Trong vài năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút được một lượng vốn lớn đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Trong thời gian 2010 - 2015, Nhà nước đã đầu tư trên 62.637 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường bộ khu vực Tây Nguyên, trong đó các tuyến quốc lộ như đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Quốc lộ 20, 19, 26, 14C, 24, 25, 28, Quốc lộ 27 với tổng chiều dài 1.109km, được đầu tư 43.915 tỷ đồng; và vốn cho giao thông địa phương khoảng 18.722 tỷ đồng.
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Lắk và Bình Phước (Quốc lộ 14 cũ) có tổng chiều dài 663km từ Đắk Zôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) được Bộ Giao thông vận tải cùng các tỉnh Tây Nguyên tổ chức khánh thành từ tháng 11/2015.
Quy mô đầu tư toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, một số đoạn qua đô thị được mở rộng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Sau 1,5 năm triển khai xây dựng, toàn tuyến đã hoàn thành, về đích trước tiến độ 1 năm so với dự kiến, tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng, rút ngắn 1/3 thời gian chạy xe.
Quốc lộ 20 nối Đồng Nai - Lâm Đồng
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước nói riêng. Đây là tuyến đường xương sống quan trọng nhất nối Tây Nguyên với hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng, vừa góp phần bảo đảm an toàn giao thông vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh Tây Nguyên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống người dân trong khu vực.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo tiếp tục triển khai 8 dự án đường bộ với tổng nguồn vốn đầu tư 15.692 tỷ đồng và tổng chiều dài quốc lộ được nâng cấp, cải tạo là khoảng 681km bằng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn xã hội hóa.
Cũng từ nguồn vốn trên, các tỉnh Tây Nguyên hiện có 3.620km đường huyện được cứng hóa (đạt gần 71%), đường xã được cứng hóa khoảng 4.224km (đạt trên 51%), đường thôn, xóm, buôn làng được cứng hóa 4.657km.
Nhờ vậy, hệ thống giao thông nông thôn ở vùng Tây Nguyên có bước phát triển mạnh mẽ và đã kết nối tốt hơn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Trung ương với hệ thống hạ tầng giao thông địa phương.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã đầu tư nâng cấp, mở rộng ba cảng hàng không, gồm các sân bay Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Liên Khương (Lâm Đồng) để đáp ứng cho các loại máy bay A320, A321 cất hạ cánh. Nhờ vậy, đã tăng công suất khai thác của ba cảng hàng không từ 1,9 triệu hành khách vào năm 2010 lên 3,3 triệu hành khách/năm.
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, kết cấu hạ tầng giao thông phát triển đã góp phần thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào Tây Nguyên. Chỉ riêng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có 148 dự án, với tổng nguồn vốn đăng ký 819 triệu USD, bình quân mỗi dự án là 5,5 triệu USD.
Các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài chủ yếu trong 2 năm trở lại đây và hiện nay đang có xu hướng tăng lên, trong đó Lâm Đồng là địa phương thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất, kế đến là tỉnh Đắk Lắk. Đã có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại vùng Tây Nguyên, trong đó, Hàn Quốc là quốc gia có nhiều dự án đầu tư nhất, tiếp theo là Hà Lan, vùng lãnh thổ Hong Kong.
Năm 2015, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục phát triển ổn định, cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển đổi và ngày càng có nhiều mô hình đầu tư thâm canh, sản xuất sạch, áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng cây ăn trái, chè, cà phê, rau, hoa, nuôi bò, cá nước lạnh. Cũng nhờ giao thông thuận tiện hơn, nhiều địa phương vùng Tây Nguyên đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại mang lại hiệu quả ngày càng cao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác giáo dục đào tạo, y tế có chiều chuyển biến, đáp ứng tốt yêu cầu của việc dạy và học, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Thương mại dịch vụ tăng mạnh, nhất là ngành du lịch có số lượng du khách trong, ngoài nước đến Tây Nguyên bằng đường bộ tăng mạnh.
Chính sách dân tộc, công tác an sinh xã hội đã được tập trung chăm lo khá tốt, tỷ lệ hộ nghèo ở Tây Nguyên giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm gần 3% (toàn vùng hiện còn khoảng 121.500 hộ nghèo, giảm 10.046 hộ so với năm 2014).
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, giai đoạn từ năm 2016-2020, tổng nguồn vốn dự kiến huy động để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên khoảng 109.703 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA khoảng 66.253 tỷ đồng, còn lại là vốn xã hội hóa, để tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không và đường sắt.