Nghĩ cho hành khách nhiều hơn cho bản thân

Thứ ba, 17/03/2020 10:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với các tổ tàu ngành Đường sắt, việc phát hiện hay nhặt được tài sản của hành khách bỏ quên trên tàu đã trở thành chuyện bình thường. Lập biên bản để trả lại cho khách cũng là chuyện bình thường, cần làm theo quy định. Thế nhưng, không ít cán bộ luôn tìm cách trả lại đồ cho khách theo cách tiện lợi nhất để hành khách không phải vất vả.

Chịu trách nhiệm với tài sản bỏ quên của khách

Các thành viên tổ tàu do anh Hà Văn Tỉnh làm Trưởng tàu (Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội) không nhớ hết những lần trả lại tài sản cho hành khách. Các anh, chị bảo “chủng loại” để quên, đánh rơi trên tàu cũng nhiều, là balo, túi xách, ví tiền, điện thoại, máy tính xách tay... Có khách, đêm ngủ cho ví vào túi sau quần, nằm nghiêng, ví rơi ra ngoài, lúc xuống tàu không kiểm tra lại giường nên không biết. Có khách để điện thoại, ví tiền dưới gối cũng quên...

Anh Hà Văn Tỉnh lập biên bản tài sản hành khách để quên

Anh Tỉnh kể có lần chạy tàu Hà Nội - Sài Gòn, đến ga Vinh, phát hiện khách để quên 30 triệu đồng, tổ tàu lập biên bản, bàn giao tài sản cho ga kế tiếp theo quy định.

Sau đó, vào chiến dịch chạy tàu Tết, về đến ga Hà Nội, tàu quay đầu chạy tiếp luôn để phục vụ khách. Đến ga Yên Trung (Hà Tĩnh), nhận được thông tin khách để quên balô (trong có một máy tính và một máy ảnh) ở toa 3, anh Tỉnh xuống lập biên bản. Trong khi đang lập biên bản, anh lại nhận được tin ở toa 4 khách để quên ví trong gối...

Với các trường hợp khách bỏ quên tài sản, theo quy định, tổ tàu lập biên bản và bàn giao tài sản cho ga kế tiếp. Cũng có thể liên hệ với khách để trao đổi cách bàn giao tài sản, trong trường hợp này, các nhân viên tổ tàu phải tự bảo quản tài sản của khách, nếu mất mát thì tự chịu trách nhiệm. 

Trả cho khách hàng trăm triệu đồng

Công việc trên tàu nhiều, nhưng mỗi lần phát hiện tài sản khách bỏ quên, tổ tàu thường cố gắng liên hệ với khách để tìm cách trả lại tài sản một cách thuận tiện nhất cho khách. Có lần đến ga Đồng Hới, khi tàu chạy, nhân viên tổ tàu phát hiện chiếc ví của khách vừa xuống. Theo quy định, tài sản sẽ được bàn giao cho ga kế tiếp.

Tuy nhiên, khi liên lạc được với khách, có 2 phương án được đưa ra để khách lựa chọn cách nào thuận lợi cho mình. Thứ nhất, bàn giao cho ga kế tiếp; thứ hai, tổ tàu sẽ giữ lại ví và bàn giao tại địa điểm thuận tiện cho khách khi tàu quay ra. Vì công tác tại Đồng Hới nên khách chọn phương án thứ hai. Sau đó, khi tàu quay ra, tổ tàu đã liên hệ với khách, đến ga Đồng Hới trả lại ví cho khách. Số tiền trong ví không nhiều, chỉ gần 3 triệu đồng nhưng có nhiều giấy tờ tuỳ thân. Anh Tỉnh chia sẻ, nếu phải đi làm lại số giấy tờ này sẽ mất rất nhiều thời gian. Còn nếu từ Đồng Hới, khách phải đi đến ga kế tiếp để nhận lại ví thì mất cả công sức, tiền bạc cho việc đi lại.

Điều đáng trân quý ở anh Tỉnh và các thành viên tổ tàu của anh là họ luôn nghĩ cho tâm trạng của người bỏ quên tài sản. Nên dù phải nhận phần khó về mình (phải chịu trách nhiệm nếu tài sản bị thất thoát trong quá trình cất giữ), các anh chị vẫn sẵn sàng, miễn sao hành khách được nhận lại tài sản một cách thuận tiện nhất.

Được biết, trong 11 tháng của năm 2019, các tổ tàu thuộc Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và gửi trả 168 trường hợp hành khách để quên tài sản trên tàu. Tổng số tài sản tổ tàu đã gửi trả (hoặc bàn giao các đơn vị để giải quyết): 343.941.000 đồng, 3.521 USD, 2.115 Euro, 15 hộ chiếu hành khách người nước ngoài, 62 thiết bị điện tử cá nhân và đồ dùng cá nhân, tài sản có giá trị.

hoavt

Nguồn: Báo Lao động

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)