Từ sự kết nối của các thầy cô giáo, 2 cây cầu kiên cố ở vùng cao Nam Trà My đang được xây dựng, hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.
Người dân Long Tro trên cây cầu mới
Từ sáng sớm, ông Hồ Quốc Dũng dắt theo 2 con nhỏ đi trên cây cầu mới được xây dựng ở làng Long Tro (xã Trà Nam, Nam Trà My). Cảm giác vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt người đàn ông Xê Đăng này.
Ông Dũng cho biết, không riêng ông mà hơn 200 hộ dân ở làng Long Tro đều vui như mở hội. Mơ ước về một cây cầu kiên cố sau 19 năm tái lập huyện Nam Trà My, giờ đã trở thành hiện thực.
Trước đây, mỗi khi mùa mưa đến, người dân chỉ ngồi bó gối nhìn qua bên kia sông mà bất lực. Bởi, con nước Tak Đi nơi đầu nguồn sông Tranh bình thường rất hiền hòa, nhưng khi mưa lũ về thì cực kỳ hung dữ. Trẻ con không dám đến trường, người đau ốm không đến trạm xá được, thiếu ăn cục bộ đã xảy ra với dân làng. Nhưng giờ thì khác rồi.
“Khi có nhà từ thiện tài trợ làm cầu, nhà mình tham gia cõng gạch, xi măng, sắt, thép. Bà con trong làng, người vận chuyển vật liệu, người đem rau, củ, quả, gạo, nấu ăn cho các anh thợ. Giờ cây cầu hoàn thành, bà con mình yên tâm, vui cái bụng rồi, mùa mưa này không sợ cô lập nữa” - ông Dũng nói.
Cầu Long Riêu có chiều dài 60m, được bàn giao, phục vụ
cho hơn 300 hộ đòng bào Xê Đăng ở Trà Nam
Hình ảnh và cái tên cô giáo Trà Thị Thu giờ đã quá quen thuộc với người dân làng Long Tro, làng Long Riêu (xã Trà Nam). Không chỉ cô Thu là người trực tiếp kết nối với Câu lạc bộ thiện nguyện Bắc Trung Nam tài trợ kinh phí làm cầu treo, mà trong suốt gần 2 tháng làm cầu, hết giờ trên lớp là cô băng rừng đến tận nơi thi công, để động viên người dân và đội thợ.
“Tôi dạy ở Trà Tập, nhưng nghe các thầy cô bên Trà Nam nói về khó khăn đi lại của học sinh trong mùa mưa. Vì vậy tôi đi khảo sát thực tế rồi thông qua mạng xã hội Facebook, các mối quan hệ anh em, bạn bè... kết nối và được sự hỗ trợ của Câu lạc bộ thiện nguyện Bắc Trung Nam, Công ty CP Dược phẩm TV.PARM Trà Vinh đầu tư 2 cây cầu ở đó.
Ngoài số kinh phí gần 350 triệu đồng, tôi cùng với Đoàn Thanh niên xã vận động bà con chung tay làm cầu. Chính bà con bỏ hơn 2.000 ngày công làm cầu, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp họ nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn để nâng cao tuổi thọ công trình” - cô Thu nói.
Vượt hơn 1.000km từ TP.Hồ Chí Minh, rồi lội bộ hơn 1h đồng hồ để vào bàn giao hai cây cầu Long Tro, Long Riêu, ông Hà Ngọc Sơn - Chủ tịch tập đoàn AIKYA, Tổng Giám đốc Công ty Dược TV.PHARM Trà Vinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện Bắc Trung Nam chia sẻ: “Thật sự có đi như thế này, chúng tôi mới thấy hết sự khó khăn của bà con vùng cao, rồi các thầy cô giáo gieo chữ nơi đây.
Những tình cảm sẻ chia của anh em câu lạc bộ hay công ty cũng chỉ là phần nhỏ, còn sự kết nối rồi đóng góp của các thầy cô giáo và bà con mới thật sự lớn. Hai cây cầu hôm nay chúng tôi bàn giao, tượng trưng cho tình đoàn kết, tình yêu thương lan tỏa, nối liền đôi bờ vui, để cho cuộc sống có ý nghĩa hơn”.
Dịp này, đoàn thiện nguyện cũng bàn giao sân bóng chuyền, bóng đá, 60 cây đèn năng lượng mặt trời cho xã Trà Cang. “Chúng tôi hy vọng những việc làm của mình sẽ lan tỏa đến nhiều tấm lòng khác để chung tay chia sẻ khó khăn với đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang... của tỉnh Quảng Nam. Anh em Câu lạc bộ thiện nguyện Bắc Trung Nam sẽ quay lại nơi này một lần nữa” - ông Sơn khẳng định.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, với địa hình sông, suối dày đặc, mỗi khi mùa mưa bão đến, hàng nghìn người dân vùng cao luôn đối mặt với cô lập, chia cắt dài ngày.
Huyện Nam Trà My với 10 xã có nhu cầu làm gần 60 cầu treo dân sinh giai đoạn 2022 - 2026, song với nguồn lực còn hạn chế của một huyện nghèo, nên ngân sách nhà nước không đủ.
“Do đó, sự kết nối của các thầy cô giáo với Câu lạc bộ thiện nguyện Bắc Trung Nam, Chi hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng TV.PHARM và các nhà hảo tâm trong cả nước… để đầu tư và đang hoàn thành những cây cầu trước mùa mưa bão năm nay đã chia sẻ gánh nặng về giao thông cũng như công tác an sinh xã hội với chính quyền địa phương” - ông Dũng nói.