KHCN và đổi mới sáng tạo với các mục tiêu phát triển bền vững

Thứ tư, 09/12/2020 12:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ủy ban về Khoa học và Công nghệ (thuộc Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh) vừa tổ chức họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phó Chủ tịch Ủy ban.

Thứ trưởng Bộ KH&CN, Phó Chủ tịch Ủy ban KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì Phiên họp.

Đóng góp lớn của KHCN và đổi mới sáng tạo

Tại Phiên họp, ông Hoàng Minh - Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đã báo cáo tóm tắt về hoạt động của Ủy ban. Theo đó, thời gian qua, với vai trò là Chủ tịch của Uỷ ban, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bên liên quan triển khai xây dựng Chương trình công tác của Uỷ ban; góp ý các chính sách về phát triển bền vững (PTBV); tổ chức và tham gia trình bày tại các hội nghị, hội thảo quốc gia về PTBV. Đồng thời tổ chức nghiên cứu, xây dựng các báo cáo chuyên đề gửi Hội đồng quốc gia về PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh: báo cáo hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động ĐMST; nâng cao năng lực hấp thụ và phát triển công nghệ; thu hút nguồn lực cho hoạt động KHCN&ĐMST; báo cáo hướng dẫn của Liên hợp quốc về đánh giá chính sách KHCN&ĐMST nhằm tăng cường vai trò của KHCN&ĐMST trong thực hiện các mục tiêu PTBV; báo cáo hướng dẫn của Liên hợp quốc về gắn kết KH,CN&ĐMST vào lộ trình PTBV của quốc gia, đề xuất, khuyến nghị gắn kết KHCN&ĐMST vào lộ trình PTBV của Việt Nam. 

Theo ông Hoàng Minh, với vai trò là tổ chức toàn cầu lớn nhất, Liên hợp quốc đã xây dựng các sáng kiến nhằm phối hợp với các chính phủ, các đối tác nhà nước và tư nhân, các ngân hàng phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế trong thúc đẩy vai trò và sự đóng góp của KH,CN&ĐMST để đạt được các mục tiêu PTBV gồm: thiết lập cơ chế thúc đẩy công nghệ; thành lập Ủy ban Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Đổi mới sáng tạo; xây dựng Lộ trình triển khai chương trình nghị sự 2030 về PTBV khu vực Châu Á Thái Bình Dương của UNESCAP.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá đứng thứ 49/166 quốc gia về chỉ số PTBV năm 2020, tăng 7 bậc so với xếp hạng của năm 2019 và đạt điểm đánh giá cao hơn mức trung bình của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Báo cáo quốc gia thực hiện các mục tiêu PTBV và đang được hoàn thiện trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, cơ quan.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ đã có những bước điều chỉnh nhanh chóng trong định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện để phù hợp với bối cảnh KHCN&ĐMST có ảnh hưởng ngày càng rõ nét đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu PTBV. Các nhiệm vụ đã tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Ngành đã tập trung quán triệt, xây dựng và triển khai định hướng của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ trong phát triển KH&CN phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và mở cửa hội nhập; triển khai có hiệu quả các chương trình KH&CN cấp Bộ, cấp Quốc gia; đổi mới, hoàn thiện công tác tiêu chuẩn, đo lường và sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần thực thi các Hiệp định thương mại đa phương, song phương;… Các thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực (thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng điện, cơ khí chế tạo, hóa dược, công nghiệp chế biến và công nghệ cao,…) chính là sự khẳng định việc áp dụng cách tiếp cận KHCN&ĐMST phù hợp trong thực hiện phát triển bền vững ngành Công thương.

Nhờ cách tiếp cận nói trên, các hoạt động nghiên cứu và phát triển có vai trò ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp, tạo đột phá trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2017 – 2018, trong lĩnh vực ĐMST có hơn 80% doanh nghiệp lớn tham gia thực hiện đổi mới sản phẩm hoặc quy trình, gần 50% mở rộng lĩnh vực sản xuất – kinh doanh; với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ số tương ứng khoảng 50% và 17% – 18%. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến đạt trên 8,5%, cao hơn so với giai đoạn 2011 – 2015 (7,6%). KHCN&ĐMST cũng góp phần gia tăng nội địa hóa linh kiện, phụ tùng trong nhiều ngành công nghiệp, hình thành một số doanh nghiệp/tập đoàn kinh tế có tiềm lực tốt, có sự cạnh tranh toàn cầu.

Đối với ngành Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xác định PTBV là nhiệm vụ trọng tâm, đưa nội dung này vào Đề án tái cơ cấu ngành và đã đạt được nhiều kết quả theo các mục tiêu đặt ra như chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; quản lý bền vững tài nguyên nước; phát triển nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu, đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; bảo tồn, sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững; bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất nước.

Tại Hội nghị, đại diện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh,… cũng đã có tham luận về tình hình triển khai nhiệm vụ, giải pháp KHCN&ĐMT ở đơn vị để thực hiện mục tiêu PTBV.

Xây dựng, phát triển các chỉ tiêu về phát triển bền vững

Ý kiến của các đại biểu tại Phiên họp cho thấy, rất nhiều quốc gia đã và đang quan tâm thúc đẩy KHCN&ĐMST thực hiện các mục tiêu PTBV thông qua nhiều hình thức hoạt động. Tuy nhiên tại Việt Nam, các điều kiện về hành lang pháp lý, cơ chế và chính sách còn chưa đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn phát triển, nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc đóng góp của KHCN&ĐMST vào thực hiện các mục tiêu PTBV của đất nước.

Ngoài việc khẳng định, đánh giá các kết quả đạt được, các thành viên và đại biểu tham dự đã phân tích các thuận lợi, những khó khăn trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, nhiệm vụ và giải pháp về KHCN&ĐMST nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV. Các đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp, kế hoạch hoạt động ĐMST và hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới. Cụ thể, để thực hiện tốt “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” ở cấp quốc gia cần theo dõi, giám sát và đánh giá thực hiện các mục tiêu PTBV ở cấp địa phương. Ủy ban KH&CN nên tham mưu ban hành mới bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá PTBV ở địa phương giai đoạn 2021- 2030; có cơ chế khuyến khích các viện, trường đại học tăng cường hơn nữa ĐMST, phát triển công nghệ; triển khai ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, gắn kết doanh nghiệp với viện, trường và coi doanh nghiệp là nơi thụ hưởng kết quả nghiên cứu và là chủ thể đặt hàng nghiên cứu, phối hợp cùng nghiên cứu; tạo dựng hệ sinh thái ĐMST trong thời kỳ mới, cách mạng công nghiệp 4.0;…

Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Phó Chủ tịch Ủy ban KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, Bộ KH&CN sẽ tổng hợp ý kiến, nội dung đề xuất của các thành viên, đại biểu và báo cáo với Hội đồng Quốc gia về PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ đó, có kiến nghị với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan.

Cụ thể, tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về PTBV, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu về PTBV; chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện các chỉ tiêu về PTBV; tích cực triển khai hơn nữa các giải pháp KH&CN để ứng phó với biến đổi khí hậu, các vấn đề dịch bệnh, thiên tai. Thúc đẩy việc sử dụng các công cụ công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ số để triển khai các mục tiêu PTBV; làm rõ, đánh giá, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với PTBV; xây dựng được bản đồ số về chỉ tiêu PTBV, cụ thể đến cấp huyện, cấp xã, một số chỉ tiêu đến được các hộ gia đình.

Về cơ chế chính sách, đề nghị quan tâm hơn nữa đến cơ chế, chương trình để thúc đẩy chuyển giao kết quả KH&CN, đặc biệt đến các vùng sâu vùng xa trên diện rộng. Tiếp tục sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến thúc đẩy phát triển nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kiến nghị xây dựng hệ sinh thái, bộ công cụ số hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển; thúc đẩy phát triển nền tảng thương mại điện tử, nền tảng kết nối tài chính giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, cho vay tài chính, hỗ trợ, đầu tư tài chính giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa khôi phục sản xuất sau đại dịch Covid; thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực theo hướng ĐMST.

Được biết, dự kiến trong năm 2021, Ủy ban KH&CN sẽ tập trung thảo luận, rà soát về xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách, các chương trình, nhiệm vụ và giải pháp về KHCN&ĐMST để thực hiện từng mục tiêu PTBV; xây dựng chương trình hành động cụ thể của Ủy ban về các hoạt động KHCN&ĐMST thực hiện Nghị quyết 136/NQ-CP của Chính phủ về PTBV; soạn thảo các báo cáo chuyên đề về xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách, các chương trình, nhiệm vụ và giải pháp về KHCN&ĐMST thực hiện các mục tiêu PTBV. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc trong xây dựng các chương trình, chính sách KHCN&ĐMST thực hiện các mục tiêu PTBV;…

xuannguyen

Nguồn: Tạp chí GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)