Thời gian qua, mỗi khi giá xăng dầu tăng, đa số các doanh nghiệp vận tải đều nhanh chóng đề xuất tăng giá cước. Từ 15 giờ ngày 18/2, xăng Ron 92 giảm 960 đồng/lít, đưa giá bán lẻ từ 14.710 đồng/lít xuống còn 13.750 đồng/lít. Đây là lần thứ 4 giá xăng được điều chỉnh giảm trong 2 tháng đầu năm 2016 với tổng tiền giảm 2.650 đồng/lít. Mặc dù xăng dầu liên tiếp giảm giá nhưng cước vận tải vẫn giảm chậm.
Đến đầu tháng 3/2016, 25/25 doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải khách
trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã kê khai lại giá cước vận tải
(Ảnh chụp tại Bến xe khách Trung tâm TP Hòa Bình).
Trước tình hình đó, để bình ổn giá các mặt hàng trên thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người dân, hành khách và các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ vận tải, ngày 23/2/2016, Sở GTVT Hòa Bình đã ban hành văn bản số 212 yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt, xe hợp đồng, xe taxi khẩn trương rà soát các chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu thực hiện kê khai, giảm giá cước trước ngày 29/2/2016. Đồng thời phối hợp với các ngành hữu quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện.
Đồng chí Bùi Thị Hoà Bình, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hòa Bình) cho biết: Sở GTVT Hòa Bình đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Có nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp về vấn đề này. Có giám đốc doanh nghiệp cho rằng có sự chênh lệch trong mức giảm giá cước ở các đơn vị vận tải là nhiều doanh nghiệp trước đây không tăng giá khi xăng tăng giá nên doanh nghiệp chỉ giảm ở mức thấp. Đại diện một số doanh nghiệp phàn nàn: Việc điều chỉnh giá cước còn gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu điều chỉnh giảm liên tục nên khi vừa làm thủ tục giảm giá cước cho phù hợp với giá nhiên liệu, giá nhiên liệu lại có biến động nên việc tiếp tục phải kê khai điều chỉnh giá cước tốn nhiều thời gian.
Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh taxi cho rằng, việc điều chỉnh giá cước phức tạp, mất nhiều thời gian, nhiều chi phí vì phải cân chỉnh lại đồng hồ tính tiền cước. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp đưa ra lý do một số tuyến vận tải do tăng chi phí đầu vào vì phải đổi mới phương tiện từ phương tiện có niên hạn cũ, chất lượng chưa cao lên loại phương tiện hiện đại, chất lượng cao, niên hạn sử dụng mới (ví dụ như giá xe cũ 300 triệu đồng nhưng giá xe mới 1,5 tỷ đồng), mức lương tối thiểu vùng tăng lên từ 2,4 triệu đồng lên 2,9 triệu đồng, đóng thêm phí cầu đường bộ với mức phí lớn khi đi qua trạm thu phí BOT Lương Sơn..., do vậy chưa thể hoặc giảm giá cước chậm.
Với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, trong đó nòng cốt là Sở GTVT, Sở Tài chính đến đầu tháng 3/2016, toàn bộ 25/25 doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải khách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã kê khai lại giá cước vận tải tương ứng với các chi phí đầu vào trong cấu thành giá cước vận tải. Đặc biệt đã có 11/11 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi giảm giá cước vận tải với mức giảm lớn nhất 25%, mức giảm bình quân 10% so với lần kê khai giá gần nhất. 11/12 đơn vị kinh doanh vận tải khách cũng đã giảm giá nhiều tuyến vận tải, cá biệt có tuyến giảm giá cước lên tới 19%, còn lại mức giảm trung bình 5% so với lần kê khai giá gần nhất.
Kết quả đạt được trong quản lý giá cước vận tải đã góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua đó cũng thể hiện rõ công tác QLNN đã từng bước thích ứng với cơ chế thị trường. Dư luận mong muốn, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi giá xăng dầu giảm mạnh thì không chỉ giảm giá cước vận tải, vì trong thực tế khi giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp viện lý do đầu vào tăng để tăng giá điện, nước và các mặt hàng thiết yếu khác. Nhưng khi xăng dầu giảm, không ít mặt hàng giảm giá. Vì vậy, các ngành chức năng cần nhìn vấn đề và điều hành giá một cách thực chất hơn với tất cả các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng mong muốn hành khách nói riêng và dư luận nói chung cần lên tiếng để ủng hộ các cơ quan QLNN và bảo vệ quyền lợi của chính mình.