UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 326/UBND-ĐT đề nghị Bộ NN&PTNT thỏa thuận phương án thiết kế dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT thống nhất phương án cho hạ cao trình mặt đê tại đoạn từ Km 62+500 đến K63+600 (từ Khách sạn Thắng lợi đến cửa khẩu An Dương) đến cao độ dương 12,4m như phương án đã đề xuất. Với cao độ hạ đê đất đến dương 12,4m, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm một cách an toàn, cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu. Phương án này sẽ mở rộng được mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông, tạo được cảnh quan đô thị cho tuyến phố.
Phương án thiết kế này tương tự như giải pháp đã áp dụng thực hiện đối với đoạn đê hữu Hồng phía hạ lưu (từ K63+600 đến K65+129) và từ khi đưa đoạn đê này vào khai thác (từ năm 2000) đến nay vẫn đảm bảo an toàn đê điều, mỹ quan đô thị và thuận lợi cho tổ chức giao thông.
Trong quá trình khảo sát và lập phương án thiết kế, đơn vị tư vấn thiết kế đã cộng tác với Tổng công ty tư vấn xây dựng thủy lợi. Việt Nam (HEC) là đơn vị tư vấn đầu ngành về công trình thủy lợi, đê điều, đồng thời tham khảo ý kiến các nhà khoa học để đưa ra các giải pháp chống thấm, chống trượt, nhằm ổn định đê và tường chắn, đảm bảo khả năng chống lũ và an toàn tuyệt đối cho đê điều trong quá trình khai thác và sử dụng sau này.
Hiện nay, thượng nguồn Sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện (thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu...), các đập thủy điện này có chức năng điều tiết lưu lượng nước trên sông Hồng, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng (đoạn qua địa bàn TP Hà Nội). Mặt khác, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như định hướng Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang triển khai nghiên cứu, trong tương lai TP Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng tuyến đường chạy ven sông, tuyến đường này sẽ tham gia hỗ trợ phòng chống lũ cho tuyến đê hữu Hồng hiện trạng. Do vậy, tuyến đê hiện trạng có thể xem xét hạ cao trình mặt đê đất để phục vụ giao thông cho thành phố.
Công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên là một trong những công trình giao thông cấp bách, trọng điểm có vai trò giảm ùn tắc giao thông của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù tại Văn bản số 573/TTg-KTN ngày 5/4/2016. Vì vậy, UBND TP Hà Nội cần phải tập trung triển khai đầu tư và sớm đưa vào khai thác sừ dụng, dự kiến tiến độ thực hiện trong quý I/2017.
Với các lý do nêu trên, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến thống nhất với phương án hạ cốt đê đến cao độ dương 12,4m. Trong quá trình thực hiện, UBND TP Hà Nội sẽ chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của Bộ NN&PTNT để quản lý chặt chẽ chất lượng thi công các hạng mục liên quan đến đê điều đảm bảo tuyệt đối an toàn.