Quy hoạch mạng lưới bến xe trên địa bàn Hà Nội: Đáp ứng yêu cầu phát triển

Thứ ba, 31/05/2016 08:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cùng với việc di dời và sắp xếp các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Bến xe Lương Yên, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, Sở GT-VT Hà Nội và các đơn vị liên quan sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các bến, bãi đỗ xe đồng bộ, có tính kết nối cao nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Di dời Bến xe Lương Yên

Ngày 19/4 vừa qua, Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên (Tổng công ty Lương thực miền Bắc) đã có công văn số 112/LTLY-TCHC đề nghị UBND TP Hà Nội và Sở GTVT có phương án di dời hoạt động của Bến xe Lương Yên sang các bến xe khác trên địa bàn thành phố kể từ ngày 26/7 để trả lại đất cho cơ quan chủ quản thực hiện dự án.

Bến xe Lương Yên thuộc Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên là bến xe hoạt động theo mô hình xã hội hóa được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2004 với diện tích 10.200m2. Năm 2011, Sở GTVT Hà Nội đã sắp xếp, tổ chức lại hoạt động bến xe theo hướng thu hẹp một phần, bàn giao một phần đất cho Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Đến nay, Bến xe Lương Yên đã có 38 tuyến vận tải đi 20 tỉnh, thành phố, tần suất 335 lượt xe/ngày, với 319 phương tiện của 52 đơn vị vận tải. Trong đó, khoảng 85% lượt xe hoạt động trên các tuyến tới Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang và Thái Bình. 15% lượt xe còn lại hoạt động trên các tuyến Nam Định, Thanh Hóa, Lào Cai, Phú Thọ…

Dù vẫn đang đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại liên tỉnh của hành khách, song bến xe này lại là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông cho tuyến đường Nguyễn Khoái, Minh Khai… Trong khi đó, theo Quyết định 1593/QĐ-SGTVT ngày 29/7/2013 của Sở GTVT Hà Nội thì ngày 26/7 tới đây, Bến xe Lương Yên sẽ hết hiệu lực hoạt động. Mặt khác, theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Bến xe Lương Yên không nằm trong danh mục bến được nâng cấp, cải tạo. Do vậy, Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên đề nghị Sở GTVT Hà Nội di dời hoạt động của các DN đang hoạt động tại Bến xe Lương Yên sang các bến xe khác trên địa bàn trước thời điểm nói trên.

Trước đề nghị này, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội trong đó đưa ra 2 phương án. Phương án 1 sẽ điều chuyển các tuyến xe, phương tiện đang hoạt động tại Bến xe Lương Yên về các bến xe còn khả năng tiếp nhận trên địa bàn thành phố. Phương án 2 sẽ điều chuyển toàn bộ luồng tuyến và phương tiện từ Bến xe Lương Yên sang sau khi Bến xe Cổ Bi (Gia Lâm) đủ điều kiện tiếp nhận.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, phương án 1 có ưu điểm là góp phần giảm ùn tắc giao thông trên trục đường Nguyễn Khoái. Tuy nhiên, nhược điểm là sẽ làm xáo trộn nhu cầu đi lại của người dân trong một thời gian, tăng ùn ứ giao thông tại các bến xe tiếp nhận và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe này. Các thủ tục pháp lý đối với phương án 2 đơn giản hơn so với phương án 1 và ít ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị vận tải vì điều chuyển nguyên trạng sang bến xe mới. Nhưng phương án này lại phụ thuộc vào tiến độ đầu tư xây dựng Bến xe Cổ Bi của Tổng công ty Vận tải Hà Nội.

Chiều 30/5, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: Dự kiến ngay trong tuần này, Sở sẽ có cuộc họp với các sở GTVT địa phương liên quan, tiếp đó làm việc với các DN đang hoạt động tại bến để có phương án chi tiết báo cáo tập thể lãnh đạo UBND thành phố vào giữa tháng 6/2016 theo đúng yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng. Về cơ bản, các tuyến sẽ được sắp xếp về 3 bến xe Nước Ngầm, Yên Nghĩa và Gia Lâm.

Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng mạng lưới bến xe

Theo đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Hà Nội sẽ có 22 bến xe khách liên tỉnh. Trong đó khu vực phía bắc Sông Hồng có 4 bến (1 bến cũ và 3 bến xây dựng mới); khu vực phía nam Sông Hồng có 7 bến (4 bến cũ và 3 bến mới); khu vực đô thị vệ tinh xây dựng 8 bến mới. Ngoài ra còn 3 bến sẽ quy hoạch cho giai đoạn trung hạn. Trong quy hoạch nói trên, hiện nay thành phố mới hoàn thành Dự án xây dựng Bến xe Yên Nghĩa và Dự án mở rộng Bến xe Mỹ Đình.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Cùng với việc tập trung cải tạo, nâng cấp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ các bến xe hiện có trong quy hoạch, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn. Đồ án này sau khi được phê duyệt sẽ cụ thể hóa chi tiết quy hoạch bến, bãi đỗ xe đã đề cập trong các quy hoạch phân khu, quy hoạch GT-VT cũng như đề xuất lộ trình thích hợp làm cơ sở cho việc đầu tư. Đề xuất lựa chọn danh mục đầu tư sẽ dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch được duyệt, thuận lợi về mặt bằng (đã có mặt bằng sạch hoặc không gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng); các vị trí, khu đất có khả năng kết nối thuận tiện với hệ thống hạ tầng giao thông khu vực; ưu tiên phát triển các bến xe ra khu vực ngoài Vành đai 4…

Hệ thống hạ tầng giao thông khung với các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm của Hà Nội đã cơ bản được hoàn thiện. Vì vậy, việc lựa chọn các vị trí để xây dựng các bến xe mới như Cổ Bi, Yên Sở, Xuân Phương, Yên Thường, Vân Trì, Sơn Tây… là phù hợp bởi mang tính kết nối cao và bảo đảm yêu cầu phát triển lâu dài, bền vững theo hướng văn minh, hiện đại. Điều quan trọng là phải xây dựng được hệ thống vận tải hành khách công cộng như xe buýt thường, buýt nhanh BRT và đường sắt đô thị để kết nối với các khu vực nội đô nhằm giảm ùn tắc và hạn chế phương tiện vào các khu vực trung tâm. Đối với các bến xe trong khu vực trung tâm đã trở nên quá tải, là nguyên nhân gây ùn tắc và không còn phù hợp với quy hoạch, như Bến xe Lương Yên, thì giải tỏa, di dời là giải pháp hợp lý.

Thời gian qua, Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng một số bến xe song tiến độ còn chậm. Ngoài các vướng mắc về quy hoạch, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng còn có nguyên nhân là năng lực tài chính của các nhà đầu tư còn yếu. Một số nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu lập dự án chỉ nhằm mục tiêu giữ đất không quyết tâm đầu tư. Vì vậy, cần phải có những "bộ lọc" hiệu quả nhằm loại trừ những nhà đầu tư không đủ năng lực.

kimcuc

Nguồn: Hà Nội mới

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)