Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang thường xuyên xảy ra những đợt mưa lớn kéo dài, gây sạt, lở, lún, trượt nền, mặt nhiều tuyến đường, ảnh hưởng đến việc đi lại của các phương tiện tham gia giao thông; mưa lũ cũng làm mực nước các dòng sông, suối dâng cao, khiến tiến độ thi công các công trình trên địa bàn tỉnh, trong đó có cầu Yên Biên bị chậm.
Cầu Yên Biên được khởi công xây dựng từ đầu tháng 2/2017, dự kiến hoàn thành sau 120 ngày, tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước.
Công trình có tổng chiều dài 300m, trong đó phần cầu chính dài trên 117m, bề rộng cầu 15m, có 3 nhịp bằng dầm Super T 33,3m BTCT BUL lắp ghép. Cầu Yên Biên được xây dựng, hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn về kiến trúc cho thành phố Hà Giang, phát huy và nâng cao hiệu quả khai thác của Quốc lộ 34, góp phần vào hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh. Đồng thời, sẽ cùng với cầu Yên Biên I, Yên Biên II chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ điều tiết, giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Hà Giang.
Mực nước sông Lô lên cao nên chưa thể thi công các hạng mục dưới lòng sông
Theo dự kiến, cầu Yên Biên được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào dịp chào mừng Quốc khánh 2.9. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra mưa lớn kéo dài, mực nước sông Lô liên tục dâng cao nên ảnh hưởng lớn đến việc thi công, hiện khối lượng công việc mới chỉ đạt khoảng 60%. Ông Trần Ngọc Quý, Giám đốc điều hành dự án giữa liên doanh nhà thầu thi công gồm Công ty Cổ phần Cầu 14 và Công ty Cổ phần cơ giới xây dựng Thăng Long cho biết:
Năm nay mưa nhiều, lũ trên sông Lô về sớm, mực nước trong 4 tháng gần đây luôn cao hơn so với cao trình thiết kế, vì vậy đơn vị không thể thi công các hạng mục dưới lòng sông. Việc phải dừng thi công đã ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của nhân dân, công tác tổ chức các sự kiện của tỉnh, thành phố, gây thiệt hại lớn cho đơn vị, hàng chục nhân công nghỉ việc nhưng vẫn phải trả lương khoảng 300 triệu đồng/tháng, hàng loại máy móc, thiết bị thi công phải “đắp chiếu”.
Theo đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Giang, thời gian vừa qua, thời tiết không thuận lợi, dù rất cố gắng nhưng các nhà thầu cũng không thể thi công. Nhằm đảm bảo chất lượng công trình, đơn vị giám sát thi công của Nhật Bản cũng khuyến cáo, không nên triển khai các hạng mục khi các yếu tố về khách quan không đảm bảo. Hiện, Sở đang phối hợp với đơn vị thi công, đàm phán, xin gia hạn thời gian hoàn thành cầu và đưa vào sử dụng cuối năm 2017.
Theo dự báo, cũng như kinh nghiệm của người dân Thành phố Hà Giang, mực nước sông Lô sẽ giảm sau Rằm tháng Tám, hiện đơn vị đang chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc, nhân lực, sẵn sang thi công ngay khi có thể, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, mỹ thuật - ông Trần Ngọc Qúy khẳng định.