Xác định hạ tầng giao thông (HTGT) là một trong những đột phá chiến lược, yếu tố đi trước một bước để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QPAN). Quảng Bình đã triển khai đồng bộ các biện pháp đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Nhờ đó, sau 27 năm tái lập tỉnh, HTGT Quảng Bình đã có những bước tiến vượt bậc, ngày càng quy mô và hiện đại, không chỉ góp phần kết nối giao thương trong tỉnh mà còn trở thành những “cánh tay” nối dài tới các địa phương khác trong cả nước.
Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện nay.
Quảng Bình có vị trí thuận tiện, hội đủ các yếu tố về giao thông đường bộ, có QL1A, đường Hồ Chí Minh, QL12A nối Cảng Hòn La với các tỉnh của Lào, Thái Lan; có đường sắt, đường thủy, sân bay Đồng Hới, cảng biển Hòn La... Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhiều công trình lớn, mang tính kết nối cao, phục vụ cho các chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng; hệ thống giao thông trên địa bàn toàn tỉnh đã kết nối tương đối liên hoàn, bao gồm đủ cả 5 loại hình đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa; kết nối Quảng Bình với cả nước và các nước trong khu vực, góp phần đắc lực vào sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh nhà.
Theo Sở KH&ĐT, tính đến thời điểm này Quảng Bình đã hoàn thành các dự án hạ tầng, giao thông quan trọng như mở rộng QL1A đoạn đi qua tỉnh, mở rộng nâng cấp đoạn Minh Cầm - Đồng Lê, QL12A, cải tạo nâng cấp đoạn Khe Ve - Cha Lo… Cùng với việc nâng cấp xây dựng tuyến QL12A, Dự án nâng cấp xây dựng cảng Hòn La giai đoạn 2 cũng đang được triển khai các thủ tục đầu tư (tổng vốn khoảng 1.200 tỷ đồng). Dự kiến trong tương lai, cảng Hòn La sẽ trở thành cảng biển tổng hợp, có khả năng đón các loại tàu công suất từ 30 - 50 nghìn tấn, sẽ góp phần tạo điều kiện cho giao thương buôn bán giữa tỉnh Quảng Bình và các nước bạn Lào, Thái Lan, được diễn ra thông suốt.
Trong định hướng chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng GTVT Quảng Bình trong thời gian tới, tỉnh xác định: Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ phải được đưa vào đúng cấp kỹ thuật; mở rộng và nâng cấp QL12A, QL9B; hoàn thành cầu Nhật Lệ 2, đầu tư xây dựng đường nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện khai thác quỹ đất phía Đông Nam TP Đồng Hới, kết nối cửa ngõ Tây Nam TP ra biển, phát triển đô thị, du lịch biển; đầu tư cầu và đường nối phía Bắc huyện Quảng Trạch với xã Xuân Trạch huyện Bố Trạch đến VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, tạo điều kiện liên kết các khu du lịch trọng điểm của tỉnh; xây dựng, nâng cấp một số trục đường chính có ý nghĩa chiến lược về phát triển TP Đồng Hới theo quy hoạch được duyệt, cải tạo các nút giao thông lớn nội thành để bảo đảm mỹ quan đô thị, hạn chế tai nạn giao thông; nâng cao tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn toàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 có tối thiểu 50% số xã trên địa bàn toàn tỉnh hoàn thành tiêu chí 2 về nông thôn mới; xây dựng hệ thống cầu dân sinh với mục tiêu đến năm 2020 giải quyết cơ bản không còn tình trạng thôn bản cô lập về giao thông do chưa có cầu.
Đầu tư xây dựng hoàn thành Cảng Hòn La để nâng cao năng lực thông qua đạt công suất 9,5 triệu tấn hàng hóa/năm, gồm cảng tổng hợp giai đoạn 2 và tiếp nhận các tàu cỡ lớn 30 - 50 nghìn DWT, khu trung chuyển cho tàu 70 - 100 nghìn DWT và các cảng chuyên dùng xăng dầu, xi măng, than theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường năng lực thông qua cảng Gianh đạt 300 - 400 nghìn tấn hàng hóa/ năm, cho phép tàu 2.000 DWT ra vào. Phối hợp với TCty Đường sắt Việt Nam cải tạo, nâng cấp 7/19 nhà ga ở các vùng đông dân cư; xây dựng các trạm cảnh báo trên các tuyến đường ngang giao cắt với đường sắt, từng bước xây dựng cầu vượt đường sắt tại các điểm giao cắt với các trục giao thông chính. Tiếp tục nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới để nâng cao năng lực vận tải bằng đường hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện để mở mới các tuyến bay nội địa và quốc tế đến Quảng Bình.
Tàu vào giao nhận hàng ở cảng biển Hòn La.
Thời gian qua, mặc dù CSHT tỉnh Quảng Bình tuy đã có bước phát triển, tỷ trọng vốn đầu tư phát triển các công trình hạ tầng giao thông liên tục tăng lên, tuy vậy so với yêu cầu chung, sự phát triển của hệ thống giao thông chưa tạo được bước đột phá cho nền kinh tế. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, đầu tư công thắt chặt, Quảng Bình xác định huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư vẫn là giải pháp quan trọng trong phát triển HTGT, nhằm tạo động lực thu hút các nhà đầu tư lớn vào tỉnh. Cụ thể, đã thực hiện phân khai ngân sách, dành vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường nội thị; tranh thủ nguồn lực từ các nhà đầu tư trên địa bàn để cải tạo, mở rộng một số tuyến đường trung tâm. Bên cạnh đó là tích cực vận động, tuyên truyền để nhận được sự vào cuộc từ phía người dân trong công tác GPMB mở rộng các tuyến đường, tăng cường công tác quản lý đô thị. Tăng cường thực hiện công tác xã hội hóa việc xây dựng cảng biển, bến thủy nội địa, nạo vét nâng cấp các tuyến sông để nâng cao năng lực khai thác.