Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV xác định: Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông là một trong 4 lĩnh vực đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015.
Cụ thể hóa mục tiêu về phát triển giao thông, ngày 9/5/2011, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông giai đoạn 2011-2015. Theo đó tập trung các giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương; xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển giao thông.
Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Một số nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 01, gồm: Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tuyên Quang); hoàn thành đầu tư xây dựng cầu Tứ Quận (Yên Sơn), cầu Kim Xuyên (Sơn Dương qua sông Lô); triển khai đầu tư xây dựng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ theo quy hoạch, xây dựng cầu Tình Húc (thành phố Tuyên Quang), cầu Ba Đạo (Nà Hang), cải tạo nâng cấp đường tỉnh 189 đoạn Bình Xa - Yên Thuận (Hàm Yên), đường tỉnh 185 đoạn Kim Bình - Chiêm Hóa...
Nghị quyết số 01 cũng đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực vận tải của cả giai đoạn là: Triển khai đầu tư xây dựng 11 bến xe, một số điểm đỗ, dừng xe tại trung tâm các huyện, thành phố và các thị trấn; 2 cảng sông, 3 bến thủy, 7 bến khách ngang sông và cải tạo tuyến sông Lô đoạn từ Phan Lương đến thành phố Tuyên Quang, dài khoảng 60 km; đưa vào hoạt động 4 tuyến xe buýt: Từ Thành phố Tuyên Quang đi Khu công nghiệp Long Bình An, đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn, đi Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm...
Thực hiện chủ trương lớn này, ngành GTVT tỉnh Tuyên Quang đã chủ động làm việc với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan để đề nghị đầu tư xây dựng các dự án trên. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Sở GTVT có trách nhiệm thường xuyên báo cáo với tỉnh và Bộ GTVT về tình hình nguồn vốn trung ương, kết hợp với cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác để đầu tư. Sở đã đề nghị Bộ GTVT cho triển khai đầu tư hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh còn 36km và cầu Bình Ca, xây dựng các cầu lớn, bổ sung nhánh cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ vào quy hoạch hệ thống đường cao tốc Việt Nam; trình Chính phủ cho đầu tư đoạn tuyến cao tốc này và đường sắt; quan tâm bố trí nguồn vốn ADB đầu tư các tuyến đường tỉnh, nguồn vốn WB đầu tư hệ thống đường liên xã; trình Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ đầu tư các tuyến đường vùng sâu, vùng xa, các xã vùng căn cứ cách mạng; đồng thời hàng năm tỉnh cân đối phân bổ ngân sách địa phương để đầu tư và tiếp tục thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tạo ra các nguồn lực thực hiện đầu tư hệ thống giao thông nông thôn.
Cùng với đó huy động các nguồn vốn khác kể cả vốn từ doanh nghiệp, đơn vị kinh tế đóng góp xây dựng. Tỉnh đã sử dụng tối đa nguồn vốn của các chương trình, các dự án đầu tư đang thực hiện trên địa bàn tỉnh như: Chương trình 135, Dự án đa dạng hóa thu nhập nông thôn (RIDP), Dự án tái định cư Thủy điện Tuyên Quang, Dự án định canh, định cư… lồng ghép để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cho một tuyến hoặc một đoạn đường GTNT đạt quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật khai thác sử dụng lâu dài.
Trong giải pháp mặt bằng, Sở GTVT Tuyên Quang tham mưu đề xuất với tỉnh tiếp tục bố trí biên chế theo hướng chuyên nghiệp cho các huyện, thành phố; thường xuyên làm tốt hơn việc sửa đổi bổ sung quy định các cơ chế, chính sách về đất đai, bồi thường hỗ trợ tái định cư phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, gắn tập huấn, phổ biến kiến thức mới đến cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ nhằm chuyên sâu về chuyên môn, kịp thời tuyên truyền giải thích cho nhân dân về chủ trương, chế độ chính sách để mỗi người dân thấy rõ lợi ích được hưởng, lợi ích của cộng đồng và sự phát triển của địa phương, của tỉnh.
Những “cột mốc” lịch sử
Từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, với quyết tâm lớn, 5 năm qua, một số dự án trọng điểm tỉnh đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, gồm: Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 37 từ Đèo Khế đến TP Tuyên Quang; Quốc lộ 2C từ Km49+750 giáp tỉnh Vĩnh Phúc đến Km147 nối vào quốc lộ 2 xã Lang Quán (Yên Sơn); Quốc lộ 279 từ Km 63, giáp với tỉnh Bắc Kạn đến Km157 giáp tỉnh Hà Giang; đường tỉnh 186 từ nút giao Quốc lộ 37 đến cầu An Hòa; đường tỉnh 188 từ thị trấn huyện Chiêm Hóa đến xã Thổ Bình và từ Bình An đến xã Lăng Can (qua đèo Khau Lắc); đường tỉnh 185 từ xã Thượng Lâm đến xã Lăng Can; đường tỉnh 190 từ xã Yên Hoa đến xã Thượng Giáp; 3 tuyến đường tránh ngập vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang...
Cùng với đó, một số dự án khác đã và đang triển khai thi công như: Cải tạo, nâng cấp ĐT 187 Đài Thị - Keo Mác; ĐT188 Lăng Can - Xuân Lập (Giai đoạn 1); ĐT189 Bình Xa - Yên Thuận; Dự án đường cứu hộ, cứu nạn từ đường Quang Trung đến Km14, Quốc lộ 2 đường Tuyên Quang - Hà Giang; đường Tỉn Keo - Bảo tàng Tân Trào (Sơn Dương); đường Tuệ Tĩnh (TP Tuyên Quang); đường giao thông đất đỏ liên xã của huyện Yên Sơn.
Đặc biệt cầu Kim Xuyên (Sơn Dương) là cây cầu lớn, kỹ thuật hiện đại nhất trong tỉnh được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép có chiều rộng 11m, chiều dài 638m, gồm 10 nhịp. Cây cầu mang ý nghĩa lịch sử và tầm vóc nối giữa đất Tổ Hùng Vương với Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến; hòa vào mạng lưới giao thông kết nối các tuyến QL37, QL2C, QL2 và hệ thống giao thông địa phương là động lực thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm phát triển. Cầu Kim Xuyên hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển mạng lưới giao thông khu vực phía Nam của tỉnh, xóa bỏ ngăn cách về địa hình sông suối, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực để thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Sơn Nam và ngành mía đường.
Tiếp đó, cầu Ba Đạo (Nà Hang) được khởi công xây dựng đúng vào dịp Quốc khánh 2/9/2012 dài 386,6m, rộng 10m, 3 nhịp với 2 làn xe và phần lề mỗi bên rộng 1 m dành cho người đi bộ, tổng vốn đầu tư 109,7 tỷ đồng. Cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng ước nguyện nhiều đời của người dân vùng cao Nà Hang, tạo điều kiện đi lại của người dân và thông thương hàng hóa, thúc đẩy sản xuất trên địa bàn. Cầu còn kết nối các tuyến Quốc lộ 279, Quốc lộ 2C và qua khu tái định cư Hang Khào sẽ mở rộng địa bàn thị trấn Nà Hang phát triển lên thị xã trong tương lai.
Căn cứ mục tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về lĩnh vực vận tải, Sở GTVT Tuyên Quang đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các Quyết định quy định về quản lý và bảo trì đường bộ, mức kinh phí hỗ trợ công tác quản lý, bảo trì các tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Ngành đã tổ chức khảo sát, lập hồ sơ trình Bộ Giao thông vận tải chuyển các tuyền đường tỉnh 185, 190 lên Quốc lộ 2C, 2 tuyến đường đô thị: Đường 17/8 và đường Quang Trung của thành phố Tuyên Quang lên Quốc lộ 37. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác quản lý, bảo trì đường bộ theo hướng đặt hàng, đấu thầu toàn bộ nhiệm vụ sửa chữa thường xuyên đường bộ.
Ngoài ra, Sở GTVT Tuyên Quang đã tham mưu với UBND tỉnh hoàn thành xây dựng 4 bến xe khách, gồm bến thị trấn huyện Nà Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Sơn Dương; tuyên truyền, mời gọi đầu tư xây dựng 7 bến xe còn lại, gồm bến phía Nam và phía Bắc thành phố Tuyên Quang, bến xã Tân Trào, xã Hồng Lạc (Sơn Dương), bến trung tâm huyện lỵ Lâm Bình, huyện Yên Sơn và bến xã Trung Sơn (Yên Sơn). Đồng thời thu hút các nguồn vốn triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 3 bến thủy, 2 bến khách ngang sông và đang chuẩn bị đầu tư xây dựng 1 cảng sông (cảng An Hòa). Đồng thời xây dựng các tuyến xe buýt, gồm: TP Tuyên Quang - thị trấn Sơn Dương - Đại học Tân Trào; TP Tuyên Quang - Thị trấn Tân Yên (Hàm Yên); TP Tuyên Quang - Km 20 Quốc lộ 2 đường Tuyên Quang - Hà Nội, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng thay cho phương tiện cá nhân lưu thông trên tuyến.