Thái Bình: Phát triển giao thông đường thủy

Thứ hai, 09/10/2017 13:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2020 giao thông đường thủy có thể đảm nhiệm vận chuyển từ 20 - 25% lượng hàng hóa, 5 - 10% lượng hành khách lưu thông trong toàn tỉnh.

Trong tương lai, hệ thống giao thông đường thủy sẽ kết nối với các phương thức vận tải khác góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Phát triển giao thông đường thủy sẽ giảm tải vận chuyển hàng hóa cho đường bộ,
góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng và giảm thiểu ùn tắc giao thông

Những năm qua, cùng với hệ thống giao thông đường bộ, phát triển giao thông đường thủy tại Thái Bình là một trong những định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thái Bình hiện có 4 sông lớn, thuộc hệ thống đường thủy nội địa quốc gia chảy qua với tổng chiều dài 236km, có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy mà ít địa phương khác có được. Tuy nhiên, giao thông đường thủy chưa phát huy được lợi thế hiện có nên việc phát triển mạng lưới giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn.

Ngoài vận tải đường biển, hầu hết các phương tiện vận tải đường sông chỉ vận chuyển vật liệu xây dựng và chất đốt. Nhiều tuyến đường sông nội địa chưa được nâng cấp và bảo trì thường xuyên nên hoạt động giao thông đường thủy nội địa phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như mùa mưa và thủy triều dâng...

Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.000 phương tiện vận tải thủy nội địa với tổng công suất 132.000CV. Hiện nay, cảng Diêm Điền (Thái Thụy) đã được đầu tư xây dựng cho phép tàu 250 tấn ra vào bốc dỡ hàng thường xuyên, tối đa cho phép tàu 600 tấn theo con nước; cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy) và cảng cá Nam Thịnh (Tiền Hải) đang khai thác với các phương tiện vận tải trên dưới 200 tấn; cảng thành phố Thái Bình là cảng hàng hóa, cho phép tàu, thuyền khoảng 300 tấn có thể ra vào. Một số bến hàng hóa nhỏ như bến Hiệp, bến cống Vực, bến Trà Lý, bến Thái Phúc…

Vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa chủ yếu là hoạt động của các bến phà và bến đò. Trên địa bàn tỉnh hiện còn 3 bến phà và 84 bến khách ngang sông, trong đó có một số bến sử dụng phà một lưỡi có thể chuyên chở xe con và xe tải dưới 2,5 tấn. Ngoài ra còn có trên 200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải biển, trong đó 160 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp vận tải biển trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ. Thị trường vận chuyển từ miền Bắc vào các tỉnh miền Nam, chủ yếu là than, xi măng, sắt, phân đạm… Tuy còn nhiều khó khăn nhưng vận tải đường thủy nội địa và đường biển đã được xã hội hóa, các thành phần kinh tế phát triển mạnh, đặc biệt vận tải biển trong tỉnh và trong khu vực. Bước đầu phát huy được thế mạnh là loại hình vận tải với khối lượng lớn, an toàn, ít gây ô nhiễm môi trường.

Dự báo trong những năm tới nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển từ Thái Bình đi có xu hướng tăng. Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Khi Trung tâm điện lực Thái Bình đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ có khoảng 200.000 tấn Amon Nitrat, 5,8 triệu tấn than và 3 triệu tấn xỉ than cần vận chuyển.

Đến nay, Sở Giao thông vận tải đã hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, giao thông đường thủy sẽ được đầu tư xây dựng và phát triển, có thể đảm nhiệm chuyên chở từ 20 - 25% lượng hàng hóa, từ 5 - 10% lượng hành khách lưu thông trong toàn tỉnh, trong đó vận tải đường thủy nội địa được xác định đảm nhiệm vận chuyển 50% lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường thủy.

Thời gian tới, Thái Bình sẽ tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải trên phạm vi toàn tỉnh và trong khu vực.

 

kimcuc

Nguồn: Báo Thái Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)