Hàng trăm công nhân đường sắt lẫn cán bộ, công nhân nhân viên phục vụ hành khách vùng tâm bão Khánh Hòa, Phú Yên gần như bỏ lại sau lưng thảm cảnh nhà cửa tốc mái, đổ sập và tài sản của gia đình mình đang bị hư hại nặng nề để dồn lực khắc phục các điểm đường sắt hư hỏng, đồng thời nỗ lực chuyển tải hành khách bằng xe khách.
Đại diện Công đoàn Đường sắt Việt Nam (phải ảnh) trao quà động viên cán bộ, nhân viên chuyển
tải hành khách bằng xe khách giữa các ga trong lúc chờ khắc phục điểm sạt trượt đường sắt.
Kịp thời thăm hỏi, động viên người lao động
Ngày 7/11, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đoàn Duy Hoạch và Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn TCT Đường sắt VN Nguyễn Thanh Hoàn đã đến vùng tâm bão số 12 đi qua tại Khánh Hòa, Phú Yên để thăm hỏi, trao các phần quà ban đầu động viên các cán bộ, công nhân viên, lao động đang công tác tại các ga, cung đường sắt.
Sau bão, ngôi nhà anh Trần Ngọc Bình (công nhân tuần đường tại cung đường Hòa Huỳnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) bị đổ sập hoàn toàn. Anh Bình buồn bã: “Giờ cả gia đình phải ở nhờ nhà chị, chứ không biết ở đâu”. Chia sẻ mất mát với anh Bình, ông Hoàn đã động viên gia đình anh cố gắng khắc phục khó khăn hiện tại, sớm ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Cương - Chủ tịch Công đoàn Công ty Đường sắt Phú Khánh - cũng ân cần thăm hỏi và nhắn nhủ anh Bình cần làm các thủ tục cần thiết để đơn vị xem xét, hỗ trợ kịp thời.
Hàng trăm lao động của các đơn vị thuộc TCT Đường sắt VN đang dồn lực khắc phục hậu quả của cơn bão, chuyển tải hành khách, đặc biệt là làm việc 24/24 tại điểm sạt trượt nghiêm trọng tại Km1226+780 - Km1226+825 (đoạn qua Đèo Cả, nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa). Vị trí này bị sóng biển đánh sạt trượt mái kè với độ dài hơn 30m, sâu 18m (tính từ đường sắt xuống bờ biển).
Gác việc gia đình, hết lòng vì hành khách
Trong khi chờ kè lại bằng rọ đá khắc phục điểm sạt trượt Km1226+780 - Km1226+825, việc vận chuyển hành khách vẫn không bị gián đoạn. Chủ tịch Công đoàn cơ sở Ga Tuy Hòa Trương Văn Minh cho biết, dù bị hư hỏng nhà cửa, tài sản nhưng nhiều nhân viên vẫn tạm gác việc gia đình, dồn lực phục vụ hành khách đang phải chuyển tải bằng xe khách qua lại giữa 2 ga Tuy Hòa và Vạn Giã với khoảng cách 50-60km. Thời gian vận chuyển mỗi chuyến khoảng hơn 50 phút. Tính đến ngày 7/11, hơn 7.000 hành khách đã được chuyển tải bằng xe khách qua lại 2 ga này để tiếp tục hành trình. “Phải nói rằng, tinh thần làm việc của người lao động sau bão rất đáng hoan nghênh. Họ đã quên đi việc cá nhân mình, trực chiến 24/24 để phục nhu cầu đi lại bức thiết của hàng nghìn hành khách” - ông Minh tâm sự.
Công nhân Trần Thanh Phong (Công ty CP Đường sắt Phú Khánh) chia sẻ: “Làm việc nhiều năm, chưa bao giờ chúng tôi khắc phục một điểm sạt trượt đầy khó khăn như thế này. Lý do là anh em công nhân phải lăn đá xuống mép bờ biển, sau đó tiếp tục cho đá vào rọ, rồi tiếp tục khoan đá gia cố các rọ đá. Tuy vậy, anh em vẫn không ngại khó, ngại khổ, làm việc liên tục theo ca với mục tiêu bức thiết đặt ra là sớm khơi thông điểm nghẽn giao thông đường sắt sau bão số 12 tại đây”.
Sau bão số 12, anh Hoàng Minh Chiến - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật (Công ty CP Đường sắt Phú Khánh) liền đưa một tổ lao động của đơn vị gồm 12 người đến hiện trường sạt trượt khắc phục sự cố theo chỉ đạo của cấp trên. Anh Chiến cho biết, điều đặc biệt là trong số lao động đó, có đến 6-8 trường hợp có nhà bị tốc mái, hư hỏng, nhưng họ vẫn “quên” sửa chữa, khắc khục nhà cửa mà “trực chiến” đưa đá từ 2 đầu (Phú Yên và Khánh Hòa) đến khẩn trương cho vào rọ đá, đưa xuống biển kè sạt trượt. “Tấm lòng của công nhân như vậy là rất đáng quý” - anh Chiến tâm sự.
Ông Huỳnh Duy Cương - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh vận tải Tuy Hòa - cho biết thêm, trung bình mỗi ngày có khoảng 10-12 đầu xe khách chuyển tải hành khách từ ga Tuy Hòa đến Vạn Giã và ngược lại. Vì bão lũ nên tất cả hành khách chuyển tải bằng xe khách đều được phục vụ thức ăn, nước uống miễn phí. Làm nhiệm vụ quản lý thiết bị phục vụ chạy tàu, anh Trần Ngọc Mạnh (Cty Đường sắt Sài Gòn) cho biết sau bão công việc của anh vất vả hơn nhiều, phải thường trực 24/24.