Giải phóng mặt bằng (GPMB) là giải pháp đầu tiên để thu hút đầu tư nhanh hơn và để thúc đẩy các dự án vượt tiến độ, song đây là lĩnh vực phức tạp. Chính vì thế, tỉnh chủ trương thực hiện linh hoạt nhiều biện pháp để bảo đảm không có dự án nào bị khó khăn triển khai do vướng mặt bằng.
Thi công tỉnh lộ 487 đoạn qua địa phận xã Nam Tiến (Nam Trực)
Dự án xây dựng cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển của tỉnh, được Bộ GTVT phê duyệt ngày 25/2/2015 với tổng mức đầu tư hơn 1.158 tỷ đồng (trong đó vốn vay là 970 tỷ 176 triệu đồng). Tổng chiều dài tuyến và cầu Thịnh Long là 2,36km. Dự án xây dựng cầu và hoàn chỉnh hệ thống đường dẫn bao gồm hoàn chỉnh nút giao với Quốc lộ 21 theo quy hoạch đường dẫn phía Quốc lộ 21 đến cầu Thịnh Long và đường dẫn phía tỉnh lộ 490C đến điểm kết nối nhánh nút giao với tỉnh lộ 490C. Điểm đầu của dự án giao cắt với Quốc lộ 21 tại Km202+400 thuộc địa phận xã Hải Châu (Hải Hậu), điểm cuối giao cắt với tỉnh lộ 490C tại Km40+698,42 thuộc địa phận xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). Dự kiến dự án sẽ được khởi công xây dựng vào trung tuần tháng 8/2017.
Với tinh thần chủ động bàn giao sớm mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa công trình vào khai thác sử dụng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế, chính trị và xã hội của địa phương, Sở GTVT và các địa phương có dự án đi qua đã nỗ lực tập trung GPMB theo hướng bảo đảm cơ chế hỗ trợ, bồi thường theo quy định pháp luật và hướng đến lợi ích của nhân dân. Công tác GPMB ảnh hưởng đến 85 hộ dân thuộc địa phận hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng với tổng diện tích đất thu hồi là 62.288,8m2. Đây là dự án đầu tiên ở tỉnh đã hoàn tất bàn giao 100% mặt bằng sạch ngay khi chưa có nhà thầu xây lắp, tạo điều kiện thuận lợi cao cho quá trình triển khai dự án. Ngay từ tháng 6/2016, Hội đồng GPMB huyện Nghĩa Hưng đã chi trả xong tiền hỗ trợ GPMB cho 26 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất thu hồi là 16.292,7m2. Diện tích được bồi thường hỗ trợ GPMB là 13.999,7m2; tổng số kinh phí bồi thường hỗ trợ GPMB là 2 tỷ 265 triệu 688 nghìn đồng. Đến tháng 12/2016, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Hải Hậu đã tổ chức chi trả xong cho 59 hộ bị ảnh hưởng của xã Hải Châu (trong đó có 58 hộ gia đình cá nhân, 1 hộ đất UBND xã quản lý). Tổng diện tích GPMB là 45.996,1m2; tổng kinh phí GPMB là 20 tỷ 253 triệu 229 nghìn đồng. Bên cạnh đó, với tinh thần chủ động tiết kiệm, đảm bảo lập phương án, tính đúng và đủ nên tổng kinh phí tỉnh phải chi trả cho công tác GPMB của dự án xây dựng cầu Thịnh Long chỉ có 22,519 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Theo lãnh đạo Sở GTVT, qua triển khai thành công công tác GPMB trong dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Đó là từ chủ trương đúng, huy động cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cùng toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc. Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh được phân công chỉ đạo, điều hành GPMB nêu cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, bám sát và chỉ đạo công việc một cách quyết liệt. Đội ngũ cán bộ làm công tác GPMB được lựa chọn là người có năng lực, am hiểu quy định pháp luật, công tâm, vận dụng phù hợp các chủ trương, chính sách Nhà nước để đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân, nghiên cứu kỹ cơ chế chính sách. Nguồn gốc đất đai cần được điều tra làm rõ, xác định đúng và hết sức dân chủ và đúng pháp luật. Bên cạnh đó, về chính sách bồi thường, hỗ trợ cần làm đúng quy định pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch các khoản đền bù, hỗ trợ, xuống tận từng hộ dân. Trả đúng, đủ, kịp thời các khoản đền bù, hỗ trợ, tạo sự đồng thuận của người dân.
Tinh thần chỉ đạo này cũng đã được quán triệt thực hiện ở các huyện, thành phố có dự án đầu tư trọng điểm, đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ GPMB. Trong số các hạng mục điều chỉnh, bổ sung dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 487, đường tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh quốc phòng do UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh tại Công văn số 321/UBND-VP5 ngày 22/5/2017, các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng có địa phận đường nhánh được bổ sung nâng cấp. Cụ thể: đường từ Km20+909 (cống Minh Châu) xã Nghĩa Thịnh đến đê tả Đào (Nghĩa Hưng) với chiều dài 0,8km, quy mô đường cấp V đồng bằng. Tuyến đường Bình Sơn (Nam Trực) dài khoảng 3,1km qua các xã Bình Minh, Đồng Sơn, quy mô đường các xã Bình Minh, Đồng Sơn quy mô đường cấp V đồng bằng. Mặt đường láng nhựa, có thiết kế rãnh nước dọc qua các khu dân cư. Tuyến đường Đồng Sơn - Nghĩa Đồng (1,6km) quy mô đường cấp V đồng bằng qua xã Đồng Sơn (Nam Trực) dài 1km, qua xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) dài 0,6km. Mặt đường láng nhựa, có rãnh thoát nước dọc qua khu dân cư. Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng, các huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, giải quyết vướng mắc, kiên trì thuyết phục các cá nhân, tổ chức chây ỳ, làm trái quy định để sớm hoàn tất công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Thực hiện dự án xây dựng khu đô thị trung tâm theo quy hoạch của tỉnh, dự án khu đô thị Trung tâm Nam Giang huyện Nam Trực cần hỗ trợ, bồi thường cho 365 hộ có đất bị ảnh hưởng, diện tích cần thu hồi là 88.289,5m2, số tiền bồi thường theo phương án là trên 21, 508 tỷ đồng. Tuy nhiên, ban đầu số lượng hộ dân đồng thuận, chấp nhận phương án bồi thường rất ít. Trước thực trạng đó, Thường trực Huyện ủy đã thống nhất quan điểm: Công tác GPMB dự án khu đô thị Thị trấn Nam Giang là nhiệm vụ trọng tâm của huyện năm 2017, đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nên UBND huyện cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nhân lực, các điều kiện khác để hoàn thành, đảm bảo theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện về nhiệm vụ công tác năm 2017. Theo đó, UBND huyện đã kiện toàn tổ công tác chuyên trách giúp Hội đồng GPMB dự án, có nhiệm vụ phối hợp với UBND thị trấn, các cơ quan liên quan giúp Hội đồng GPMB khu đô thị tập trung phân loại chi tiết các hộ có đất bị thu hồi về vị trí trên bản đồ, đặc điểm nhân thân chủ sở hữu để có phương án vận động, thuyết phục. Xây dựng phương án GPMB cụ thể và tổ chức thực hiện đảm bảo theo nguyên tắc: hộ thuận lợi làm trước; liền mảnh theo 6 khu vực (phân chia theo dọc đường Vàng B và chiều sâu khu vực dự án). Tổ công tác còn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở và các ngành liên quan giải quyết những vấn đề cụ thể theo kế hoạch; thường xuyên phản ánh cho Hội đồng GPMB khu đô thị, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện về tình hình GPMB để kịp thời chỉ đạo. Định kỳ 2 tuần một lần, Thường trực Huyện ủy nghe tổ công tác và Hội đồng GPMB khu đô thị báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ. Nhờ kiên trì, nỗ lực từng bước tháo gỡ khó khăn, đến hết tháng 6/2017, đã có 188/365 hộ dân có đất bị thu hồi đã ký nhận phương án bồi thường.
Chủ động, đổi mới phương pháp, nỗ lực thực hiện những bước đi, cách làm phù hợp trong chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB là tiền đề giúp những công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.