TP Hà Nội đang phối hợp với Bộ GTVT, các nhà tài trợ nước ngoài và các cơ quan chức năng tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng lớn như đường sắt đô thị (ĐSĐT), xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT)…
Việc sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án thí điểm này sẽ tạo tiền đề quan trọng để thành phố quyết tâm triển khai các dự án ĐSĐT, xe buýt nhanh BRT nằm trong quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó cũng chính là tầm nhìn chiến lược góp phần xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Tạo dựng các "khung" tiêu chuẩn
Chẳng còn bao lâu nữa, những loại hình VTHKCC văn minh sẽ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, góp phần quan trọng giải quyết "bài toán" ùn tắc và tai nạn giao thông cho Thủ đô, qua đó hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Theo kế hoạch, cuối năm 2016, tuyến xe buýt nhanh BRT thí điểm Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ chính thức vận hành. Cũng cuối năm 2016, đầu năm 2017, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông bắt đầu khai thác thương mại. Cùng với đó, tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đang được Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội tập trung triển khai để hoàn thành trong giai đoạn 2018-2019.
Là những loại hình VTHKCC văn minh của thế giới, nhưng đều lần đầu được nghiên cứu triển khai tại Việt Nam, vì vậy các cơ quan chức năng của thành phố và Bộ GT-VT hết sức cẩn trọng trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả của từng dự án. Ngay trong quá trình xây lắp, Hà Nội và Bộ GTVT đã phối hợp nhằm xây dựng các "khung" tiêu chuẩn nhằm bảo đảm các dự án vận hành được thông suốt với sự liên thông cao, thuận lợi tối đa cho công tác quản lý nhà nước cũng như việc đi lại của người dân.
Ông Trần Anh Tú, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết: "Để chuẩn bị tiếp nhận và đưa các dự án vào khai thác, công ty đang đào tạo nhân sự cho việc vận hành với tổng số là 681 người. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho ĐSĐT. Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng cuốn sổ tay tuyên truyền với nhiều nội dung thiết thực, đứng trên góc độ của người dân để trả lời những câu hỏi cách thức sử dụng, sơ đồ từng tuyến...".
Về góc độ an toàn khi dự án đi vào hoạt động, ông Lê Huy Hoàng, Phó Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, thành phố đã chọn một nhà tư vấn uy tín nước ngoài để đánh giá mức độ an toàn của công trình, từ khi thiết kế móng, lên trụ, lắp đặt... nếu an toàn, họ sẽ cấp chứng chỉ quốc tế.
Liên quan đến vấn đề thẻ vé và tính kết nối giữa các phương tiện VTHKCC, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội hay xe buýt nhanh BRT dù theo tiêu chuẩn Châu Âu, Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào thì vẫn phải tuân thủ theo quy chuẩn chung của thành phố, tức là các đầu đọc thẻ phải thống nhất để hành khách có thể dùng một loại thẻ để lên các loại tàu, xe khác nhau. Thành phố cũng sẽ bố trí xe buýt thông thường kết nối liên thông hiệu quả với hệ thống VTHKCC khối lượng lớn.
Xây dựng hệ thống giao thông "xương sống"
Bất kỳ một đô thị văn minh nào cũng xác định ĐSĐT là "xương sống" cho mạng lưới VTHKCC. Nhiều năm qua, Hà Nội đã đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông "khung", qua đó từng bước giải quyết "vấn nạn" ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, để giải quyết hiệu quả ùn tắc thì vẫn phải chờ đến "xương sống" ĐSĐT, bởi sẽ rất khó để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân khi mà VTHKCC vẫn trong tình trạng thiếu và yếu.
Một câu hỏi được đặt ra, phải chăng gần đây Hà Nội mới quan tâm đến phát triển hệ thống VTHKCC khối lượng lớn, đặc biệt là ĐSĐT? Ông Đào Minh Tâm, Phó Trưởng phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội) cho biết, vấn đề về quy hoạch ĐSĐT đã được quy định trong những văn bản pháp lý từ năm 1998. Các văn bản này đều xác định thành phố cần phát triển mạng lưới vận tải ĐSĐT. Tuy nhiên, do chưa có đủ tiềm lực đầu tư nên đến bây giờ chúng ta mới có thể triển khai tuyến đường sắt trên cao.
Song, Hà Nội đã có quy hoạch rất rõ ràng về phát triển hệ thống ĐSĐT và xe buýt nhanh BRT (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai trong giai đoạn tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050). Cụ thể, Hà Nội hoạch định có 8 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài khoảng 318km và khoảng 116km ĐSĐT nối dài giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; khoảng 40km tuyến đường sắt monorail vận chuyển khối lượng nhẹ, thu gom lượng khách rải rác đến những điểm ĐSĐT. Về cơ bản, 8 tuyến đường sắt và 3 tuyến monorail sẽ phủ kín hệ thống đô thị trung tâm; khoảng 2.000 nhà ga, với cự ly cách nhau từ 1 đến 1,5km để bảo đảm lưu thông...
Thời gian qua, các dự án ĐSĐT và xe buýt nhanh BRT của Hà Nội bị chậm tiến độ là khó tránh khỏi. Bởi, đây đều là các dự án thí điểm, lần đầu triển khai ở Việt Nam, lại triển khai trong điều kiện rất khó khăn, vừa thi công vừa phải bảo đảm giao thông trên tuyến không gián đoạn. Ngoài ra còn do ách tắc giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, thiết kế… Tuy nhiên, với sự phối hợp tích cực, chủ động giữa Hà Nội với các bộ, ngành và các nhà tài trợ nước ngoài, các dự án đầu tiên này sẽ là những bài học kinh nghiệm để Hà Nội triển khai thành công các dự án tiếp theo trong tương lai.