Từ ngày 1/1/2017, theo Điều 30, Nghị định 46, cảnh sát giao thông sẽ phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ.
Theo đồng chí Hứa Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), việc sang tên, đổi chủ là quyền và trách nhiệm của người sở hữu phương tiện. Việc này được thực hiện một cách nghiêm túc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân lẫn lực lượng cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ.
Về một số băn khoăn của người sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông, thì hiện nay không có quy định xử phạt người đi mượn xe. Chẳng hạn như trong một nhà, vợ, chồng, các con, anh em đi xe của nhau là bình thường, khi tham gia giao thông chỉ cần mang theo Giấy đăng ký mô tô, xe máy. Ngoài ra, người mượn xe phải là người có đủ điều kiện điều khiển xe mô tô với Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được đăng ký.
Tuy nhiên, trong trường hợp di sản thừa kế, ông bà, bố mẹ cho con, cháu thì vẫn phải sang tên theo đúng quy định. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông cũng không dừng phương tiện để kiểm tra với lỗi chưa sang tên đổi chủ mà trong quá trình tuần tra kiểm soát, khi phát hiện lỗi vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện nếu phát hiện chủ phương tiện chưa sang tên đổi chủ sẽ xử phạt lỗi này theo quy định. Chẳng hạn như người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra, nếu phát hiện chiếc xe mua bán qua nhiều lần, quá thời gian không sang tên đổi chủ thì sẽ bị phạt thêm lỗi xe không sang tên, đổi chủ.
Cán bộ Đội Đăng ký và quản lý phương tiện (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh)
hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện.
Trung tuần tháng 11/2016, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã có văn bản gửi công an các huyện, thành phố hướng dẫn tiếp tục thực hiện đăng ký xe mô tô, xe máy điện theo Điều 24 Thông tư 15/2015/TT-BCA của Bộ Công an quy định về đăng ký xe.
Theo đó, các địa phương tập trung tuyên truyền cho nhân dân nắm được và thực hiện đăng ký sang tên xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người đến hết ngày 31/12/2016. Các địa phương cũng rà soát lại toàn bộ hệ thống biểu mẫu, phôi chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy; biển số xe để đặt in, đảm bảo thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, quản lý phương tiện.
Hiện nay, Công an tỉnh cũng đã phân cấp điểm đăng ký xe trong toàn tỉnh bao gồm: Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Nà Hang và Phòng Cảnh sát giao thông. Người dân và tổ chức có thể đến bất cứ điểm nào thuận tiện nhất để thực hiện thủ tục sang tên đổi Chủ phương tiện.
Đội trưởng Đội Đăng ký và quản lý phương tiện (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) Lê Tuấn Quang cho biết, đối với trường hợp cấp mới, đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe; cấp hồ sơ sang tên, di chuyển xe thì thời gian hoàn thành thủ tục không quá 2 ngày làm việc từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Đối với trường hợp đăng ký sang tên xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe theo quy định thì viết giấy hẹn và thực hiện các thủ tục sang tên, di chuyển xe cho người sử dụng xe. Giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày chờ cơ quan đăng ký xe giải quyết thủ tục sang tên, di chuyển xe.
Ông Lê Đức Quang, tổ 17, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cho biết, mua lại xe của người thân, tôi đã làm thủ tục sang tên đổi chủ theo đúng quy định. Việc chấp hành đúng luật giúp tôi yên tâm khi tham gia giao thông.
Việc đăng ký quyền sở hữu phương tiện với cơ quan nhà nước là quy định bắt buộc, một mặt đảm bảo chủ phương tiện giao thông phải ý thức rõ ràng về trách nhiệm pháp lý của mình khi sử dụng phương tiện tham gia giao thông và cũng để Nhà nước dễ dàng kiểm soát các trách nhiệm này.