10 năm qua, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy được thực hiện tương đối nghiêm túc.
Việc đội MBH đã trở thành thói quen của hầu hết người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, nhất là ở khu vực đô thị.
Hình thành thói quen
Nhà ở gần cây xăng ngã ba thị trấn Gia Lộc, sáng hằng ngày, ông Phạm Văn Lũy đều chở 2 cháu nội đến trường tiểu học và trường mầm non. Mặc dù khoảng cách chỉ vài trăm mét, song đội MBH, cài quai cẩn thận đã trở thành thói quen không thể thiếu của 3 ông cháu.
Theo ông Lũy, có những hôm do vội ông quên không lấy MBH là các cháu nhắc ngay. Để không quên đội mũ, ông Lũy luôn treo 3 chiếc MBH trên xe. Ông Lũy cho rằng: "Không may xảy ra va chạm hoặc tai nạn, nếu không đội MBH sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, không đội mũ, nếu bị cảnh sát giao thông dừng xe sẽ rất mất thời gian. Nếu không đội MBH, tôi thấy lạc lõng, thậm chí xấu hổ với những người khác". Ông Lũy rất mừng là hiện nay các cháu nhỏ đã có ý thức đội MBH. Khi được hỏi, các cháu đều cho biết được thầy cô nhắc nhở, hoặc thấy các bạn đội MBH nên cũng yêu cầu ông bà, bố mẹ đội mũ.
Công tác tuyên truyền bảo đảm TTATGT, trong đó có quy định đội mũ bảo hiểm
được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện
Khi bắt buộc phải đội MBH, một thời gian sau nhiều người "giật mình" khi nhớ lại những ngày không đội mũ đầy nguy hiểm đã qua. Ông Nguyễn Văn Lạc ở phố Nguyễn Trung Trực (TP Hải Dương) cho biết: "Trước đây tôi công tác ở Hà Nội, cứ cuối tuần là về với vợ con. Khi ấy rất ít người đội MBH, tôi thường để đầu trần hoặc đội mũ cối đi xe máy, nay nghĩ lại vẫn thấy rùng mình. Giờ đội MBH thành thói quen không thể thiếu mỗi khi dắt xe ra khỏi nhà". Theo ông Lạc, tất cả con cháu đều được ông bà nhắc nhở phải đội MBH khi ngồi lên xe máy. "Các con cháu tôi đều là cán bộ nhà nước nên càng phải thực hiện nghiêm. Đội MBH là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính mình, do đó không cần quy định thì cũng nên đội và cài quai cẩn thận", ông Lạc nói.
Từng nhiều năm làm việc tại Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, ông Vũ Đức Hạnh, Trưởng Phòng Pháp chế, an toàn (Sở Giao thông vận tải) cho rằng việc đội MBH hiện nay khá nền nếp, trở thành ý thức của người dân, là nét đẹp văn hóa giao thông. Mặc dù vậy, vẫn còn không ít người đi trên các tuyến đường ở khu vực nông thôn vẫn không đội MBH. Một số người đội mũ không cài quai, có MBH trên xe nhưng không đội hoặc chỉ đội để đối phó với cảnh sát giao thông. "Việc đội MBH đúng quy định thường diễn ra tại những nơi mà công tác tuyên truyền hoặc kiểm tra, xử lý được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhận thức của người dân về đội MBH đã tiến bộ, song vẫn đòi hỏi phải tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm những người vi phạm", ông Vũ Đức Hạnh nhấn mạnh.
Nỗ lực của cơ quan chức năng
Để việc đội MBH trở thành nền nếp, suốt những năm qua công tác tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý vi phạm luôn được Ban ATGT tỉnh, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan, trường học, doanh nghiệp... đã yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm quy định này. Một số cơ quan, đơn vị không cho người điều khiển mô tô không đội MBH vào cổng. Lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, trong đó có quy định bắt buộc đội MBH; hướng dẫn cách chọn MBH hợp quy tại các trường học, doanh nghiệp...
Theo ông Lê Quý Tiệp, thành viên Ban ATGT tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, có thể thấy việc nghiêm túc thực hiện quy định đội MBH là một bước tiến lớn trong bảo đảm ATGT. "Song song với quy định bắt buộc đội MBH thì việc kiểm soát chất lượng mũ cũng cần được các cấp, các ngành quan tâm. Cần xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng. Cơ quan chức năng cần liên tục kiểm tra, kiên quyết tiêu hủy MBH kém chất lượng. Nhà nước nên xem xét và coi sản xuất, kinh doanh MBH là một trong những ngành nghề có điều kiện", ông Tiệp nhấn mạnh.
Hiện nay, Ủy ban ATGT quốc gia đang yêu cầu các địa phương tự đánh giá 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH. Tại Hải Dương, quy định này đã được triển khai có hiệu quả song việc tuyên truyền, nhắc nhở vẫn cần tiếp tục được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm tốt việc thông báo về nơi công tác, cư trú của người vi phạm. Đặc biệt, người dân cần nhận thức đội MBH trước tiên là để tự bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân mỗi khi tham gia giao thông.