Chiều 21/8, Sở GTVT Quảng Ngãi đã tổ chức làm việc với doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách trên tuyến thủy nội địa này và UBND huyện Lý Sơn để bàn giải pháp giảm giá giá vé phù hợp cho người dân trên đảo.
Tại buổi làm việc, hầu hết các các doanh nghiệp cho rằng, việc tăng giá vé là do chất lượng dịch vụ tăng lên, giá xăng dầu tăng và các khoản tiền lương, bến bãi cũng tăng và số lượng hành khách không đảm bảo, nên có khi chạy không.
Ông Trần Đình Xiêm- Chủ tàu khách cao tốc Viễn Đông cho rằng, mức đầu tư của doanh nghiệp cho tàu cao tốc này khá cao. Ngoài ra, mỗi năm tàu còn đóng bảo hiểm con người cho hành khách và thuyền viên không dưới 130 triệu đồng. Nếu giá vé thấp thì sẽ không đủ chi phí trả lương cho thuyền trưởng, máy trưởng, vay ngân hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đồng ý giảm giá vé cho người dân trên đảo, cán bộ viên chức cũng như lực lượng vũ trang đang công tác trên đảo, với mức 15.000 đồng/vé.
Còn ông Bùi Văn Đạt- Chủ tàu cao tốc Hoàng Sa cho rằng, nếu so giá vé tàu cao tốc tuyến Sa Kỳ- Lý Sơn với giá vé các tuyến thủy nội địa trong khu vực thì mình vẫn còn thấp hơn nhiều. Thời gian qua, chưa có du khách nào phản ánh giá vé tàu cao mà chỉ có người dân của huyện phản ánh, vì vậy, để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đồng ý giảm giá vé tàu cho người dân 15.000 đồng/vé.
Khách đi tàu cáo tốc Sa Kỳ-Lý Sơn
Trong khi đó, ông Lê Văn Lương - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, số lượng tàu cao tốc tăng quá nhiều dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Nếu tính trung bình, từ đầu năm đến nay, mỗi ngày có 1.300 hành khách đi lại trên tuyến, trong khi công suất của 11 tàu hiện nay sẽ vận chuyển hơn 1.500 hành khách (dư 200 ghế).
Ông Lương cũng lưu ý, việc giảm giá vé cho người dân Lý Sơn cũng như cán bộ đang công tác trên huyện đảo mà không giảm vé cho du khách sẽ xảy ra tình trạng nhiều nhiều chủ nhà nghỉ, khách sạn… “mượn” chứng minh thư của người dân đảo để mua vé rồi lấy tiền chênh lệch của khách, điều này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý.
Còn bà Phạm Thị Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho rằng, từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nội địa Sa Kỳ - Lý Sơn đã 4 lần điều chỉnh tăng giá. Từ 90.000 đồng/lượt thì nay tăng lên từ 120.000 đồng đến 135.000 đồng (tàu Lý Sơn và tàu Biển Đông),
Với mức giá vé như hiện tại là quá cao so với nhu cầu đi lại của hành khách, nhất là đối với cho bà con nhân dân huyện đảo Lý Sơn và cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn huyện khi đi lại trên tuyến này. Trong khi đó, các tàu khách vẫn chưa nâng cao chất lượng và dịch vụ phục vụ hành khách. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu xăng dầu vẫn giữ ở mức ổn định.
Bà Hương cũng cho biết, nếu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đồng ý giảm giá vé cho bà con nhân dân trên huyện đảo cũng như cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang... thì huyện sẽ có thông báo rộng rãi cho nhân dân trong huyện và yêu cầu các hộ kinh doanh nhà nghỉ, dịch vụ du lịch cam kết không lợi dụng giảm giá vé này để trục lợi, nếu phát hiện sẽ thu giấy phép hoạt động.
Quang cảnh tại buổi làm việc của Sở GTVT Quảng Ngãi với
các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và UBND huyện Lý Sơn
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Đỗ Tiến Đạt cho rằng những năm trước đây, việc đi lại Lý Sơn rất khó khăn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư phương tiện, nhờ vậy đã đáp ứng được nhu cầu đi lại cho người dân, nhất là khách du lịch, góp phần phát triển KT-XH của Lý Sơn và của tỉnh Quảng Ngãi.
Việc giảm giá vé cho người dân, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang trên huyện đảo là cần thiết. Tùy theo tình hình kinh doanh cũng như chất lượng của từng tàu mà giảm cho phù hợp, tuy nhiên không phải giảm giá vé mà chất lượng phục vụ giảm theo, mà các chủ tàu cần phải nâng cao chất lượng hơn nữa.
Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi cũng yêu cầu, chậm nhất là thứ 5 (ngày 24/8) các doanh nghiệp sẽ thực hiện giảm giá vé, từ 15.000 đồn đến 20.0000 đồng/lượt. Việc giảm giá vé sẽ được niêm yết thông báo ngay 2 cầu cảng và các cơ sở lưu trú.