Quốc lộ 20 là tuyến đường huyết mạch nối Lâm Đồng với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Hiện, các đơn vị thi công đang tập trung triển khai đoạn từ ngã ba Lộc Sơn (TP. Bảo Lộc) qua địa phận các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương và TP. Đà Lạt. Việc nâng cấp, mở rộng tuyến QL 20 thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng vừa tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, vừa góp phần đảm bảo an toàn giao thông ở địa phương.
Công trình nâng cấp, cải tạo quốc lộ 20 đang được thi công
Công trình cải tạo, nâng cấp QL 20 được thực hiện với điểm bắt đầu tại ngã ba Lộc Sơn (TP. Bảo Lộc), đi qua địa phận các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương và TP. Đà Lạt với tổng chiều dài khoảng 125km. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 4.110 tỷ đồng và được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT; trong đó, phần kinh phí BOT hơn 1.383 tỷ đồng và phần kinh phí BT trên 2.727 tỷ đồng, do chủ đầu tư Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) thực hiện dự án.
Mới đây, tại buổi làm việc với các sở, ngành của tỉnh, các đơn vị tư vấn đầu tư, thi công và các địa phương có tuyến QL 20 đi qua về tình hình thực hiện dự án QL 20 đoạn qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì, đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất đã báo cáo tóm tắt công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng công trình khôi phục và cải tạo quốc lộ 20 đoạn từ km 154+400 - km 268+000 tỉnh Lâm Đồng theo hình thức đầu tư hợp đồng BT. Cụ thể, đến thời điểm này, công tác đo đạc, thông báo thu hồi, kiểm đếm hiện trạng, công tác chuyển mục đích sử dụng đất, lập phương án kiểm kê khai thác rừng và các công đoạn khác đã cơ bản hoàn tất. Trung tâm cũng đã phối hợp với UBND các xã, phường thuộc huyện Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương và TP. Đà Lạt vận động nhân dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện dự án trước khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhiều chỗ vẫn còn vướng mắc như về hạ tầng và công tác chuyển đổi mục đích và lập phương án kiểm kê khai thác rừng nên chủ đầu tư cùng với Trung tâm Phát triển quỹ đất vừa thực hiện thi công, vừa kết hợp giải quyết cơ sở hạ tầng và cây rừng từng đoạn cụ thể. Cùng đó, hiện vẫn chưa có giá đất cụ thể để lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân trên tuyến quốc lộ 20 đi qua. Mặt khác, một số công trình hạ tầng kỹ thuật (nước, điện chiếu sáng và công trình hạ tầng viễn thông) chưa hoàn thành phương án thiết kế dự toán di dời; công tác chuyển đổi mục đích kiểm kê đất rừng thuộc gói thầu số 8, 9 ở huyện Đơn Dương vẫn còn chậm… đã gây khó khăn không nhỏ cho tiến độ thi công. Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương có tuyến quốc lộ 20 đi qua và các sở, ngành có liên quan đã giải trình về những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thi công, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho rằng, tiến độ thi công quốc lộ 20 đi qua tỉnh Lâm Đồng chậm là do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh. Đồng thời, ông cũng yêu cầu các địa phương, các ban, ngành của tỉnh và các đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị đầu tư, thi công công trình. Trong đó, ưu tiên số một là vấn đề giải phóng mặt bằng với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất để nhà thầu khẩn trương thi công, nhất là khi mùa khô còn rất ngắn. Cùng đó, cần quan tâm các nội dung quan trọng khác như: Xác định giá đất cụ thể để lập phương án bồi thường, hỗ trợ hợp lý, dứt điểm cho người dân; hoàn tất việc kiểm đếm, thu hồi đất trước ngày 15/3 và hoàn tất việc giải tỏa, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật điện, nước, diện tích cây rừng, đất rừng trước ngày 15/4. Cùng đó, ông Phạm S cũng đề nghị Ban quản lý 85, nhà thầu thi công chỉ đạo Công ty cổ phần BT20 và các nhà thầu phụ thực hiện công tác thi công đảm bảo tiến độ, đảm bảo vấn đề an toàn kỹ thuật giao thông, vận tải hợp lý…