Trong tiến trình đô thị hóa ngày nay, có lẽ điều mà mọi người dễ cảm nhận nhất, đó là hệ thống giao thông tỉnh Ninh Thuận đang có bước “nhảy vọt ngoạn mục”. Đề cập như vậy để thấy, chỉ cách đây 10 năm, hệ thống giao thông của tỉnh chỉ gói gọn chưa đến 500km và tập trung chủ yếu nội ô Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, thì nay toàn tỉnh đã có gần 1.200km giao thông các loại, tăng gấp 4 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh.
Các công trình giao thông được đầu tư mang tầm chiến lược, có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận hiện nay phải kể đến, đó là: Đường Lê Duẩn (Quốc lộ 1A đoạn qua trung tâm thành phố); Phan Đăng Lưu (tuyến tránh Quốc lộ 27); đường ven biển Bình Tiên-Cà Ná; đường An Hòa- Phước Trung; đường Phước Sơn - Hòa Sơn; Ninh Bình - Phước Bình; đường từ Quốc lộ 27 đi Ma Nới; đường Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Nguyễn Tri Phương, đường đôi phía Bắc vào thành phố…, tất cả đã được nối dài, mở rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, đáng chú ý là tuyến đường ven biển Bình Tiên-Cà Ná dài 106km, đây là tuyến đường giao thông chiến lược đáp ứng cùng lúc nhiều nhiệm vụ: Đảm bảo quốc phòng-an ninh; mở hướng liên kết vùng trong phát triển kinh tế; phục vụ xây dựng 2 Nhà máy Điện hạt nhân, sắp xếp dân cư ven biển, phòng tránh trú bão, giảm nhẹ thiên tai...
Cầu An Đông.
Kể từ khi tuyến đường ven biển được thông tuyến, rất nhiều du khách trong và ngoài nước “chinh phục” con đường này bằng nhiều loại phương tiện. Anh Nguyễn Hữu Trí, trước ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, sau chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Trong dịp về quê nghỉ Tết năm nay, anh đã cùng nhóm bạn thân du khảo bằng xe máy để thưởng thức vẻ đẹp của tuyến đường ven biển. Gặp chúng tôi trong những ngày đầu xuân mới, anh bảo, chưa rõ cuộc sống bà con sung túc thế nào, nhưng chỉ riêng việc đi lại đã thấy sướng rồi, bởi trước đây từ Tp. Phan Rang-Tháp Chàm muốn đi Bác Ái, Thuận Bắc hay vịnh Vĩnh Hy của huyện Ninh Hải phải mất nhiều thời gian, nhưng nay chỉ chạy xe khoảng 30 phút đến 1 giờ là đã tới.
Qua thống kê của Sở Giao thông vận tải Ninh Thuận cho thấy, chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, thông qua các nguồn vốn: Trái phiếu Chính phủ, ODA, BOT..., tỉnh đã đầu tư trên 3.500 tỷ đồng để xây dựng 50 tuyến đường giao thông các loại. Nhờ đó, không chỉ tăng thêm năng lực vận tải, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Tuyến đường ven biển (đoạn Bình Tiên - Vĩnh Hy).
Còn nhớ cách đây không lâu, khi được dự Lễ khánh thành và thông xe cầu Ninh Chử nối liền thị trấn Khánh Hải với xã Tri Hải (Ninh Hải) và cầu An Đông bắc qua sông Dinh, nối 2 bờ giữa phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) với xã An Hải (Ninh Phước), tôi như lạc hẳn trong niềm hân hoan của ngày hội. Không vui sao được, bởi các nhịp cầu không chỉ có vai trò kết nối toàn bộ tuyến đường ven biển, tạo cơ hội giao thương thuận lợi cho hàng vạn người dân ở Ninh Phước, Ninh Hải với Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, mà còn là điều kiện cần thiết cho việc khai thác tiềm năng các vùng đất được xem là vựa muối và trung tâm sản xuất giống thủy sản lớn nhất của cả nước. Đồng chí Trần Văn Đông, Bí thư Huyện ủy Ninh Hải, vui mừng: Kể từ khi cầu Ninh Chử hoàn thành, bộ mặt thị trấn Khánh Hải đổi thay toàn diện. Những khu dân cư ven biển xập xệ, chật hẹp trước đây giờ đã được chỉnh trang, với những ngôi nhà mới khang trang, sầm uất ở 2 đầu cầu...
Hệ thống giao thông nông thôn xã Bắc Phong (Thuận Bắc)
được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Quả thật, từ Ninh Hải chạy dọc theo tuyến đường ven biển qua địa bàn phường Đông Hải lên cầu An Đông, chạy qua thôn Phú Thọ, hàng trăm ha đất nông nghiệp bạc hóa trước đây giờ đã được “đánh thức”, trở thành khu thương mại, nhiều khu dân cư mới được hình thành. Ông Bùi Thành (thôn Phú Thọ, phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), chia sẻ: Trước đây chưa có cầu An Đông, người dân Phú Thọ chịu nhiều thiệt thòi trên mọi lĩnh vực đời sống. Bây giờ, tất cả đang đổi khác, từ Phú Thọ đi bộ qua cầu An Đông chỉ mất 5-10 phút, người dân đã tiếp cận được nhịp sống thành phố và có nhiều cơ hội để bước vào tiến trình đô thị hóa.
Mạng lưới giao thông được mở rộng còn giúp cho thành phố hình thành, phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư,
tạo thuận lợi cho giao thông thương hàng hóa và đột phá phát triển ngành thương mại- dịch vụ...
Trong ảnh: Tuyến đường Lê Duẩn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Còn nhiều lắm những tuyến đường, cây cầu mới mở, nhưng điều mà tất cả mọi người đều thấy được, đó là khi các tuyến đường giao thông trong tỉnh được kết nối với nhau, không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi mà dọc hai bên đường nhiều khu đô thị mới, khu dân cư, khu thương mại đã mọc lên. Không những vậy, dưới tác động của các tuyến đường, một số công trình, dự án tiềm năng như nuôi trồng thủy sản, kinh tế vườn rừng, kinh tế biển của dải đất ven biển Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải đang được đánh thức; đặc biệt các Khu Du lịch biển Bình Sơn, Ninh Chử, Vĩnh Hy, Khu Du lịch sinh thái Nam Núi Chúa..., ngày càng thu hút đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đây là bước đột phá lớn, quan trọng, không chỉ góp phần đưa nhiều vùng quê hẻo lánh từng bước chuyển mình, mà còn mang tính chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn mà tỉnh Ninh Thuận đang triển khai thực hiện.