Thời gian gần đây, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên, Ban An toàn giao thông Điện Biên. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và một số cơ quan chức năng, công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe lưu động đã đi vào nề nếp, từng bước nâng cao ý thức người tham gia giao thông của người dân nói chung, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của lái xe, chủ xe, chủ hàng, đơn vị xếp hàng nói riêng.
Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe tại trạm kiểm cân lưu động km192+600, quốc lộ 12.
Thực hiện Chỉ thị số 1095/CT-TCĐBVN ngày 21/3/2014 của Tổng Cục đường bộ Việt Nam về việc đồng loạt triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, từ ngày 1/4, cùng với các địa phương khác trong toàn quốc, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Thanh tra giao thông cùng với lực lượng CSGT và các đơn vị cảnh sát khác tại các điểm KTTTX đã khắc phục khó khăn, phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; chủ động, khéo léo, mềm dẻo nhưng kiên quyết trong giải quyết các vụ việc. Tuy nhiên, ở thời điểm này, tình trạng lái xe, chủ xe, chủ hàng chở hàng quá trọng tải nhưng lén lút hoạt động vào ban đêm, đi đường vòng trốn tránh, né các điểm KTTTX đã gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình là thời gian cuối năm 2014, đầu năm 2015 khi trạm KTTTX đặt tại km188+300 (xã Thanh Nưa), một số ô tô chở hàng hóa, phần lớn là vật liệu thường vượt trạm KTTTX bằng đi đường vòng tránh tuyến quốc lộ 12 - C13 (cũ) - đường phía Tây lòng chảo Điện Biên - Nghĩa trang Liệt sỹ Tông Khao - quốc lộ 12, chỉ trong thời gian ngắn, việc đi đường vòng tránh trạm cân của một số ô tô tải đã làm kết cấu hạ tầng giao thông nơi đây xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.
Để công tác cân KTTTX đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả, UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo các cơ quan chức năng mà chủ yếu là Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp, lái xe. Các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, quy định của Chính phủ về việc cân trọng tải xe, qua đó tạo niềm tin với người dân trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; việc tuyên truyền cần sự kiên trì, liên tục, bền bỉ, lâu dài... Hàng năm, Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh - Truyền hình Điện Biên có hàng chục tác phẩm báo chí (tin, bài, ảnh) phản ánh về công tác KTTTX. Tại vị trí đặt trạm cân lưu động, cán bộ, nhân viên Trạm thường xuyên phát tờ rơi in nội dung các quy định của Chính phủ, một số bộ, ngành liên quan về công tác KTTTX cho người điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các cơ quan chức năng thành lập tổ công tác cơ động sử dụng cân tay kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, bến bãi, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô vận tải, để xử lý, ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá trọng tải trước khi lưu thông trên các tuyến đường và xử lý vi phạm về kích thước thùng xe. Hàng năm, Sở Giao thông vận tải vận động, hướng dẫn trên 20 doanh nghiệp vận tải, có liên quan đến vận tải, chủ xe... ký cam kết thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về vận tải đường bộ. Trạm KTTTX lưu động hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm. Đồng thời, các cơ quan chức năng không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức của người thực thi công vụ, không dung túng, bao che; xử phạt nghiêm minh, không bỏ lọt người vi phạm, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, người thực thi nhiệm vụ. Đây được xem là những giải pháp mang tính quyết định để công tác kiểm soát trọng tải xe phát huy hiệu quả.
Theo báo cáo từ Sở Giao thông vận tải Điện Biên, từ tháng 4/2014 đến hết Quý I/2016, trạm cân lưu động tỉnh Điện Biên cân kiểm tra tải trọng 17.560 lượt phương tiện, với số phương tiện vi phạm là 275 lượt xe. Trong đó, phần lớn là vi phạm về tải trọng, còn lại là các lỗi khác như: Chuyển tải, đi đường vòng tránh trạm cân; không có giấy phép lưu hành xe quá khổ; không có giấy tờ của người điều khiển phương tiện (lái xe), và phương tiện... Các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước 1,248 tỷ đồng; hạ tải gần 1.000 tấn hàng hóa các loại; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 109 trường hợp...
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên: Thời gian qua, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đặc biệt là đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và lái xe; số vụ vi phạm về chở quá tải trọng hành khách và hàng hóa giảm dần theo thời gian là tín hiệu cho thấy ý thức tham gia giao thông trên địa bàn từng bước được cải thiện.