Sự lan tỏa phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn ở huyện Triệu Sơn đã làm thay đổi bộ mặt vùng quê, cải thiện đáng kể đời sống người dân. Đây chính là điểm nhấn quan trọng, tạo tiền đề để địa phương vững bước xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, tiến đến mục tiêu trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trước năm 2030.
Chính quyền chung tay hỗ trợ nhân dân
phá dỡ các công trình trên đất để mở rộng đường
Từ chủ trương đúng
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, ngày 22-7-2022, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Triệu Sơn đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU và Đề án số 02-ĐA/HU về “Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Triệu Sơn giai đoạn 2022-2025”. Đồng thời, thành lập ban chỉ đạo, tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt nghị quyết đến tất cả các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa nội dung của nghị quyết, đề án, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất; thành lập 9 đoàn kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết ở cơ sở...
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, UBND huyện, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng kế hoạch triển khai đến MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các xã, thị trấn. Bộ phận thường trực ban chỉ đạo cấp huyện thường xuyên trao đổi, nắm bắt tình hình tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết ở cơ sở; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tổng hợp phản ánh những khó khăn, vướng mắc với Thường trực, Ban Thường trực Huyện ủy và đồng chí trưởng ban chỉ đạo để có phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả cao.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để “khơi thông”
Bước vào thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, xã Dân Quyền gặp nhiều khó khăn bởi hệ thống đường giao thông nông thôn của xã đều nhỏ hẹp, không đủ chiều rộng nền đường, mặt đường và xuống cấp; mật độ dân cư đông, các vật kiến trúc như tường rào, cổng nhà, quán... phần lớn đã được Nhân dân xây dựng kiên cố. Nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, Nhân dân phải tự hiến đất, tự tháo dỡ các vật kiến trúc và bỏ kinh phí để xây dựng lại. Trong khi nhận thức của một bộ phận Nhân dân còn chưa thông, chưa rõ, trông chờ, ỷ lại vào kinh phí tập thể mà các tuyến đường xã cần mở rộng lại có chiều dài tới 6,2 km; đường thôn có chiều dài cần mở rộng 18,4 km; đường ngõ xóm có chiều dài cần mở rộng 15 km, là bài toán hết sức nan giải đối với địa phương.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động có vai trò rất quan trọng, các đồng chí trong ban chỉ đạo, ban vận động xã đã trực tiếp dự họp cùng chi bộ các thôn, xác định từng tuyến đường cần mở rộng, từng hộ dân cần hiến đất... để đưa ra giải pháp thực hiện. Với vai trò là thường trực ban chỉ đạo, MTTQ xã đã phối hợp cùng các thành viên là bí thư chi bộ thôn, tổ trưởng tổ liên gia tự quản... bám sát địa bàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Trực tiếp “đến từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích thiết thực mang lại cho người dân khi mở rộng đường cũng như cơ chế, phương án hỗ trợ của huyện, xã. Anh Dương Văn Lâm, Chủ tịch MTTQ xã Dân Quyền, chia sẻ: “Mưa dầm thấm sâu", sau nhiều lần gặp gỡ vận động, giải thích đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Từ đó, tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của toàn dân.
Tương tự, tại xã Thọ Tiến trước đây các tuyến đường thôn, đường ngõ xóm chỉ rộng hơn 3m nên đi lại, giao thương gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/HU, xã huy động cả hệ thống chính trị từ xã đến khu dân cư cùng vào cuộc. Đồng thời xây dựng kế hoach cụ thể, chi tiết để thực hiện, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, phù hợp với địa phương, đến từng hộ thuyết phục, vận động; tranh thủ sự ủng hộ, hưởng ứng của những người có uy tín trong khu dân cư, dòng họ vận động để các hộ hiểu rõ chính họ là người được hưởng lợi. Khi đã thông, đã hiểu, các hộ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, không tiếc công, tiếc của tự giác, tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức làm đường giao thông. Anh Lê Hồng Ba, Chủ tịch MTTQ xã Thọ Tiến, cho biết: Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, “lấy sức dân để lo cho dân”, thực hiện quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, xã chọn 1 - 2 khu dân cư làm mẫu trước, sau đó mới nhân ra diện rộng. Khi được sự đồng thuận, nhất trí của Nhân dân là tổ chức làm ngay, xã sẵn sàng hỗ trợ máy múc, tấm lam, xi măng, công tháo dỡ các công trình và giải phóng, xây dựng phần móng mặt bằng, tường rào, tạo lòng tin, sự phấn khởi trong Nhân dân.
Khi ý Đảng thuận lòng dân
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, việc ban hành Nghị quyết 12 là một chủ trương đúng, thực sự hợp “ý Đảng, lòng dân” và đi vào cuộc sống, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo không khí phấn khởi, thi đua, lan tỏa rộng khắp các địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 34/34 xã, thị trấn triển khai thực hiện nghị quyết, với gần 9.000 hộ dân tham gia hiến đất; phá dỡ tường rào, công trình, vật kiến trúc... trên 260 km chiều dài các tuyến đường và trên 22 ha. Nhiều địa phương đã linh hoạt, sáng tạo trong vận động Nhân dân hiến đất, tiêu biểu là các xã: Thọ Vực, Thọ Tiến, Dân Lý, Dân Quyền, Dân Lực, Xuân Thịnh, Hợp Lý, Thái Hòa, Đồng Thắng... Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2, chặt cây, phá dỡ tường rào và các công trình kiến trúc trên đất.
Điển hình là hộ ông Lê Gia Khoa ở thôn 1, xã Dân Quyền đã tự nguyện phá dỡ căn nhà 3 gian với công trình phụ và hiến 135m2 để mở ngõ cụt. Ông Khoa cho biết: Sau khi được tuyên truyền, vận động, nhận thấy mình được hưởng lợi về lâu dài nếu đường được lưu thông nên ông đã bàn bạc với vợ con hiến đất, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt nghị quyết.
Với bà Nguyễn Thị Hằng, ở thôn 1, xã Dân Lực, sau khi thấy nhiều hộ gia đình khác trong thôn hiến đất, bà cũng tự nguyện hiến 93,4m2 đất để mở rộng đường. Tại xã Thọ Tiến có gia đình ông Võ Văn Giáp ở thôn 4 đã hiến đất, phá bỏ tường rào, công trình nhà ở trị giá khoảng 200 triệu đồng; gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, ở thôn 6 đã hiến đất, phá bỏ tường rào, công trình phụ, trị giá trên 100 triệu đồng. Nhiều gia đình tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng sau khi được tiếp thu chủ trương đã tự nguyện hiến đất. Ví như gia đình ông Phạm Viết Hà ở thôn 1 xã Minh Sơn, không ngần ngại phá dỡ 1 gian nhà đang ở và tường rào, hiến gần 60m2 đất, trị giá gần 100 triệu đồng...
Sau khi mở rộng đường, hầu hết các địa phương đã huy động nguồn lực từ Nhân dân xây dựng mới cổng, tường rào, mương thoát nước, di dời cột điện, đổ bê tông, láng xi măng. Nhiều tuyến đường được trồng hoa, cây xanh, điện chiếu sáng mang lại cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Diện mạo, bộ mặt nông thôn thay đổi cơ bản, Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về chủ trương đúng đắn của nghị quyết.