những chuyến tàu đầu tiên

Khi câu chuyện về nỗi vất vả trong nghề tạm ngưng, những câu chuyện của chị em ngày Tết được bắt đầu, không khí như trầm xuống bởi ai cũng đang lấy cho mình “một đoạn thở dài” và những ánh mắt nhìn nhau, cười nhẹ.

Nói đến ngày Tết, chị Nhàn bày tỏ: “20 năm làm trong nghề với 17 năm làm ở vị trí gác chắn đường tàu, đã có 6 cái Tết, tôi đi trực tàu và chung vui giao thừa với anh chị em tại trạm. Cảm giác, phải nói thế nào nhỉ? Bâng khuâng lắm, vừa buồn lại vừa vui. Còn nhớ cái Tết năm 2014, đúng thời khắc giao thừa được đón chuyến tàu “xông hàng” đầu năm, được ban lãnh đạo bồi dưỡng 120.000 đồng cho nhân viên lên ca mấy ngày Tết, nhưng buồn vì chẳng được ở bên chồng con vào cái thời khắc mà đáng lẽ ra gia đình nào cũng nên sum họp. Ngay cả những ngày này cũng thế, có lúc ra làm nhìn thấy người ta nườm nượp nào đào, nào mai, nào đồ đạc chuẩn bị đón Tết mà thấy nao nao trong lòng”.

Gắn bó với nghề gác chắn này từ cuối năm 1996, 20 năm qua, chị Dung còn có nhiều tâm trạng hơn nữa khi số lần đón Tết cùng gia đình mới chỉ dừng lại ở con số 5 ít ỏi. Nói đến chuyện của mình, chị cười trừ: “Buồn chứ, có ai năm mới không được ở bên gia đình mà không buồn, nhưng lâu rồi cũng thành quen thôi”.

“Nhưng trực giao thừa cũng hay lắm nhá!”, gương mặt chị bỗng rạng rỡ hẳn lên: “Tôi đã được gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Đó là giao thừa năm 1998, khi ấy còn là thanh niên, tôi gặp bác Lê Khả Phiêu trong lúc bác đi chúc Tết chị em môi trường, khi nhìn thấy tôi, bác mới hỏi: “Sao trẻ thế lại đi làm đêm 30, có sợ không?”. Hồi ấy còn trẻ, non nớt, tôi trả lời bác: “Cháu không sợ, cháu yêu nghề, cháu thích đông người, cháu thích xem bắn pháo hoa vì cháu ở quê nên chưa bao giờ được xem cả!”. Bác cười và hỏi tiếp: “Hành xa thế này, cháu có đảm bảo được an toàn không?”, tôi đáp: “Cháu có còi, có đèn, cháu sẽ cố gắng vì đây là nghề phục vụ xã hội”. Bác cười và ôm chặt tôi! Nói thật, lúc đầu tôi có biết bác Phiêu là ai đâu, chỉ đến khi được chú đi đằng sau cho biết đó là Tổng Bí thư thì tôi thấy hạnh phúc và vinh dự lắm”…

Vất vả và có không ít thiệt thòi, nhưng những “bóng hồng” ấy vẫn tìm cho mình được những niềm vui nhỏ, đó là những lúc họ giúp được một người bán hàng rong bị mắc kẹt giữa đường ngang hay một người mải mê nghe điện thoại mà không để ý tàu sắp đến, đó là những lúc họ cứu được một con người có ý định “quyên sinh” trước đầu tàu. Với các chị, đó là những lần “thót tim” nhưng cũng chính là ngọn lửa đốt cháy lòng yêu nghề của mình hơn.

Khi được hỏi về “đồng công” của những ngày nắng mưa, sương gió, các chị đều tâm sự: Thôi thì có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, có đến đâu mình sắp xếp công việc gia đình đến đó, quan trọng là cái nghề nó nuôi mình và mình có lòng yêu trở lại. Nghề còn khó khăn, vất vả, nhưng các chị đều đã gắn bó gần hết tuổi thanh xuân. Giờ đây, con gái chị Nhàn cũng đã nối nghiệp mẹ theo nghề. Phải yêu và phải tin lắm chứ!

Lại một mùa Xuân nữa đang về. Trong rộn ràng sắc Xuân, trong nườm nượp người đi sắm Tết, các nhân viên gác chắn vẫn lặng lẽ, vất vả đẩy những thanh barie sắt nặng về, canh từng chuyến tàu qua an toàn, để ai cũng được sum vầy đầm ấm bên gia đình trong thời khắc giao thừa. Và giao thừa Tết Bính Thân này, các chị lại cùng nhau bên những cung đường sắt, đón những chuyến tàu đầu tiên và mong một năm mới an lành, hạnh phúc cho mỗi người, cho mỗi chuyến tàu qua!

hoavt

Nguồn: Báo Kinh tế&Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)