Vua sáng kiến đất Cảng

Thứ sáu, 21/09/2018 08:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nói về những sáng kiến, cải tiến của mình, anh Cường cho biết, cái chính là xuất phát từ nhu cầu công việc, mình muốn làm cái gì đó cho anh em đỡ vất vả, lại tiết kiệm chi phí và thời gian.

Anh Ngô Quốc Cường say sưa nghiên cứu, thử nghiệm máy đo thiết bị, một sáng kiến mới năm 2018

Trong vòng 5 năm, kĩ sư tự động hóa Ngô Quốc Cường đã có tới 9 sáng kiến, đổi mới công nghệ, làm lợi gần nửa tỷ đồng cho đơn vị. Anh cũng vừa vinh dự nhận được Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh cho những sáng kiến của mình…

Đam mê sáng tạo

Dẫn chúng tôi đi thăm cảng Hoàng Diệu tháng 8 vừa qua, ông Tô Đình Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cảng Hải Phòng hồ hởi khoe: “Phong trào sáng kiến, cải tiến kĩ thuật là điểm sáng của công ty. Một trong những nhân tố điển hình và là niềm tự hào của chúng tôi là anh Ngô Quốc Cường, Đội phó đội Đế, vừa được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 3 vào cuối tháng 7/2018”.

Ông Sơn chia sẻ, đây là giải thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động VN trao tặng 5 năm một lần và chỉ trao một lần cho mỗi cá nhân đoạt giải. Tiêu chuẩn để xét chọn rất ngặt nghèo, phải có nhiều sáng kiến, được các cấp khen thưởng. Vì vậy, việc anh Cường, thạc sĩ, kĩ sư tự động hóa, Đội phó đội Đế, Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (thuộc Công ty CP Cảng Hải Phòng) được tặng giải thưởng uy tín này không tự hào sao được.

“Gắn bó với cảng Hoàng Diệu khoảng 15 năm, anh Cường dần khẳng định được mình là một kỹ sư có năng lực đặc biệt và đam mê sáng tạo. Gần như năm nào anh cũng có sáng kiến, chưa kể rất nhiều cải tiến, hợp lý hóa sản xuất khác. Trong vòng 5 năm, từ năm 2012-2017, anh Cường đã thực hiện được 9 sáng kiến, làm lợi khoảng 400 triệu đồng”, ông Sơn nói.

Giai đoạn 2012-2017, anh Ngô Quốc Cường liên tục giành danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở; được BCH Trung ương Đoàn tặng danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ 4 năm 2013”; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 2013, năm 2014); Bộ GTVT tặng bằng khen: Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành GTVT 2013” và các Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2012-2013, năm 2014-2015; Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống  (28/8/1945 - 28/8/2015) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT”; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2017; Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III/2018.

Gặp chúng tôi, anh Cường tỏ ra khá khiêm tốn và ngại nói về mình. Anh chia sẻ, năm nay 37 tuổi nhưng đã 15 năm gắn bó với cảng Hoàng Diệu. Nói về những sáng kiến, cải tiến của mình, anh Cường cho biết, cái chính là xuất phát từ nhu cầu công việc, mình muốn làm cái gì đó cho anh em đỡ vất vả, lại tiết kiệm chi phí và thời gian.

Từ năm 2013 đến nay, anh đã nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật, đảm nhận trên 200 công trình sản phẩm các loại. Các công trình sản phẩm rất phong phú về chủng loại, đối với mỗi loại lại có một đặc thù kỹ thuật riêng như: Sửa chữa hộp số quay, hộp số tầm với, hộp số di chuyển, vòng bi đáy tháp, hộp cấp điện và rất nhiều loại động cơ có loại lớn nhất công suất lên tới 125KW, loại nhỏ chỉ bằng bút chì nhưng lại có đến trên 20.000 vòng dây.

“Có những sáng kiến khiến tôi đặc biệt trăn trở, mất thời gian nghiên cứu, mày mò. Dù sau khi thành công, giá trị làm lợi định lượng không lớn nhưng hiệu quả công việc rất cao. Đó là sáng kiến tận dụng các điện trở, loại trở của cần trục chế tạo tủ sấy động cơ và các cuộn dây rơle sau khi cuốn. Đội Đế được giao nhiệm vụ sửa chữa quấn lại động cơ các loại đế, trong đó quy trình sấy nóng động cơ rất quan trọng. Thông thường, quy trình sấy động cơ được thực hiện bằng bóng đèn sợi đốt 500W, sấy rất lâu và không sấy qua đêm được vì lý do an toàn. Hơn nữa, không sấy cùng lúc nhiều động cơ, vì vậy, tôi mạnh dạn nghĩ đến chế tạo một tủ sấy tự động chuyên sấy động cơ và các loại cuộn dây rơle”, anh Cường nói.

Theo anh Cường, nếu mua bên ngoài thị trường tủ sấy này rất khó và giá thành cũng đắt hơn nhiều lần. “Lúc đầu thí nghiệm tôi không chắc thành công, vì các may-so không có thông số mà tất cả lấy ra từ đế của Liên Xô cũ. Đành chấp nhận là làm thử rồi dò dần”, anh Cường kể và cho biết, khi thành công thì niềm vui thật khôn tả. Tủ sấy tự động có thể điều khiển và giám sát nhiệt độ trong tủ đảm bảo duy trì ở nhiệt độ, vừa nhanh, đáp ứng được tiến độ và chất lượng của động cơ. Sấy bằng tủ, độ thẩm thấu của sơn cách điện tốt nên tuổi thọ của động cơ được tăng lên.

Hay như sáng kiến chế tạo máy quấn dây phục vụ quấn các cuộn dây lõi đồng để sửa chữa động cơ điện và rơle. Trước đây, để một người thợ quấn bằng tay một cuộn dây van kẹp ray có số vòng là 22.000 vòng dây phải mất ít nhất 2 ngày miệt mài. Mặt khác, do lực cuốn tay không đều, dây đồng hay bị đứt, phải hàn lại. Vì vậy, anh nghĩ cần làm máy cuốn tự động. Tuy nhiên, khó nhất là tính toán động cơ, tính toán tỉ số truyền sao cho ra số vòng tour hợp lý, để lực vừa phải, không bị đứt dây. Để chế tạo thành công máy này, anh phải thử đi, thử lại không biết bao lần. Giờ khi quấn bằng máy chỉ cần 30 phút thay vì 2 ngày bằng thủ công như trước. Chưa kể, nếu một động cơ 100KW nếu mang ra ngoài quấn sẽ mất cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, nếu tự làm toàn bộ tại xưởng bằng máy quấn động cơ, tính cả tiền nhân công cũng chưa đến 40 triệu đồng.

Anh Ngô Quốc Cường giới thiệu sáng kiến tủ sấy tự động

Truyền lửa đam mê sáng tạo

Không chỉ đam mê sáng tạo, anh Cường còn truyền được ngọn lửa đam mê ấy đến với các CBNV trong đội. Đặc điểm của đội Đế là có số lượng CBCN-LĐ đông nhất công ty với tổng số 201 người, bao gồm 14 tổ sản xuất, được giao quản lý và sửa chữa 27 cần trục chân đế. Ngoài ra, đội còn quản lý và sửa chữa 48 hộp cấp điện, 4 trạm biến thế điện, 15 cột đèn chiếu sáng, cùng toàn bộ hệ thống điện toàn chi nhánh, trong đó có tới 19 cần trục Kirop của Liên Xô cũ đã trên 30 năm tuổi, thường xảy ra hư hỏng vặt, nhỏ trong khi vật tư thay thế cho loại thiết bị này rất khó tìm trên thị trường. Vì vậy, việc sắp xếp, bố trí lao động, kiểm tra, đôn đốc để nâng cao hiệu quả công việc cũng như khắc phục kịp thời các khó khăn, sự cố nảy sinh không phải dễ dàng gì.

Anh Nguyễn Đức Thắng, Tổ trưởng Tổ Cơ 2, Đội Đế cho biết, tuy nhận nhiệm vụ Đội phó vào năm 2010 khi mới 29 tuổi nhưng anh Cường rất “bản lĩnh” vì khéo léo trong ứng xử với lớp thợ già, giàu kinh nghiệm, lại sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ kiến thức chuyên môn với đồng nghiệp trẻ nên luôn tạo được uy tín trong anh em đơn vị. Các sáng kiến của anh Cường không chỉ giúp anh em lao động đỡ vất vả mà còn tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc.

“Anh Cường rất biết “lôi kéo” anh em trong thi đua sáng tạo. Anh em chỉ cần có ý tưởng là anh sẽ tận tình hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để anh em tự tin thực hiện”, anh Thắng nói.

Chia sẻ về điều này, anh Cường nói: “Tôi tin là anh em rất giàu ý kiến sáng tạo và cũng thích sáng tạo, chỉ là họ chưa mạnh dạn và tự tin thôi. Chỉ cần động viên, khuyến khích họ là họ có thể phát huy”.

Xuất phát từ quan điểm đó, trong công việc, anh Cường luôn xung phong đi đầu trong việc mới, việc khó. Không chỉ là tham gia trực tiếp làm mà còn hướng dẫn anh em làm cùng, rồi thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc cũng như gợi ý để anh em đưa ra các giải pháp khắc phục. Cũng từ đó nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh em được nảy sinh.

“Đội Đế luôn được đánh giá là lá cờ đầu, là cái nôi của phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu”, ông Tô Đình Sơn nhận xét.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)