Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn qua Nghệ An, cầu vượt QL 46 và Cảng hàng không Vinh... những công trình giao thông mang tính đột phá này không chỉ tạo diện mạo mới cho tỉnh Nghệ An mà quan trọng hơn, đó là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh...
Năm 2014, huyết mạch giao thông quan trọng bậc nhất là Quốc lộ 1A được triển khai nâng cấp, mở rộng với tổng chiều dài 73,8 km, qua địa bàn thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và TP. Vinh.
Dự án được chia thành 6 gói thầu và giao cho 5 nhà thầu thi công. Trong suốt thời gian thi công, con đường này như một đại công trường. Vừa thi công vừa khai thác, vừa phải đảm bảo an toàn, thông suốt, nên có thời điểm xảy ra hiện tượng thiếu nguyên vật liệu, ách tắc giao thông. Ngoài ra, thời tiết nửa đầu năm mưa lụt cũng ảnh hưởng rất lớn đến Tiến độ công trình. Với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, sự nỗ lực của các đơn vị thi công, đến nay, Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn Nghệ An dài 73,8km, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng đã hoàn thành. Đây được coi là “cuộc cách mạng” về giao thông, huy động tổng lực giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình đúng hẹn.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng kiểm tra tiến độ xây dựng Sân bay Vinh
Ông Phạm Hồng Quang - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, Sở GTVT được giao là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo GPMB phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương liên quan để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu - một công đoạn phức tạp, gian nan nhất của bất kỳ dự án nào. Trong khi đó, đối với công tác GPMB Quốc lộ 1A, thủ tục cấp đất sai thẩm quyền, một số hộ dân không đồng tình với chủ trương; hệ thống quản lý đất đai qua các thời kỳ không đồng nhất; hệ thống văn bản hướng dẫn công tác GPMB có nhiều thay đổi khiến công tác GPMB có những thời điểm tưởng như rơi vào thế bế tắc. Nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tập trung quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, nhiều điểm khó đã được giải quyết, với trên 4.000 hộ liên quan, trong đó, có hàng trăm hộ được tái định cư di dời nhà cửa.
Cùng thời điểm này, cầu vượt Quốc lộ 46, Quốc lộ 1A và vượt đường sắt được triển khai thi công trên cơ sở nguồn vốn kết dư của Quốc lộ 1. Với yêu cầu cao về tiến độ (về đích cùng Quốc lộ 1A) để đảm bảo thông toàn tuyến, đảm bảo giao thông khu vực cửa ngõ thành phố nên tạo áp lực rất lớn cho công tác GPMB, áp lực thi công cho nhà thầu. Tuy vậy, với nỗ lực cao của chủ đầu tư, các đơn vị thi công, đến nay công trình đã hoàn thành, vượt tiến độ thi công 9 tháng so với hợp đồng đã ký. Cầu vượt Quốc lộ 46 nằm ngay cửa ngõ Thành phố Vinh đảm bảo chất lượng, tạo mỹ quan đô thị, góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông.
Còn tại Cảng hàng không Vinh, thời gian qua, việc tăng nhanh tần suất hoạt động nên có dấu hiệu quá tải. Nếu như năm 2009 mới đạt khoảng 257 ngàn lượt khách thì năm 2013 đã vượt ngưỡng 1 triệu lượt khách. Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Sân bay Vinh được nâng cấp trở thành sân bay quốc tế phục vụ cho 10 triệu dân 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đi lại. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã đầu tư hơn 750 tỷ đồng để triển khai Dự án xây dựng Cảng hàng không Vinh. Dự án được chia thành 3 công trình chính là Nhà ga hành khách, đường tầng, sân đỗ ô tô và mở rộng sân đỗ máy bay.
Trong đó, Nhà ga hành khách là điểm nhấn của Cảng hàng không Vinh, bởi công trình này được thiết kế, xây dựng trên ý tưởng mô phỏng hình tượng đóa hoa sen, với mục tiêu xây dựng công trình này trở thành công trình biểu tượng của TP. Vinh, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Công trình xây dựng Nhà ga hành khách được thiết kế dạng 2 cao trình (bao gồm đường tầng), với tổng diện tích sàn là 11.706m2, có thể đón được 2- 4 triệu hành khách/năm và phòng chờ được bố trí 4 chuyến bay cao điểm, với số lượng hành khách lên đến 1.500 người và 2 băng chuyền hành lý nhằm bảo đảm tiếp nhận 4 chuyến đến trong giờ cao điểm. Công suất khi khai thác thực tế có thể đạt 3 - 4 triệu hành khách/năm.
Rải thảm cầu vượt Quốc lộ 46 nối đường Đặng Thai Mai giao cắt với QL1A và đường sắt Bắc - Nam
Dù đang trong quá trình đầu tư nâng cấp, nhưng năm 2014, Sân bay Vinh đã đón 1,3 triệu lượt khách, đạt mức tăng trưởng 40% - mức cao nhất của cả nước, doanh thu đạt 55 tỷ đồng. Thực hiện trên 200 chuyến bay quốc tế với 7.000 lượt hành khách quốc tế. Sau quá trình nâng cấp, mở rộng đường vào sân bay, mở rộng sân đỗ ô tô, sân đỗ máy bay, lắp đặt thiết bị tín hiệu bay đêm, lắp đặt thiết bị ILS… đến nay, Dự án Cảng hàng không Vinh đã hoàn thành và đưa vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2015. Cảng hàng không Vinh cũng đã mở mới tuyến bay đi TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt và Thủ đô Viêng Chăn (Lào), đang triển khai các bước để mở đường bay thẳng quốc tế đi Đài Loan… Để Cảng hàng không Vinh đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đi lại của hành khách, trong thời gian tới sẽ đầu tư thêm đường băng mới cho máy bay Boeing, Airbus.
Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020: phấn đấu xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá khu vực phía Bắc trong năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng và các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã hết sức trăn trở trong việc đầu tư nâng cấp Sân bay Vinh vươn tầm cảng hàng không quốc tế. Và tin vui đã đến khi ngày 28/1/2015, tại Quyết định số 133/TTg-KTN, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp Cảng hàng không Vinh thành cảng hàng không quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng sau năm 2030 và bổ sung vào quy hoạch mạng cảng hàng không quốc tế trong hệ thống sân bay toàn quốc. Vươn tầm lên cảng hàng không quốc tế, vị thế mới ấy của Cảng hàng không Vinh không chỉ góp phần thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Nghệ An, mà còn kết nối, phát triển mạnh mẽ ngành Du lịch; đồng thời là điểm nhấn quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với việc đưa các công trình đi vào hoạt động, hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ - đường thủy - đường sắt - đường không nhằm giảm khoảng cách thời gian và tăng năng lực vận tải, Nghệ An đang được kỳ vọng cất cánh trong vai trò trung tâm vùng. Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Trong kết quả thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 đầy ấn tượng và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành GTVT Nghệ An đã khắc phục, tham mưu cho UBND tỉnh, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự phối hợp các cấp, các ngành thu hút được nhiều dự án, đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông mang tính chiến lược, nhằm hiện thực hóa nhu cầu liên kết các trung tâm kinh tế, tạo hạ tầng phát triển KT-XH tỉnh nhà. Giá trị đầu tư xây dựng các công trình giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh năm 2014 đạt khoảng 3.700 tỷ đồng - lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, 3 Dự án: nâng cấp Quốc lộ 1A, Cảng hàng không Vinh, và cầu vượt Quốc lộ 46 thực sự là những “quả đấm thép” trong hạ tầng giao thông tỉnh nhà.
Khánh thành các công trình mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1, cầu vượt Quốc lộ 46, Cảng hàng không Vinh vào dịp đón năm mới Ất Mùi 2015 là niềm vui, niềm tự hào của người dân tỉnh nhà và quan trọng hơn là động lực đưa tỉnh nhà phát triển thành Trung tâm công nghiệp, công nghệ, kinh tế, xã hội của khu vực Bắc Trung bộ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 26 về xây dựng Nghệ An đến năm 2020.