Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ hai, 13/06/2016 10:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, vận tải đường bộ bằng xe ô tô đang là phương thức vận tải chính đảm nhận trên 90% khối lượng hành khách và 60% khối lượng hàng hóa; có 95 đơn vị kinh doanh vận tải bằng phương tiện ô tô với trên 12 nghìn phương tiện, hầu hết các phương tiện đều đáp ứng tốt nhu cầu về vận tải. Tuy nhiên, công tác quản lý vận tải còn bộc lộ nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa theo kịp với sự phát triển của hoạt động vận tải, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự ATGT cao. Để khắc phục tình trạng trên, ngành GTVT đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Thông xe đường ĐT 477

Thực trạng hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn

Ninh Bình là tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, cách Hà Nội hơn 90 km, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam có các Quốc lộ 1, 10, 12B, 21B, 38B và 45 chạy qua. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình, Bộ GTVT, nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng và nâng cấp, các đơn vị vận tải đã tập trung đầu tư, đổi mới phương tiện, mở rộng phạm vi hoạt động.

Công tác quản lý nhà nước về vận tải từng bước được cải thiện và đạt được những kết quả nhất định. Song công tác quản lý vận tải và đảm bảo trật tự ATGT còn gặp nhiều thách thức và bộc lộ nhiều hạn chế.

Tại các tuyến đường, chúng ta bắt gặp hình ảnh nhiều phương tiện vận tải khách bắt khách dọc đường, chở quá số người quy định, nhiều xe xập xệ vẫn được lưu thông trên đường, tình trạng xe dù, xe quá tải vẫn còn tồn tại... gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, mất TTATGT, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao, phá hoại cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhân dân.

Theo số liệu thống kê của Thanh tra giao thông tỉnh Ninh Bình, riêng năm 2015, lực lượng thanh tra giao thông đã xử lý 661 trường hợp vi phạm về hoạt động vận tải đường bộ, trong đó xe tải 562 trường hợp, xe khách 95 trường hợp... với tổng số tiền phạt gần 1,5 tỷ đồng.

Qua báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy, nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên là do hành vi vi phạm quy định pháp luật của lái xe như vi phạm nồng độ cồn, vượt sai quy định, chạy quá tốc độ, chở quá tải trọng, quá số người quy định.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do các đơn vị kinh doanh vận tải ô tô trên địa bàn tỉnh đa số đều có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nhiều đơn vị vận tải chỉ có dưới 10 xe nên còn xảy ra tình trạng “khoán trắng” cho lái xe tự lo khai thác hàng hoá, tìm kiếm hành khách, nhiều quy định được thực hiện chỉ mang tính đối phó, thực tế không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả như công tác theo dõi ATGT tại doanh nghiệp, đẩy trách nhiệm thực hiện và kiểm soát an toàn giao thông cho trực tiếp lái xe, lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông...

Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước, bộ máy quản lý còn hạn chế cả về số lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, các quy định của nhà nước về quản lý các doanh nghiệp vận tải còn lỏng lẻo, cụ thể như: mới quản lý các doanh nghiệp bằng giấy tờ đăng ký kinh doanh, quản lý đầu xe, giá cước, cấp phù hiệu và khi lưu thông trên đường tại các trạm kiểm tra, kiểm soát, còn lại hầu như bị bỏ ngỏ, nhất là việc quản lý chất lượng vận tải chưa được kiểm soát một cách đúng mức.

Chưa có biện pháp quản lý vận tải khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch... dẫn đến trật tự vận tải rất lộn xộn, tạo nên sự tranh giành hàng hoá, hành khách, chất lượng dịch vụ vận tải thấp, tai nạn giao thông do xe ô tô kinh doanh vận tải gây ra còn nhiều.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải mới chỉ dừng lại ở quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, khía cạnh khách hàng chưa được quan tâm đúng mức.

Do đó, thực trạng quản lý vận tải đang nghiêng theo chiều hướng 1 chiều, hoạt động vận tải mang tính tự phát, tự điều chỉnh của doanh nghiệp, gây mất công bằng cho khách hàng, chất lượng vận tải theo đó chậm được nâng cao.

Mặt khác, lực lượng thanh tra, kiểm tra còn mỏng, chưa xử lý triệt để tình trạng các xe vận tải khách đón, trả khách dọc đường, chở quá số người quy định, xe chở hàng quá tải, chưa truy đến cùng nguồn gốc phát sinh chở quá tải tạo điều kiện cho chủ xe né tránh các trạm kiểm tra tải trọng..., đã gây nên phần lớn hư hỏng các tuyến đường và tình trạng mất an toàn giao thông trên địa bàn...

Việc quy hoạch bến xe khách, bến hàng hóa chưa phù hợp, chưa thuận tiện cho giao thông. Theo thống kê của Đăng kiểm Ninh Bình, trong 5 năm gần đây, số lượng ô tô mới đưa vào sử dụng tăng trung bình 5% - 6%/năm.

Mặt khác, tại các địa phương thiếu các bãi đỗ xe công cộng, vì thế các phương tiện dừng đỗ tùy tiện, chủ yếu tại các khu đất rộng, như: Nhà văn hóa, sân vận động…, thậm chí trên cả các tuyến đường tỉnh và quốc lộ gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, cản trở giao thông.

Cùng với đó, công tác quản lý kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn trong thực hiện quy hoạch các điểm đấu nối, quản lý hành lang an toàn đường bộ, công tác giải phóng mặt bằng…; việc quản lý, bảo trì các tuyến đường huyện, xã, đường giao thông nông thôn hầu như chưa có.

Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vận tải chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa khơi dậy được tính tự giác của người dân; việc cưỡng chế thực hiện theo các nghị định của Chính phủ đã có hiệu quả nhưng có lúc còn thực hiện chưa nghiêm.

Đặc biệt, một số hệ thống quy chuẩn, văn bản quy phạm pháp luật của ngành GTVT thuộc lĩnh vực vận tải đường bộ chưa được chi tiết, cụ thể, thiếu thống nhất, chưa thực sự đi vào đời sống thực tế. Có những văn bản mới ban hành đã phải nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh do chưa phù hợp với thực tế khi triển khai thực hiện.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vận tải đường bộ

Xác định công tác quản lý có vai trò rất quan trọng trong phát triển hoạt động vận tải đường bộ, vì vậy để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ngành GTVT Ninh Bình tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm định hướng, thúc đẩy hoạt động vận tải phát triển ổn định.

Tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp mang tính hiện đại, đổi mới nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, góp phần đảm bảo an toàn giao thông; thúc đẩy quá trình cơ cấu lại lực lượng vận tải, hướng tới cạnh tranh lành mạnh.

Trong đó, các giải pháp tập trung là đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các cấp thẩm quyền rà soát, sửa đổi, ban hành, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải.

Cụ thể như đề nghị sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tạo hành lang pháp lý định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững lực lượng vận tải đường bộ. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải.

Tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông tại các khu đô thị để đưa hoạt động GTVT vào trật tự, hạn chế tình trạng nhiều loại phương tiện đi hỗn hợp trên 1 tuyến đường, từ đó tăng được tốc độ lưu thông, giảm nguy cơ ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông xảy ra.

Đồng thời phân loại được phương tiện theo các tuyến đường để có giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng cho phù hợp với dòng phương tiện.

Củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng các cơ quan quản lý, thay đổi phương thức hoạt động, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là hoạt động của bộ phận theo dõi ATGT.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, các đầu mối giao thông và các phương tiện lưu thông...

Tăng cường công tác hậu kiểm, đây là bước đánh giá lại quá trình hoạt động vận tải, để phát hiện những thiếu sót và thực hiện điều chỉnh cho phù hợp. Xây dựng cơ chế thu hút nhân tài, các chuyên gia đầu ngành về làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng công nghệ tin học vào quản lý hoạt động vận tải, thông qua việc khai thác và sử dụng hiệu quả các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; đồng bộ hóa việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình với việc xây dựng Bản đồ số hóa về kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ công tác giám sát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; xác định vị trí hợp lý đặt trạm cân tải trọng cố định và tăng cường đặt trạm cân lưu động tại các bến cảng, nơi bốc xếp hàng hóa.

Riêng trong việc quản lý vận tải hàng hóa, ngành GTVT sẽ từng bước xây dựng  sàn giao dịch về vận tải hàng hóa, để giúp cho các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa có diễn đàn chung để trao đổi, tìm hiểu và tìm kiếm khách hàng.

Sàn giao dịch vận tải sẽ làm công khai, minh bạch thị trường vận tải, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, giúp cho khách hàng có nhiều thông tin để lựa chọn được dịch vụ vận tải phù hợp với nhu cầu, giảm phương tiện chạy “rỗng”, chạy 1 chiều, đồng thời giúp cho các đơn vị vận tải nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo vệ môi trường và giảm ùn tắc giao thông.

Đối với quản lý vận tải hành khách, trong năm 2016, Ngành sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng xe chạy “rùa bò”, vòng vo, bắt khách dọc đường gây nhiều bức xúc cho hành khách và người đi đường.

Cụ thể như yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải xây dựng thời gian biểu chạy xe tuyến vận tải hành khách cố định và công bố rộng rãi để hành khách nắm được và chủ động thời gian.

Đồng thời duy trì đường dây nóng của Sở GTVT để tiếp nhận và xử lý những phản ánh của người dân về những sai phạm trong hoạt động vận tải hành khách.

Tuy nhiên, để thực hiện được các giải pháp trên rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh; sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác phối hợp nhằm đưa hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

nhunghv

Nguồn: Báo Ninh Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)