Hiện nay, Di sản Vịnh Hạ Long đang phải chịu sức ép lớn về môi trường biển do sự hoạt động quá tải của đội tàu du lịch. Và nguyên nhân của tình trạng này chính là sự lỏng lẻo trong quản lý của các cơ quan chức năng và thiếu một quy hoạch có tầm hoạch định chiến lược.
Lỗ hổng trong công tác quản lý
Theo số liệu thống kê mới nhất của ngành chức năng, trên Vịnh Hạ Long hiện có 534 tàu, trong đó có 202 tàu lưu trú nghỉ đêm và 332 tàu chở khách tham quan theo tiếng. Có thể khẳng định, trong sự lớn mạnh của du lịch Quảng Ninh, không thể không nói tới sự phát triển của các đội tàu chở khách tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long.
Tàu chở khách tham quan Vịnh Hạ Long đỗ chờ đón khách tại Cảng tàu du lịch Bãi Cháy.
Đây cũng là hình ảnh đặc trưng riêng, có tính thương hiệu của du lịch Hạ Long. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động này trong thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập cần phải giải quyết một cách thấu đáo và kịp thời. Cách đây 4 năm, trước tình trạng số lượng tàu du lịch tăng nhanh, các cảng, bến, điểm tham quan trên Vịnh và tuyến luồng có nguy cơ quá tải, mất an toàn, UBND tỉnh có văn bản số 3238/UBND-TM1 về việc chủ trương phát triển tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, trong đó có quy định: “Từ ngày 1/9/2011, dừng việc cấp phép các dự án đóng mới tàu vỏ gỗ phục vụ cho khách du lịch trên Vịnh Hạ Long; chỉ cho phép đóng mới tàu du lịch có vỏ bằng thép, hợp kim nhôm và các vật liệu khác theo quy định... Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đóng mới tàu du lịch, lập dự án báo cáo các ngành chức năng thẩm định theo quy định và trình UBND tỉnh phê duyệt...”. Tiếp đến, ngày 18-3-2015 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 1409 về việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng kỹ thuật các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long gửi các sở, ngành: Sở Giao thông - Vận tải, Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Cảnh sát PCCC, Ban quản lý Vịnh Hạ Long, trong đó: “Yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm và tuyệt đối không cho phép đóng mới tàu phục vụ khách tham quan, ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long”. Mặc dù vậy nhưng các chỉ đạo của UBND tỉnh đã không được các ngành chức năng, các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Số tàu du lịch đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đến thời điểm 20/8/2011 là 509 tàu nhưng đến thời điểm 18/3/2015, số tàu này đã tăng 24 chiếc. Trong đó có 19 tàu đóng mới theo dự án được UBND tỉnh phê duyệt và 5 tàu đóng mới được Sở Giao thông - Vận tải chấp thuận.
Hoạt động kinh doanh tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long là một loại hình kinh doanh đặc biệt, trong đó vấn đề an toàn hàng hải và PCCN phải được chú trọng, đặt lên hàng đầu. Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động này, ngày 28/7 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp thống nhất các biện pháp quản lý hoạt động của tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, trong đó yêu cầu: Tiếp tục thực hiện chủ trương tạm dừng đóng mới các tàu lưu trú và các tàu tham quan trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Kể từ ngày 1/8/2015 việc đóng mới, hoán cải phương tiện, thay thế tàu vỏ gỗ sang vỏ thép, cấp phép hoạt động lưu trú ngủ đêm theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sẽ do UBND tỉnh xem xét việc chấp thuận chủ trương theo Luật Đầu tư.
Doanh nghiệp thiệt hại do thiếu thông tin
Được biết, từ thời điểm 19/3 đến 30/7/2015, Sở Giao thông - Vận tải đã cho phép đóng mới thay thế 19 tàu du lịch (5 tàu lưu trú và 14 tàu tham quan) do các tàu đã cũ, hết niên hạn sử dụng hoặc qua các đợt kiểm tra, phân loại không đủ điều kiện để hoạt động. Đến nay, 7 tàu tham quan đã đóng xong và đi vào hoạt động; còn lại 12 tàu du lịch đã được đóng mới thay thế nhưng đang tạm dừng hoạt động để chờ quyết định của UBND tỉnh theo Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh.
Anh Bùi Huy Trường, chủ tàu Trường Giang 68 chia sẻ: Mặc dù từ ngày 18/3/2015, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1409 yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm và tuyệt đối không cho phép đóng mới tàu phục vụ khách tham quan, ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long nhưng chủ tàu chúng tôi không ai biết văn bản này. Chỉ đến đầu tháng 8 vừa qua, chúng tôi mới nhận được Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này. Việc ký hợp đồng và thực hiện đóng tàu phải mất khoảng gần 1 năm nên khi nhận được công văn thì chúng tôi đã đóng gần xong tàu rồi. Vì vậy, chúng tôi rất mong được tỉnh xem xét, giải quyết cho những chiếc tàu vỏ sắt thuộc diện đóng thay thế mà có đơn nộp về Sở Giao thông vận tải trước ngày 1/8 thì tạo điều kiện giải quyết sớm cho nhân dân. Với giá cả hiện nay, chi phí đóng một con tàu vỏ sắt khoảng 3 tỷ đồng, đã hoàn thiện tất cả hồ sơ theo quy định hiện hành như Chứng nhận của Cục Đăng kiểm, đảm bảo PCCC… nhưng vẫn phải neo tại bến 2 tháng nay rồi. Với chi phí thuê nhân công canh gác tàu và lãi ngân hàng, mỗi tháng chúng tôi phải bỏ ra hơn 30 triệu đồng. Điều này đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện nay lượng khách quốc tế đến tham quan Vịnh Hạ Long rất đông, tàu thì đẹp nhưng lại phải đỗ không, rất lãng phí.
Tàu vỏ sắt được đóng mới thay thế đang tạm dừng hoạt động.
Cũng giống như anh Trường, nhiều chủ tàu đã cho rằng: Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương của tỉnh về việc nâng cao chất lượng phục vụ đối với du khách đến tham quan Vịnh Hạ Long. Đồng thuận với chủ trương này, chúng tôi đã liên tục đầu tư, nâng cấp tàu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hiện nay, chúng tôi có trên 10 chiếc tàu vỏ sắt theo diện đóng mới, thay thế tàu vỏ gỗ đã xuống cấp. Hiện nay, tàu đã hoàn thiện tất cả các hồ sơ pháp lý nhưng vẫn phải đậu tại bến vì chưa được sự chấp thuận của UBND tỉnh. Vì vậy, chúng tôi rất mong được tỉnh xem xét, tháo gỡ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ các thông tin, các văn bản chỉ đạo của tỉnh đã không đến được doanh nghiệp chính là do tình trạng “cha chung”. Cụ thể, loại hình dịch vụ này đang phải chịu sự quản lý của nhiều đơn vị, gồm: Giao thông vận tải, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Cảnh sát PCCC và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Trong bối cảnh, tỉnh đang tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát huy cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì càng cần tìm ra cách thức quản lý tốt hơn cho cảnh “cha chung” như hiện tại.
Cần một quy hoạch dài hơi
Thời gian gần đây, công tác quy hoạch nói chung của tỉnh được đặc biệt quan tâm và khẳng định rõ tầm quan trọng trong quá trình phát triển hiện tại cũng như tương lai. Cần khẳng định, trong tổng thể Quy hoạch phát triển du lịch Quảng Ninh không thể thiếu các tiểu quy hoạch, trong đó có quy hoạch phát triển tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Nói vậy bởi, bên cạnh câu chuyện nhiều, ít thì đặt ra hàng loạt vấn đề như chất lượng dịch vụ, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự… Theo đó, công tác quản lý rất cần được xem xét cụ thể.
Với định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, du lịch Quảng Ninh đã và đang phát triển ở nhiều loại hình, trên diện rộng, trải khắp các địa phương trong tỉnh. “Chìa khoá” để mở cánh cửa phát triển du lịch bền vững, đó là xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh nói chung và du lịch Hạ Long nói riêng. Tuy nhiên, trước tình trạng thực trạng quá tải của đội tàu du lịch hiện nay, rất nhiều ý kiến cho rằng, lỗ hổng từ công tác quản lý. Và nguyên nhân chủ yếu chính là do thiếu quy hoạch phát triển đội tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long một cách dài hơi và chưa có sự liên kết, thống nhất chặt chẽ giữa các ngành quản lý.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã khẳng định: Quảng Ninh là một trong số các tỉnh, thành phố trong cả nước đi đầu về việc ban hành các quy định tạm thời, các quy chế về quản lý tàu tham gia vận tải khách tham quan và nghỉ dưỡng trên biển. Tuy nhiên, trước tình trạng quá tải các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long gây sức ép về môi trường biển, nguy cơ không đảm bảo an toàn trong giao thông đường thuỷ, cần phải có sự quản lý đồng bộ trên cơ sở quy hoạch phát triển đội tàu du lịch. Do vậy, để tương xứng với tầm Di sản thì đội tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long cũng phải được xây dựng theo hướng chính quy, hiện đại và chất lượng phục vụ phải theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng TP Hạ Long là thành phố du lịch. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển TP Hạ Long gắn bó mật thiết với việc khai thác, bảo tồn Vịnh Hạ Long, với các quy hoạch phát triển của thành phố và hệ thống hạ tầng du lịch, thiết chế văn hoá. Do đó, Quy hoạch tổng thể đội tàu hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long (giai đoạn 2015-2020) là cơ sở quan trọng thực hiện mục tiêu này. Hiện nay, tỉnh đã giao cho Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành và công bố rộng rãi để nhân dân cùng đồng thuận. Tất cả vì mục tiêu để Hạ Long thực sự là sự lựa chọn hàng đầu, điểm đến du lịch, lưu trú dài ngày và được trải nghiệm, được hưởng chất lượng dịch vụ hoàn hảo, tạo ấn tượng tốt nhất cho du khách.