Vào mùa bão lũ, hàng vạn người dân ở các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa)... sống trong vùng chia cắt bởi các con sông vẫn ngày đêm đối mặt với nguy hiểm khi qua lại các cầu phao dân sinh tạm bợ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Bất chấp nguy hiểm, hàng ngày người dân làng Cóc,
xã Tượng Văn (Nông Cống) vẫn phải đi qua lại cầu phao xuống cấp này.
Mới đây nhất, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên cầu phao Vồm bắc qua sông Chu, nối hai xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) và Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) khiến 2 người thiệt mạng. Vụ việc một lần nữa dấy lên nỗi lo về tình trạng mất an toàn giao thông tại các cầu phao trên địa bàn tỉnh, nhất là vào mùa mưa bão.
Đã bao đời nay, 53 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu của làng Cóc (hay gọi là thôn Hùng Sơn), xã Tượng Văn (Nông Cống) phải sống cô lập hoàn toàn khi mưa lũ đến bởi con sông Thị Long (nhánh của sông Yên). Ông Nguyễn Thế Lý, người dân làng Cóc, cho biết: Trước kia người dân làng Cóc phải chèo thuyền, kéo đò từ bên này sang bên kia mới có thể sang sông. Ngày nước cạn thì có thể di chuyển được nhưng đến mùa mưa lũ, không một ai dám qua sông. Đến năm 1998, thấy bất lợi trong việc đi lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đường sông, con em trong làng thất học, tôi quyết tâm phá ngôi nhà gỗ của gia đình xẻ ván làm cầu. Cùng với sự đóng góp của người dân trong làng xây dựng cầu phao kết nối bởi các tấm ván gỗ qua sông.
Từ đó tới nay, đã gần 20 năm, mặc dù cầu nhiều lần được duy tu, sửa chữa nhưng vẫn không bảo đảm an toàn cho người dân qua lại. Theo quan sát của chúng tôi, cầu phao Cóc có chiều dài khoảng 100m, rộng hơn 1m, được kết nối bởi những tấm ván cũ, nhiều chỗ bị mục nát, kè bê tông ở 2 bên đầu cầu đã xuống cấp...; thế nhưng hàng ngày cây cầu này vẫn phải oằn mình cõng hàng trăm lượt người qua lại. Không chỉ người dân làng Cóc qua lại hàng ngày, cầu phao này còn là nơi đi lại thường xuyên của người dân và các em học sinh của các xã: Các Sơn, Hùng Sơn (Tĩnh Gia). Làng Cóc có khoảng 20 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, mọi hoạt động sản xuất đều phải vận chuyển qua cây cầu này. Khi qua cầu, nhiều trường hợp bị trượt ngã, chết đuối thương tâm - ông Nguyễn Thế Lý cho biết thêm.
Cầu phao Cẩm Vân bắc qua sông Mã được khai thác sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước, hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Người dân trên địa bàn 2 xã Cẩm Tân - Cẩm Vân (Cẩm Thủy) hàng ngày vẫn phải đi qua cầu này. Các trụ cầu hầu hết là thuyền phao sắt và thuyền bê tông, mặt cầu là những thanh gỗ, những tấm thép đặt lộn xộn và đang hoen rỉ từng mảng lớn, nhiều đoạn bị đứt gãy, hư hỏng nặng...
Theo thống kê của Sở GTVT, hiện trên địa bàn tỉnh có 17 cầu phao (trong đó, sông Mã 6 cầu; sông Chu 6 cầu; sông Yên 1; sông Tào 1; sông Cầu Chày 2 cầu). Tất cả các cầu phao đang trong tình trạng mất an toàn cần phải sửa chữa, nâng cấp hoặc làm mới. Nhiều cầu trong số đó đã xảy ra tai nạn làm chết người... Trong tổng số cầu phao kể trên có 11 cầu phao nằm trong quy hoạch đầu tư xây dựng cầu cứng, như: cầu phao bến Chiềng Ai (Hạ Trung - Ái Thượng, Bá Thước); cầu phao Cẩm Vân (Cẩm Thủy); cầu phao Thọ Hải – Thọ Minh (Thọ Xuân)...
Đồng chí Hoàng Công Thi, Bí thư Đảng ủy xã Tượng Văn, chia sẻ: Cuối năm 2009, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu làng Cóc với kinh phí gần 13 tỉ đồng. Nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng; địa phương, người dân vẫn đang chờ tỉnh sớm triển khai xây dựng để bảo đảm an toàn cho việc đi lại, nhất là vào mùa mưa lũ và giao thương phát triển kinh tế.
Trước thực trạng đó, các ngành chức năng, các địa phương có cầu phao cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định khi lưu thông trên cầu, nhất là vào mùa mưa lũ. Cùng với đó, chính quyền địa phương và đơn vị, cá nhân quản lý cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình vận hành cầu phao, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Hơn hết, những cầu phao nằm trong quy hoạch đầu tư xây dựng cầu cứng cần sớm được triển khai, đáp ứng mong mỏi của người dân.