Hà Giang: “Dân làm chủ, dân tự chủ” làm đường ở Ngam La

Thứ hai, 25/07/2022 14:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“Khi dân được biết, được bàn, được trực tiếp làm và là người thụ hưởng, việc triển khai làm đường bê tông nông thôn rất thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả” - Bí thư Đảng ủy xã Ngam La (Yên Minh) Nguyễn Thị Điệp chia sẻ.

Người dân thôn Nà Ngù góp công, góp sức làm đường bê tông

Đến Ngam La những ngày Hè tháng 6, giữa tiết trời oi ả, chúng tôi vẫn được chứng kiến tinh thần hăng say, phấn khởi của bà con thôn Nà Ngù khi tham gia làm đường bê tông vào các nhóm hộ. Thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng cho các địa phương làm đường giao thông nông thôn của tỉnh, xã Ngam La đăng ký 5,5 km đường, trong đó 1,5 km đường rộng 3 m; 4 km đường rộng 2 m.

Nà Ngù đăng ký nhiều nhất xã với 1,7 km loại đường rộng 2 m. Toàn thôn được chia làm 3 cụm dân cư, với 61 hộ, 100% đồng bào dân tộc Dao, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo. Khi được xã triển khai chủ trương của tỉnh về cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp kinh phí mua vật liệu và ngày công làm đường bê tông nông thôn, ban đầu người dân chỉ đăng ký thực hiện 1 km. Tuy nhiên, dưới sự vận động của xã và xác định đây là cơ hội để bà con có được con đường mơ ước bấy lâu nay, nên 100% số hộ trong thôn đồng thuận đăng ký thêm 700 m để hoàn thành toàn bộ các tuyến đường vào 3 cụm dân cư.

Để thực hiện được 1,7 km đường bê tông rộng 2 m theo đúng tiêu chuẩn một lớp đã lót dày 14 cm, mặt đường bê tông dày 14 - 16 cm thôn Nà Ngù thống nhất chia sự đóng góp và thực hiện theo 3 tổ tương ứng với 3 cụm dân cư, mỗi tổ bầu ra một Tổ trưởng để vận động và chỉ đạo nhân dân thực hiện. Theo tính toán ban đầu, bình quân các hộ trong thôn đóng khoảng 4,8 triệu đồng/hộ. Bí thư Chi bộ thôn Nà Ngù Cháng A Cặp cho biết: Để triển khai làm đường nhanh, hiệu quả, trước khi triển khai các tổ đều bàn, phân công công việc cụ thể từng nhóm thực hiện các nhiệm vụ như vận chuyển vật liệu, lấy nước, trộn vữa và đổ bê tông… Toàn bộ bà con đều rất hưởng ứng, đoàn kết cùng nhau làm và hiện đã cơ bản hoàn thành các tuyến. Mọi người đều rất phấn khởi khi có con đường bê tông kiên cố, thuận lợi.

Rời Nà Ngù, chúng tôi đến Phiêng Chom, đây là thôn khó khăn với 42/50 hộ nghèo và còn tới 3 km đường đến trung tâm chưa được cứng hóa. Nhưng người dân rất hưởng ứng và đăng ký làm 400 m đường nội thôn. Trưởng thôn Cháng A Nhôn chia sẻ: Sau khi họp bàn, bà con thống nhất các hộ có nhà nằm trên đoạn đường được đổ bê tông sẽ đóng góp mỗi hộ 1,5 triệu đồng mua vật liệu và góp 20 nghìn đồng/hộ mua nhiên liệu vận động một gia đình có máy xúc hỗ trợ san gạt nền đường; những hộ không nằm trên các tuyến đường nhưng có nương ở khu vực đó sẽ đóng góp kinh phí mua vật liệu bằng 30% hộ khác. Không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn theo xã hướng dẫn, tuyến đường nội thôn chúng tôi đổ dày khoảng 20 cm, nhiều đoạn đến 25 cm, cao hơn mức thiết kế bình quân 14 - 16 cm.

Đến nay, xã Ngam La đã hoàn thành 3/5,5 km đường và tập kết vật liệu xong ở tất cả các tuyến, sẽ triển khai đồng loạt và hoàn thành trong quý III năm nay. Các tuyến đường đã hoàn thành được ngành chuyên môn kiểm tra, đánh giá chất lượng tốt. Dù là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên 70%, để huy động sự hưởng ứng của nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã Ngam La có những cách làm phù hợp, vừa giao quyền làm chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm cho người dân vừa phân công từng đồng chí trong BTV Đảng ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ phụ trách vận động, theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các thôn, từ đó tạo được hưởng ứng của nhân dân.

Từ năm 2020 đến nay, xã vận động các nguồn xã hội hóa hỗ trợ xi măng cho người dân thôn Pờ Chừ Lủng làm được trên 6 km loại đường 1,2 – 1,5 m vào các cụm dân cư của thôn. Đây là một trong những thôn khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh - nơi đã từng được ví như “nơi tận cùng non cao” hay “vùng đất bị lãng quên”… 100% là đồng bào dân tộc Mông và thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhưng vẫn đóng góp công sức, tiền của làm được đường bê tông đến thôn. Thành quả đó đã tạo sức lan tỏa tới nhân dân các thôn, xóm trong xã, là tiền đề cho những kết quả chung sức làm đường bê tông nông thôn của xã những năm gần đây.

Bí thư Đảng ủy xã Ngam La Nguyễn Thị Điệp cho biết: Trước khi triển khai chủ trương làm đường, cấp ủy, chính quyền xã đều tổ chức họp với các thôn để thống nhất phương án thực hiện. Sau khi nhân dân nhất trí, đăng ký khối lượng, HĐND xã ra chủ trương xã hội hóa thực hiện, UBND giúp thôn lên dự toán và thông báo, trao quyền cho thôn tự vận động nhân dân đóng góp, tự thu, tự chi, có bảng kê chi tiết, sau khi hoàn thành, tổng kết báo cáo xã, xã tổng hợp và thông báo công khai trên các kỳ họp, cuộc họp. Trong quá trình đổ bê tông đường, xã cử cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật, yêu cầu cán bộ được phân công phụ trách, hỗ trợ thôn chịu trách nhiệm về chất lượng công trình. Với cách làm bài bản và đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” nên nhận được sự yên tâm, tin tưởng của nhân dân.

kieuanh

Nguồn: Báo Hà Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)