Sáng nay (17/9), Báo Giao thông tổ chức tọa đàm trực tuyến "Xe đạp điện: Tiện lợi hay hiểm họa" tại 18 Phạm Hùng.
Tham gia buổi tọa đàm có: ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia; ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN; ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường; ông Trần Quang Hà – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN; ông Lê Đức Việt – Phó Vụ trưởng Vụ ATGT; Trung tá Đinh Thanh Thảo - Đội trưởng Đội Đăng ký và quản lý phương tiện, Công an Hà Nội; ông Đinh Văn Bắc - Giám đốc Công ty TNHH Ô tô xe máy Detech; ông Ngô Văn Quyền - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Liên doanh Việt Thái; ông Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi; cô Nguyễn Tuyết Mai, đại diện Trường THPT Việt Đức. Bà Nguyễn Thị Hồng Nga - Phó Tổng biên tập Báo Giao thông dẫn chương trình tọa đàm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết: "Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, Bộ GTVT cùng các bộ, ban ngành trung ương và địa phương đã nỗ lực kéo giảm được tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn những diễn biến phức tạp. Trong đó, việc quản lý, sử dụng xe đạp điện còn nhiều bất cập. Vì nhiều lý do số thanh thiếu niên, học sinh sử dụng xe đạp điện ngày càng gia tăng trong khi ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao gây mất trật tự ATGT và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn".
Tại buổi tọa đàm, các khách mời sẽ cùng trao đổi tìm giải pháp cho những vấn đề đang làm đau đầu các cơ quan quản lý hiện nay như dẹp nạn xe nhái, xe nhập lậu như thế nào, kiểm soát việc sử dụng xe đạp điện ra sao; làm gì để chấm dứt tình trạng thanh thiếu niên đi xe đạp điện vi phạm các quy định về an toàn gây nguy hiểm cho chính mình và người tham gia giao thông.
8g 30 chương trình tọa đàm và trả lời các câu hỏi của độc giả bắt đầu:
Tốc độ tối đa của xe đạp điện đang quy định là 25km/h? Vì sao phải quy định như vậy thưa ông?
Ông Trần Quang Hà – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN: Khoản 19 điều 3 luật Giao thông đường bộ quy định xe đạp điện là phương tiện thô sơ, điều kiện an toàn của phương tiện này rất đơn giản không đèn tín hiệu, đồng hồ tốc độ... Theo TCVN 621, xe đạp điện có tốc độ không quá 25 km/h.
Vậy tại sao vẫn có những trường hợp xe đạp điện đi với tốc độ cao?
Ông Trần Quang Hà – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN: Phải phân loại phương tiện đó là xe máy điện hay xe đạp điện. Cách phân biệt của người sử dụng có thể chưa rõ. Vì thế, tới đây, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sửa đổi sẽ đưa ra một điều khoản để phân biệt nhanh đâu là xe đạp điện, đâu là xe máy điện.
Về tốc độ, xe đạp điện hoạt động trên nguyên lý biến áp dòng điện nên các phương tiện đáp ứng được điều kiện của quy chuẩn 68 thì tốc độ không thể vượt quá 25km/h. Tuy nhiên, khi bán ra thị trường, người sử dụng có thể tác động vào các bộ điều khiển như tay ga để làm tăng tốc độ. Do đó, cần có công tác tuyên truyền với các bậc phụ huynh và học sinh khi sử dụng xe đạp điện phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc. Vì điều kiện an toàn của xe đạp điện không được như xe máy, không được chạy tốc độ cao, dễ gây TNGT.
Theo ông trước khi đi mua xe đạp điện thì người sử dụng nên tham khảo những thông tin nào?
Ông Trần Quang Hà: Phụ huynh học sinh phải xem độ tuổi của con em mình để cân nhắc mua phương tiện sử dụng cho phù hợp. Ví dụ nếu dưới 16 tuổi thì chỉ có thể sử dụng xe đạp điện vì không cần giấy phép lái xe. Phụ huynh buộc phải chọn phương tiện phù hợp với lứa tuổi của con em mình để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Còn khi ra cửa hàng, có thể người ta chỉ tư vấn làm sao để bán được hàng.
Vì thế, các bậc phụ huynh không phân biệt được xe máy điện hay xe đạp điện. Do đó nhiều khi các bậc cha mẹ vô tình khiến con em mình điều khiển phương tiện không đảm bảo an toàn, không theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế vẫn còn lẫn lộn khó phân biệt xe đạp điện và xe máy điện? Người kiểm soát trên đường có phát hiện được vi phạm?
Trung tá Đinh Thanh Thảo - Đội trưởng đội Đăng ký và quản lý phương tiện, Công an Hà Nội:
Trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT luôn tập trung tuyên truyền về việc tuân thủ theo luật GTĐB đối với người sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Trên thực tế, số học sinh đi xe đạp điện nhiều hơn là đi xe máy điện. Với các em từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển các phương tiện trên, lực lượng CSGT ngoài tuyên truyền sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính bằng 50% đối với người thành niên. Nếu người điều khiển phương tiện dưới 16 tuổi, thì sẽ bị xử phạt cảnh cáo và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Trường hợp đối với xe máy điện theo quy định của Luật GTĐB, tại khoản 19 điều 3 quy định, xe đạp máy, xe đạp điện là phương tiện thô sơ, nhưng vẫn phải đội MBH. Riêng với xe máy điện, theo quy định của luật, phải đăng ký và đeo biển số. Gần đây, thông tư số 15 ngày 14/4/2014 cũng quy định về đăng ký xe đối với xe máy điện thì phải đăng ký cấp biển số theo quy định.
Trong suốt thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã tuyên truyền nhiều về việc này nhưng lượng đăng ký tại cơ quan công an vẫn rất khiêm tốn, chứng tỏ người dân chưa thực sự am hiểu về sự cần thiết của việc này.
Theo quy định Bộ Công an, khi đăng ký xe máy điện phải có giấy kiểm tra chất lượng An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nhưng trên thực tế, xe bán trên thị trường hiện nay gần như không có giấy tờ để đăng ký phương tiện theo quy định.
Mới đây, Cục CSGT đã tham mưu Bộ Công an có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét miễn thuế trước bạ với loại xe này để tạo điều kiện cho những người đã có xe đi đăng ký, khi đó cơ quan nhà nước sẽ quản lý phương tiện tốt hơn. Trong thời gian đưa số xe này vào quản lý sẽ ban hành thông tư bổ sung, chỉ cần xác nhận của chính quyền địa phương, chứng thực người sử dụng xe đó ở địa phương thì sẽ được đăng ký.
Vậy có cách nào phân biệt rõ nhất xe đạp điện và xe máy điện?
Trung tá Đinh Thanh Thảo: Lực lượng CSGT là những người tuần tra kiểm soát, hướng dẫn giao thông và xử lý vi phạm Giao thông đường bộ trên đường. Chúng tôi định nghĩa xe đạp điện là xe chạy bằng năng lượng điện, khi hết điện có thể đạp để di chuyển được. Hay đơn giản hơn, xe nào có bàn đạp thì đó là xe đạp điện. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người sử dụng lại tháo bộ phận này ra dẫn đến việc không thể xác định và phân biệt được đâu là xe đạp điện, đâu là xe máy điện.
Theo ý kiến của Trung tá Thảo, hiện giờ số lượng học sinh sử dụng phương tiện đến trường đa phần là xe đạp điện, tuy nhiên theo khảo sát của Báo Giao thông, phương tiện tham gia giao thông của các em lại chủ yếu là xe máy điện. Là nhà cung cấp, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này, có sự nhầm lẫn gì không?
Ông Ngô Văn Quyền - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Liên doanh Việt Thái: Đang có sự nhầm lẫn giữa xe máy điện và xe đạp điện, nhất là khi áp dụng theo quy chuẩn của Cục Đăng kiểm VN.
Hiện nay chủ yếu vẫn chỉ phân biệt bằng cách, nếu xe có bàn đạp thì cho rằng đó là xe đạp điện.
Tuy nhiên, cái bàn đạp đó thực chất không hẳn có tác dụng. Vì thế không thể bằng mắt thường để xác định đâu là xe máy điện, đâu là xe đạp điện. Có nhiều trường hợp để lách luật, tránh các quy định của nhà nước, nhà sản xuất lắp thêm bàn đạp cho giống xe đạp điện nhưng thực tế thì công suất và tốc độ là của xe máy điện.
Việc thị trường còn nhiều loại xe chưa được kiểm tra chứng nhận chất lượng và nhiều xe biến tướng khiến người tiêu dùng khó phân biệt.
Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính chịu thiệt hại vì nhiều đơn vị lợi dụng để sản xuất, nhập khẩu xe không đúng tiêu chuẩn về bán kiếm lợi nhuận.
Cơ quan quản lý thì đồng ý miễn thuế trước bạ đối với xe máy điện, miễn giảm thủ tục đăng ký đối với xe máy điện nhưng doanh nghiệp cho rằng cần phải có hóa đơn khi đăng ký, như vậy mới hạn chế được tình trạng nhập lậu. Vậy theo ông có cần siết chặt quy định này?
Trung tá Đinh Thanh Thảo: Cái tôi nói mới chỉ là công tác tham mưu. Chúng tôi mới chỉ đưa ra đề xuất chứ chưa chính thức áp dụng. Theo quy định phải có đầy đủ giấy tờ, thủ tục mới đăng ký được xe máy điện. Chúng ta đã dùng nhiều lực lượng để tuyên truyền nhưng nhân dân chưa thực hiện theo nhiều. Giải pháp như tôi nói ở trên được coi là giải pháp tình thế để quản lý số xe trôi nổi trên thị trường mà hiện nay chưa quản lý được. Vì thế, đây mới chỉ là đề xuất của Bộ công an lên Chính phủ, tôi được biết là Chính phủ đã đồng ý nhưng khi thực hiện còn cần hướng dẫn cụ thể.
Còn cách nào khác để phân biệt xe đạp điện và xe máy điện chính xác hơn, thưa ông?
Ông Đinh Văn Bắc - Giám đốc Công ty TNHH Ô tô xe máy Detech: Cách nhận biết tốt nhất xe đạp điện là tem hợp chuẩn do do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp. Xe máy điện thì phải có giấy chứng nhận xuất xưởng và phải đăng ký. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đưa ra thị trường thì người tiêu dùng lại không cần cũng như không có ai kiểm tra, kiểm soát.
Cục Đăng kiểm đã cấp ra bao nhiêu tem hợp chuẩn, số lượng xe đạp điện được dán tem đạt bao nhiêu %?
Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN: Từ 1/1/2014 đến 31/8/2015 số lượng xe đạp điện nhập khẩu là 5.324 chiếc, tuy nhiên số lượng sản xuất, lắp ráp trong nước lên tới 47.308 chiếc.
Liên quan đến ý kiến độc giả về cách để phân biệt xe đạp và xe máy, chúng ta đã có những quy chuẩn quy định, như Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện số hiệu QCVN 68:2013/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều người không biết đến quy chuẩn đó.
Cách phân biệt đơn giản nhất là xe đạp điện trước hết phải có bàn đạp, chứ không phải chỉ có chỗ để lắp bàn đạp, và bàn đạp đó phải giúp xe đi chuyển được khi xe hết điện.
Còn với người mua, việc phân biệt xe đạp hay xe máy điện thực tế rất khó nếu dựa vào tem. Tem chỉ phản ánh việc xe đã được kiểm định chất lượng hay chưa bởi hiện nay, số lượng xe đạp điện nhập khẩu lắp ráp chui không qua đăng kiểm rất lớn. Số lượng xe có dán tem đạt chuẩn chỉ khoảng 10%. Có rất nhiều xe được lắp ráp trôi nổi trên thị trường.
Cần phải có biện pháp quản lý thị trường, quản lý xuất nhập khẩu, hạn chế lắp ráp, nhập khẩu chui, mới giảm được tình trạng sản xe không qua kiểm định vẫn bán tràn lan và được sử dụng phổ biến như hiện nay. Theo tôi, trường hợp mua không có giấy tờ, không có hoá đơn, chắc chắn là những xe không rõ nguồn gốc, xe chui. Người mua vô tình đang tiếp tay tiêu thụ những sản phẩm này.
Vì vậy cần có sự phối hợp giữa đơn vị sản xuất, đơn vị quản lý và cả người mua để đảm bảo chất lượng xe và an toàn cho người sử dụng, môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Chính sách, quy định về xe đạp điện ảnh hưởng như thế nào đến thị trường, động thái của người tiêu dùng, của doanh nghiệp khi có các quy định mới, thưa ông?
Ông Đinh Văn Bắc - Giám đốc Công ty TNHH Ô tô xe máy Detech: Tôi đồng ý với ý kiến cần thực hiện lộ trình quản lý xe đạp điện bởi vì nếu thả nổi sẽ rất nguy hiểm.
Nếu không có quản lý thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất nhiều vì nguồn xe đạp điện nhập lậu.
Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp được chào hàng xe lậu không giấy tờ ở biên giới Trung Quốc, thậm chí ngay tại Việt Nam. Không cần giấy tờ gì cả, kể cả giấy xác nhận chất lượng hay nguồn gốc xuất xứ, giá rất thấp, muốn loại nào cũng có.
Tôi đề nghị lộ trình đăng kiểm thì cần có thời gian, ví dụ như khoảng 3 tháng để giải quyết những lô xe tồn kho của doanh nghiệp. Sau thời gian này thì dù xe gì đi chăng nữa cũng phải có giấy tờ mới được đăng ký. Khi chúng ta đã có chủ trương mới thì cần phải triển khai ngay.
Cứ mỗi lần trì hoãn là xe lậu lại tràn về, người dân cũng chần chừ không chịu đi đăng ký, cơ quan quản lý không quản lý được số lượng, chất lượng phương tiện.
Xin ông cho biết chủ trương mới nhất của Chính phủ về xe máy điện và xe đạp điện?
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia: Vấn đề đăng ký xe máy, xe đạp điện chúng ta đã bàn từ khá lâu, từ khi trên thị trường xuất hiện và có chiều hướng tăng mạnh các loại xe này. Để chuẩn bị cho năm học mới, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã trao đổi với một số bộ ngành như: Công an, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo để báo cáo Chính phủ cho phép đơn giản hoá các thủ tục để đăng ký xe mý điện đang lưu hành.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý miễn phí trước bạ đến hết 30/6/2016 đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện thủ tục đăng ký khi chủ phương tiện đến cơ quan Công an làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã đồng ý miễn, giảm lệ phí đăng ký đến hết ngày 30/6/2016 đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện các thủ tục đăng ký khi chủ phương tiện thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu, sử dụng phương tiện.
Bộ Công an cũng quyết định theo thẩm quyền và hướng dẫn việc miễn các loại hồ sơ, chứng từ khi làm thủ tục đăng ký đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện thủ tục đăng ký đến hết 30/6/2016, bao gồm: hoá đơn, chứng từ mua bán xe; Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT (đối với xe nhập khẩu) hoặc Phiếu kiểm định chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước).
Đây là những chỉ đạo rất cơ bản cần tuyên truyền đến người dân về quản lý xe đạp - xe máy điện.
Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là tháo gỡ mọi khó khăn của người dân. Những vấn đề chưa quyết liệt tại một số khâu khiến xe máy- xe đạp điện thiếu chứng từ khi lưu thông, trong đó có cả xe nhập lậu, xe nhập phụ tùng về nước lắp ráp không đáp ứng các thủ tục trôi nổi trên thị trường sẽ được xử lý rốt ráo.
Tôi vừa yêu cầu Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia mở một cuộc thi trên trang fanpage của Ủy ban để phân biệt đâu là xe máy điện - xe đạp điện. Giải thưởng có thể là những phiếu giảm giá khi mua xe máy điện, xe đạp điện. Tôi chắc rằng ở nhiều vùng sâu, vùng xa rất khó để biết được đâu là xe máy điện - xe đạp điện. Tôi tin rằng, nếu các cửa hàng khi bán ghi rõ đây là xe máy điện - đây là xe đạp điện, chắc chắc người dân không thể nhầm lẫn khi mua xe đạp điện lại thành xe máy điện.
Đây là trách nhiệm của quản lý thị trường, chủ cửa hàng khi bán sản phẩm cho người dân. Theo tôi cũng như MBH, chúng ta phải có văn bản yêu cầu đến thời điểm nào đó các xe không có hoá đơn, tem hợp quy, đăng kiểm mà bán trên thị trường, sẽ không được đăng ký, không được cấp đăng kiểm và sẽ bị xử phạt. Nếu cứ thả đến 30/6, họ cứ nhập ùn ùn linh kiện, chúng ta không làm gì được. Vì thế cơ quan quản lý thị trường, thuế phải có yêu cầu chủ cửa hàng cam kết đầy đủ về nguồn gốc hàng hoá, phân biệt cho khách hàng đâu là xe máy điện - xe đạp điện chứ không thể lập lờ đánh lận con đen. Khi đó, thiệt hại lớn nhất thuộc về người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tôi cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, thầy cô trong các nhà trường có sự phối hợp tuyên truyền thông tin để các em và phụ huynh biết đâu là xe máy - xe đạp điện. Và có biện pháp ngăn chặn những hiểm họa từ loại xe này. Chúng ta cần rút ra những bài học từ những nước láng giềng, như Trung Quốc hiện có khoảng 300 triệu xe máy, xe đạp điện và có đến 40% số vụ TNGT liên quan đến xe máy - xe đạp điện. Chúng ta không thể để đến lúc TNGT xảy ra quá nhiều mới lo ngăn chặn.
Từ bài học phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công thương về kiểm soát chất lượng MBH, đối với xe máy, xe đạp điện, chúng ta sẽ có giải pháp gì để kiểm soát chất lượng với các loại xe này?
Ông Khuất Việt Hùng: Ở đây chúng ta phải xác định rõ trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Riêng với Ủy ban ATGT Quốc gia với kinh nghiệm tuyên truyền, xử lý đối với MBH thời gian qua, chúng tôi cho rằng, với xe máy, xe đạp điện, quan trọng nhất là tuyên truyền vận động.
Tới đây, tại Hội nghị ATGT quý 3/2015, chúng tôi sẽ đặt vấn đề này lên bàn nghị sự và đề xuất nhiều vấn đề, trong đó có kế hoạch tuyên truyền vận động về thực hiện nghiêm các quy định về xe máy điện, xe đạp điện. Chúng tôi cũng kiến nghị các Bộ Công thương, Tài chính, Công an triển khai kế hoạch kiểm tra, xử lý đơn vị kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện không đúng quy định.
Còn tại các địa phương, chúng tôi sẽ phối hợp để yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xe máy, xe đạp điện. Với lực lượng CSGT, chúng tôi sẽ phối hợp để mở các chuyên đề tuần tra, kiểm soát xử lý. Thời gian đầu có thể dừng xe, tuyên truyền, nhắc nhở sau đó sẽ xử lý.
Đến nay, chưa có số liệu cụ thể về các vụ TNGT liên quan đến xe máy điện - xe đạp điện. Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới Vụ ATGT có phối hợp với các cơ quan chức năng để có con số cụ thể về các vụ TNGT liên quan đến các loại phương tiện này nhằm có đánh giá, quản lý thiết thực hơn?
Ông Lê Đức Việt – Phó Vụ trưởng Vụ ATGT: Không riêng xe đạp điện, xe máy điện, mà theo tôi, với bất kể loại phương tiện nào khi tham gia giao thông đều có những tiện ích nhất định. Nhưng đi kèm theo nó cũng luôn tiềm ẩn các hiểm hoạ về an toàn, nếu ý thức của người điều khiển phương tiện không tốt, chứ chưa nói vấn đề ATKT.
Đến nay chưa có thống kê chính thức nào về số vụ TNGT liên quan đến các loại phương tiện này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện việc thống kê, phân tích các vụ TNGT liên quan đến xe máy - xe đạp điện để giúp việc quản lý, kiểm soát các loại xe này tốt hơn.
Về chất lượng xe máy điện - xe đạp điện, theo tôi cần quản lý chặt để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và cần kiểm soát chặt về ATKT. Cần có những thủ tục về đăng ký, quản lý chặt chẽ hơn. Các cơ quan truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để người dân phân biệt được đâu là xe đạp điện - xe máy điện. Nhất là với học sinh là đối tượng rất nhiều sử dụng xe máy - xe đạp điện, các nhà trường nên có khuyến cáo, tư vấn cho học sinh.
Hiện nay đã có Luật Bảo vệ người tiêu dùng nên nếu người bán không đúng sản phẩm, người mua có thể kiện người bán. Tuy nhiên, cũng rất cần phải có những cam kết của các chủ hàng bán phương tiện khi bán loại phương tiện này.
Tỷ lệ xử lý học sinh đi xe máy, xe đạp điện vi phạm giao thông so với vi phạm chung là bao nhiêu? Riêng với đối tượng này, lãnh đạo lực lượng CSGT tuyên truyền thế nào đến cán bộ chiến sỹ trong việc xử lý vi phạm để tránh việc gây nên áp lực tâm lý khiến các em có các hành vi tiêu cực?
Trung tá Đinh Thanh Thảo: Đối với lực lượng học sinh, từ lâu chúng tôi đã thực hiện biện pháp tuyên truyền, giáo dục. Tuy nhiên, trước tình trạng xe máy, xe đạp điện không ngừng gia tăng thời gian qua, chúng tôi đã mở nhiều chuyên đề CSGT trực tiếp đến cổng trường dừng xe các em để tuyên truyền, đồng thời mở nhiều chuyên đề phối hợp với nhà trường.
Với các em từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, chúng tôi chủ yếu tuyên truyền, nếu các em tái phạm sẽ bị tạm giữ xe 7 ngày và ra quyết định cảnh cáo.
Từ 16 đến dưới 18 tuổi vi phạm sẽ bị xử phạt bằng 50% so với mức xử phạt của người lớn. Lực lượng CSGT cũng mở nhiều đợt xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời báo cho nhà trường biết để thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục vì chúng tôi xác định tập trung, tuyên truyền giáo dục các em là chính.
Anh Mạnh Hùng - Công ty Samsung VN hỏi: Xe kém chất lượng thường có bình ắc quy không tốt, được cấu taọ từ chì thuộc nhóm chất thải nguy hại, mỗi khi hỏng hóc lượng chì và axit tràn ra ngoài rất nguy hiểm. Người sử dụng xe đạp điện cần lưu ý gì? Có biện pháp gì để ngăn chặn hiểm họa môi trường do hàng triệu xe đạp điện thải ra môi trường?
Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường:
Trước khi trả lời câu hỏi của bạn Mạnh Hùng, xin được cung cấp thêm thông tin, tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có quyền được cung cấp đầy đủ thông tin, hoá đơn, chứng từ liên quan đến sản phẩm, có quyền được bồi thường nếu nhà cung cấp sản phẩm không đạt chất lượng đồng thời cũng quy định trách nhiệm của người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, bảo vệ môi trường,... Vì vậy, nếu chúng ta là những nhà tiêu dùng thông thái thì việc nhầm lẫn giữa xe đạp và xe máy điện sẽ không xảy ra, các vấn đề khác cũng sẽ được giải quyết đơn giản hơn rất nhiều.
Về vấn đề quản lý chất thải của loại phương tiện này, do quá trình sử dụng có phát sinh ra chất thải, như rác thải ắc quy, đặc biệt là ắc quy chì. Chúng ta đã có Quyết định số 16/2015 quy định về việc thu hồi và xử lý sản phẩm, trong đó có quy định về việc thu hồi pin và ắc quy chì. Cơ sở sản xuất phải có trách nhiệm xây dựng quy trình thu gom rác thải của các sản phẩm ấy.
Xe mô tô, xe gắn máy cũng thuộc danh mục sản phẩm hàng hoá phải thu hồi rác thải (quy định có hiệu lực từ tháng 1/2018). Như vậy, quy trình của Nhà nước về việc thu hồi đã có, các doanh nghiệp lưu ý nắm rõ để từng bước triển khai.
Liên quan đến vấn đề sử dụng, các sản phẩm ắc quy khi sử dụng có hơi axít, rò rỉ các chất ắc quy. Điều này liên quan đến chất lượng và quy chuẩn của ắc quy. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc đã được kiểm định, từ đó hạn chế sự cố rò rỉ chất thải gây chập cháy.
Tuy nhiên trong quá trình sử dụng cũng có những yếu tố ngoài mong muốn, nếu mua xe có nguồn gốc, người sử dụng có thể liên hệ với đơn vị sản xuất để được sửa chữa, bảo hành; đồng thời thường xuyên kiểm tra xe, tránh những hư hỏng, cháy nổ nguy hiểm.
Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo mạnh về giáo dục ATGT, các trường ngoài việc yêu cầu phụ huynh và học sinh ký cam kết thì có giải pháp gì mới để học sinh tuân thủ quy định về ATGT?
Ông Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi: Trên thực tế, việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện trong thanh niên, học sinh hiện nay rất phổ biến. Từ năm 2014, thực hiện chỉ đạo của các bộ ngành, các nhà trường đã đồng bộ tiến hành tuyên truyền, giáo dục phổ biến cho học sinh.
Trường chúng tôi nằm trên đường Bà Triệu, ở trung tâm quận Hà Đông, là khu vực đông dân cư nên Ban giám hiệu và giáo viên ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc tuyên truyền ATGT với học sinh. Trong mỗi buổi chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, nhà trường có quy định: Học sinh sử dụng xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm khi tới trường. Bên cạnh đó, nhà trường đã mời lực lượng CSGT đến nói chuyện để tăng cường hiểu biết về trật tự ATGT cho học sinh.
Các lực lượng của nhà trường như thanh niên xung kích, cờ đỏ, cùng tổ giám thị tham gia giám sát việc đội mũ bảo hiểm. Đồng thời cũng đưa việc đội mũ bảo hiểm vào quy định, quy chế của nhà trường, đồng nghĩa với việc em nào không đội mũ là vi phạm quy chế.
Trong các buổi họp phụ huynh, trao đổi của giáo viên với phụ huynh, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền với học sinh, nhắc nhở phụ huynh khi đưa đón con, phải nhắc nhở con em đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện đến trường chưa đạt được như mong muốn; nhiều em lúc nhớ, lúc quên, phụ huynh cũng không thường xuyên nhắc nhở. Tôi cũng muốn góp ý bên cạnh tuyên truyền cần tăng cường chế tài xử phạt để nâng cao tính răn đe.
Trường THPT Việt Đức có lượng học sinh sử dụng xe máy điện, xe đạp điện nhiều, trong 6 tháng qua nhà trường đã nhận được bao nhiêu thông báo về việc học sinh của trường vi phạm quy định khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện?
Cô Nguyễn Tuyết Mai, đại diện Trường THPT Việt Đức: Ở trường, chúng tôi được làm việc với 2 đối tượng quan trọng nhất là các bậc phụ huynh, người cung cấp phương tiện cho học sinh tham gia giao thông hàng ngày, và các em học sinh trực tiếp sử dụng phương tiện đó.
Nhà trường có nhiều lực lượng thường xuyên tổ chức kết hợp để thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức của các em học sinh khi tham giao giao thông trên đường.
Theo tôi, với học sinh, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là chạy tốc độ cao và không đội MBH khi tham gia giao thông.
Qua buổi tọa đàm hôm nay, tôi đã biết thêm được nhiều điều hữu ích để có thể đóng góp cho trường về các biện pháp nâng cao, đảm bảo an toàn giao thông. Tôi sẽ đề nghị BGH tổ chức ngày hội truyền thông về ATGT, tôi tin là hiệu quả sẽ tích cực.
Hiện các chương trình truyền thông về ATGT được tổ chức nhiều, nhưng tôi cho rằng nên tăng cường các video clip trên các kênh của giới trẻ. Ví dụ như trên kênh VTV6 dành cho giới trẻ tôi thấy chương trình về ATGT còn rất ít.
Các em học sinh đang cần nhiều định hướng đúng đắn. Các phụ huynh học sinh cũng muốn con em mình thuận tiện khi đi học. Nhưng khi đi xe thì cha mẹ chỉ trao xe cho con đi, chứa chưa nhiều phụ huynh có đầy đủ kỹ năng để giúp các con phải đi xe như thế nào để đảm bảo an toàn. Dường như những bận rộn của công việc hàng ngày đã chiếm hết thời gian của các bậc phụ huynh nên nhiều khi họ quên mất việc quan tâm đến con em mình trong vấn đề rất quan trọng này.
Theo quy định, sau khi lực lượng CSGT xử phạt học sinh sẽ phối hợp gửi thông báo về nhà trường. Vậy trong 6 tháng đầu năm, trường THPT Việc Đức có nhận được thông báo nào về việc xử phạt học sinh của trường?
Cô Nguyễn Tuyết Mai, đại diện Trường THPT Việt Đức: Hai năm trước, trường chúng tôi là điểm nóng về ATGT, đây cũng là thực trạng chung của nhiều trường trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm giao thông của học sinh trường tôi rất ít. 6 tháng gần đây chúng tôi không nhận được thông báo nào về việc xử lý học sinh vi phạm khi tham gia giao thông. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, theo quan sát, tôi thấy nhiều học sinh của trường còn chưa đội MBH nên chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các em trong giờ chào cờ hoặc sinh hoạt lớp.
Nếu trường hợp trường nhận được thông báo xử phạt của CSGT thì học sinh sẽ phải chịu hình thức xử phạt cụ thể như thế nào?
Cô Nguyễn Tuyết Mai, đại diện Trường THPT Việt Đức: Trường có quy định cụ thể về việc này, đối với học sinh vi phạm và bị xử phạt vì vi phạm ATGT, chúng tôi xử lý về mặt hạnh kiểm, đồng thời phối hợp với phụ huynh học sinh có buổi làm việc với học sinh đó để nhắc nhở, giáo dục học sinh trong việc chấp hành các quy định để đảm bảo ATGT.
Theo thầy, cô, có nên gắn trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm với việc học sinh vi phạm ATGT, đưa thành một trong những tiêu chí bình xét danh hiệu thi đua của lớp? Có nhiều ý kiến cho rằng quy định này đặt gánh nặng quá sức lên vai các thầy cô giáo?
Ông Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi: Là một nhà quản lý, tôi cho rằng việc gắn trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm với học sinh vi phạm ATGT ở một góc độ nào đấy sẽ tạo sức ép với giáo viên, nhưng là một việc cần thiết. Vì trách nhiệm của giáo viên với học sinh do mình chủ nhiệm là trên tất cả các mặt chứ không chỉ là điểm số hay hạnh kiểm khi đến trường.
Trách nhiệm của người giáo viên chủ nhiệm là góp phần giáo dục, hình thành nhân cách để học sinh trở thành công dân tốt. Vì vậy, việc gắn trách nhiệm của giáo viên với việc tuân thủ ATGT của học sinh là cần thiết.
Tuy nhiên, việc gắn trách nhiệm đến đâu, quy định và xử phạt ra sao thì tuỳ thuộc vào quan điểm của từng trường.
Với trường THPT Việt Đức, giải pháp trên được triển khai thế nào?
Cô Nguyễn Tuyết Mai, đại diện Trường THPT Việt Đức: Ở trường tôi, mỗi khi học sinh nào vi phạm gửi thông báo về thì mọi thành tích danh hiệu thi đua của lớp đều mất hết. Chính vì hình thức xử phạt nặng như thế nên tình trạng vi phạm hiện nay giảm rất nhiều.Thành đoàn Hà Nội đã công nhận cổng trường tôi là “Cổng trường ATGT”. Chắc chắn trường hợp vi phạm vẫn còn, nhưng nhà trường phối hợp với đoàn Thanh niên của trường đã làm tốt việc tuyên truyền kiến thức về ATGT cho các học sinh trong trường.
Trong giờ sinh hoạt đầu tuần, thay vì cho học sinh nhảy hip-hop hay ca hát, chúng tôi tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục an toàn giao thông. Chúng tôi đưa ra những biển báo, sau đó hỏi để học sinh trả lời. Nếu học sinh trả lời đúng sẽ có phần thưởng khuyến khích. Hoặc cho các học sinh đóng tiểu phẩm với nội dung về ATGT thông qua đó nâng cao nhận thức về ATGT cho các em.
Khâu yếu của chúng tôi là những hiểu biết về các quy định cụ thể về việc đăng ký xe, chạy tốc độ thế nào cho phù hợp… Sắp tới, chúng tôi sẽ chú trọng việc này, đồng thời tập trung tuyên truyền cho phụ huynh học sinh. Chúng tôi coi các giáo viên chủ nhiệm là những nhà tư vấn tâm lý truyền đạt lại những thông tin cần thiết về ATGT cho các em học sinh trong lớp.
Tới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia và các cơ quan chức năng sẽ có giải pháp gì để quản lý hiệu quả để đảm bảo ATGT đối với xe đạp điện, xe máy điện, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia: Chúng ta đều đã thống nhất, xe đạp điện là một loại phương tiện giao thông mới, khá thân thiện với môi trường, tính cơ động cao, tạo khả năng tiếp cận lớn với người dân, nhât là các tuyến ngắn. Tuy nhiên trong thực tế nó cũng có những tác động nhất định. Nó thuận tiện, dễ sử dụng, được các cháu học sinh, thậm chí cả người lớn tuổi, sinh viên ưu tiên dùng.
Mặc dù vậy, chúng ta cần có giải pháp quản lý tốt để đảm bảo ATGT. Hiện nay, có thể vẫn còn một khoảng tối trong việc quản lý loại xe này. Chẳng hạn như với học sinh đi xe máy điện - đạp điện dưới 16 tuổi thì không xử lý được.
Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn một số quy định pháp luật để tổ chức giáo dục trong chương trình đào tạo. Bởi, việc giáo dục pháp luật ATGT cho học sinh là dễ nhất, do các cháu tham gia giao thông hàng ngày. Vì thế chúng tôi sẽ ban hành chuyên đề về tăng cường quản lý, giáo dục người sử dụng xe đạp điện - xe máy điện.
Đối với việc tuyên truyền, chúng tôi sẽ tuyên truyền qua các kênh sát với thực tế nhất. Đó là đối tượng học sinh sinh viên và các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền đến những người bán xe đạp điện - xe máy điện trong việc sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Về vấn đề chế tài xử lý, tôi đề nghị lực lượng CSGT làm nòng cốt. Bên cạnh đó Văn phòng Ban ATGT các tỉnh cần huy động cả các lực lượng khác tham gia vào việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm. Các lực lượng này sẽ phải đi cả “hai chân” vừa tuyên truyền và đi theo sau là xử lý vi phạm.
Đối với học sinh dưới 16 tuổi, chúng ta không xử lý vi phạm được thì cần có thông báo gửi về nhà trường, gia đình để giáo dục.
Nếu nói giáo dục ATGT là một môn học làm nền cho việc giáo dục các kỹ năng sống thì môn học này hết sức quan trọng đối với bất kỳ công dân nào. Vì giáo dục pháp luật ATGT chính là giáo dục kỹ năng sống. Nếu nhận thức được như vậy, chắc chắn việc giáo dục ATGT sẽ được thực hiện rất tốt tại nhà trường.
Cùng đó, trong thời gian tới, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, chỉ đạo của Chính phủ và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh xe máy - xe đạp điện.
Xin cảm ơn ông./.