Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), NTM nâng cao, nhờ những cách làm linh hoạt, sáng tạo từ các cấp, ngành, đoàn thể nên phong trào hiến đất làm đường giao thông trên địa bàn huyện Quảng Xương, Thanh Hóa đã nhận được sự đồng thuận cao và có sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Từ đó, góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê và là nền tảng vững chắc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đường giao thông ở xã Quảng Đức (Quảng Xương)
được mở rộng phong quang, sạch đẹp
Về xã Quảng Đức những ngày này, điều dễ dàng nhận thấy là bộ mặt nông thôn của xã có nhiều khởi sắc với những tuyến đường giao thông nông thôn rộng rãi, sạch đẹp, giao thông nội đồng được cứng hóa. Ông Vương Huy Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã, vui mừng cho biết: Xác định để hoàn thành tiêu chí giao thông trong XDNTM, NTM nâng cao phụ thuộc rất nhiều từ việc huy động nguồn lực trong Nhân dân. Bởi vậy, các cấp, ngành trong xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như trong các buổi họp giao ban ở xã, trên loa truyền thanh và các buổi sinh hoạt hội, đoàn thể, các cuộc họp thôn.
Đồng thời, xã còn phân công thành viên ban chỉ đạo XDNTM, NTM nâng cao của xã tích cực phối hợp với các trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động người dân tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng. Nhờ đó, trong quá trình triển khai, người dân trong xã đã hào hứng hiến đất, tháo dỡ các tài sản trên đất và ủng hộ kinh phí mở rộng các tuyến đường làng, ngõ xóm, đường trục chính, giao thông nội đồng. Theo thống kê, từ khi bắt đầu XDNTM đến nay, toàn xã đã có gần 60 hộ dân tình nguyện hiến khoảng 870m2 đất ở và khoảng 26.000m2 đất ruộng để làm đường giao thông.
Là một trong những hộ tiên phong trong phong trào hiến đất ở tại địa phương, ông Phạm Công Phúc, thôn Hà Trung, cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc hiến đất làm đường giao thông không chỉ giúp địa phương sớm hoàn thành tiêu chí giao thông trong XDNTM, NTM nâng cao mà quan trọng hơn khi đường sá được mở rộng sẽ giúp cho bản thân, gia đình mình và người dân đi lại thuận lợi hơn. Chính vì vậy, khi biết được chủ trương của xã sẽ mở rộng tuyến đường đi qua nhà tôi, các thành viên trong gia đình tôi đã bàn bạc, tự nguyện hiến một phần đất để làm đường giao thông. Giờ đây nhìn con đường được đổ bê tông sạch sẽ, thoáng đãng, hai bên đường trồng nhiều loại hoa, bộ mặt nông thôn khởi sắc, tôi và bà con trong thôn rất phấn khởi”.
Không chỉ riêng xã Quảng Đức, mà trong quá trình XDNTM, NTM nâng cao phong trào hiến đất đã được người dân trong toàn huyện Quảng Xương tích cực hưởng ứng. Hàng ngày trên khắp các thôn, xóm tiếp tục có nhiều tuyến đường bê tông mới rộng hơn, đẹp hơn được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Theo thống kê riêng năm 2022, thì nguồn lực huy động được trong cộng đồng dân cư trên toàn huyện là 940,06 tỷ đồng, chiếm 68,71% (bao gồm: đóng góp tiền mặt là 97,64 tỷ đồng; hiến đất là 26.340m2 và đóng góp ngày công lao động, vật liệu, xây dựng nhà, chỉnh trang nhà ở, xây dựng tường rào thoáng, xây dựng vườn mẫu, cải tạo vườn tạp...).
Cũng trong năm 2022, huyện cũng đã nâng cấp, làm mới 56,7 km đường giao thông huyện, xã. Việc tự nguyện hiến đất của người dân đã góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Để tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân và việc hiến đất trở thành một phong trào tiêu biểu, sôi nổi, thời gian qua huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời, các cấp, ngành trong huyện luôn tích cực, chủ động đi sâu vào từng khu dân cư để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó có phương pháp tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất, hưởng ứng nhiệt tình từ Nhân dân, để mỗi người tự giác, tự nguyện hiến đất, góp công, góp sức chỉnh trang đường làng, ngõ xóm tạo diện mạo mới cho quê hương.
Có thể thấy, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở huyện Quảng Xương đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn của địa phương.