Yên Bái: Đường của dân, “công nhân” của bản

Thứ ba, 03/01/2023 14:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hàng chục nghìn mét vuông đất đã được hiến cho làm đường, hàng nghìn công lao động được nhân dân đóng góp. Phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) lan tỏa từ các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn… đến các huyện vùng cao đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đâu đâu cũng là "đại công trường”.

Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải tham gia
kiên cố hóa đường giao thông nông thôn cùng người dân xã Lao Chải

Tết này, người dân các khu dân cư Khe Tè và Ông Kiên thuộc thôn Đồng Bẳn, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn rất phấn khởi vì tuyến đường dẫn vào 2 khu dân cư này đã được bê tông hóa. Từ nguồn xi-măng hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã họp bàn, thống nhất đóng góp tiền mặt, vật liệu cũng như ngày công để kiên cố hóa tuyến đường. Ông Nguyễn Văn Tiến - một người dân trong thôn cho biết: "Ngoài đóng góp tiền mặt 3 triệu đồng/nhân khẩu, gia đình tôi còn phá bỏ tường rào, cây cối với 150 mét dài để mở rộng tuyến đường”. 

Theo ông Hoàng Quang Thẩm – Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, từ năm 2021 trở lại đây, Nhà nước hỗ trợ vật liệu, chủ yếu là xi măng, còn lại là nhân dân đóng góp. Tuy đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng ai cũng nhận thức rõ lợi ích của việc mở rộng, kiên cố hóa đường GTNT nên tham gia rất nhiệt tình. Đến nay, 100% các thôn trên địa bàn xã đã có đường bê tông, giúp người dân đi lại và giao thương thuận tiện. 

Được biết, năm 2022, huyện Văn Chấn đã kiên cố hoá được gần 92 km đường GTNT và trên 70 công trình cầu cống các loại. Trong đó, riêng nguồn vốn từ Đề án phát triển GTNT đã thực hiện kiên cố được 86,8 km (không tính khối lượng mở rộng mặt đường; mở mới nền đường), đạt 144,67% kế hoạch. 

Bà Hoàng Thị Lý – Trưởng phòng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Chấn cho biết: "Nguồn vốn huy động trong nhân dân được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau: ngày công lao động, tiền mặt, hiến đất, cây cối, hoa màu… với phương châm GTNT là công trình của dân, do dân làm, dân tự kiểm tra và mọi công việc đều được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng công trình được cơ sở rất quan tâm”.

Tùy điều kiện cụ thể, mỗi địa phương đã có những cách làm riêng để huy động, vận động người dân tham gia làm đường như: nơi có đá thì góp đá, có cát, sỏi thì góp cát sỏi, góp công san nền, đánh đất rồi tiền mặt... Những giải pháp đó đã tạo nên phong trào làm đường GTNT rộng khắp. 

Mỗi năm, hàng chục nghìn mét vuông đất đã được hiến cho làm đường, hàng nghìn công lao động được nhân dân đóng góp. Phong trào làm đường GTNT lan tỏa từ các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn… đến các huyện vùng cao đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đâu đâu cũng là "đại công trường”. 

Theo đó, năm 2022, toàn tỉnh kiên cố hóa được trên 560 km, đạt 140% so với kế hoạch đề ra; trong đó, theo Đề án GTNT là trên 465 km, còn lại là theo các chương trình dự án khác với tổng kinh phí 472,94 tỷ đồng (riêng nguồn vốn từ Đề án phát triển GTNT là 345,8 tỷ đồng, trong đó vốn huy động hợp pháp và nhân dân đóng góp là 186,1 tỷ đồng). 

Qua đó, nâng tổng chiều dài đường GTNT được kiên cố hóa trên địa bàn tỉnh lên 4.971,2 km/ 7.735,3km, đạt 64,2%. Qua đánh giá, các địa phương đã huy động được nguồn lực rất lớn từ nhân dân. Công tác giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi do được người dân ủng hộ, tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc để làm đường; nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh kiên cố hóa thêm khoảng 2.000 km đường GTNT, trong đó mỗi năm dự kiến kiên cố hóa khoảng 400 km. Để hoàn thành mục tiêu đó, ngoài việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân tham gia chung sức làm đường GTNT.

kieuanh

Nguồn: Báo Yên Bái

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)