Đối với nhiều người dân, khi những cây cầu chưa thể thay thế những bến đò ngang, thì việc lựa chọn đi đò vẫn là phương án tối ưu. Vì vậy, để những chuyến đò ngang qua sông cập bến an toàn cần sự nỗ lực từ nhiều phía.
Những nỗ lực vì bình yên sông nước
Hiện toàn tỉnh có 39 bến đò ngang với 52 phương tiện chở khách, hàng hóa. Để đảm bảo an toàn cho các bến khách ngang sông, thời gian qua, lực lượng chức năng và những người chủ đò đã triển khai nhiều giải pháp, qua đó tạo bước chuyển tích cực trong ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông (ATGT) đường thủy.
Trung tá Đinh Đức Minh, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình) cho biết: Hàng năm, Đội CSGT đường thủy đã chủ động tham mưu với cấp trên và ngành chức năng triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo ATGT đường thủy. Trong quá trình thực hiện, các cán bộ, chiến sĩ của Đội luôn coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền gắn với thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Đội cũng đã tích cực tuần tra, kiểm soát các bến khách ngang sông, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung cũng như Luật ATGT đường thủy nói riêng. Đặc biệt, năm 2014, ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ban ATGT tỉnh Ninh Bình xây dựng mô hình “Bến khách ngang sông văn hóa, an toàn và phòng, chống đuối nước trẻ em” tại bến đò Mười. Qua 3 năm triển khai, đến nay mô hình bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần từng bước hình thành thói quen ứng xử có văn hóa, văn minh lịch sự, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của mọi người khi đi lại bằng đò ngang.
Điều đáng phấn khởi là trong những năm gần đây, ý thức chấp hành pháp luật của đa số chủ đò được nâng lên, nhiều chủ bến đò cũng đã có những phương án để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của hành khách. Ông Phạm Văn Bổng, chủ bến đò Mười cho biết: Được triển khai thí điểm mô hình “Bến khách ngang sông văn hóa, an toàn và phòng, chống đuối nước trẻ em”, tôi và những người lái đò ở bến đò Mười rất vui. Sau khi đưa mô hình vào hoạt động, các chủ đò ở 2 địa phương (xã Nghĩa Sơn và xã Khánh Thành) đã xây dựng phương án phối hợp chặt chẽ trong việc chở khách, không còn tình trạng thu phí lộn xộn giữa những chủ đò. Chính quyền 2 xã Khánh Thành và Nghĩa Sơn cũng đã có nhiều biện pháp phối hợp nhằm đảm bảo an ninh, trật tự tại 2 đầu bến đò.
Cũng theo ông Bổng, từ ngày đò Mười được ngành chức năng cho phép dùng phà 1 lưỡi để chở khách sang sông, ông và các chủ đò đã đầu tư mua 2 chiếc phà 1 lưỡi nhằm thay phiên nhau chở khách. Ngoài ra, khi không chở khách thì phà còn lại có nhiệm vụ túc trực ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Hiện nay, đường lên xuống của bến đò Mười đã được đổ bê tông rộng rãi, đảm bảo cho hành khách và các phương tiện như ô tô, xe máy... có thể sang sông một cách thuận tiện, an toàn. “Từ ngày bến đò Mười được đầu tư mở rộng, phương tiện được nâng cấp, hành khách chỉ mất 5 phút là đã sang được Nghĩa Hưng, thay vì phải đi một chặng đường dài 15 km như trước đây mà lại an toàn hơn rất nhiều”- ông Bổng khẳng định.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo các quy định của pháp luật về ATGT như: Hệ thống đường dẫn lên xuống đò được đổ bê tông, cứng hóa, giúp cho hành khách lên xuống an toàn, thuận tiện; một số bến còn bố trí nhà chờ cho hành khách, thực hiện niêm yết nội quy, giá vé theo quy định; đa số các đò được gắn máy, người lái phương tiện có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định... Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ bến, chủ đò chưa chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh, qua kiểm tra phát hiện và đình chỉ 3 bến đò ngang sông do đã hết hạn giấy phép hoạt động hoặc không đủ điều kiện an toàn cho khách đi đò.
Có một thực tế là mặc dù các phương tiện chở khách ở các bến đò ngang sông đã được trang bị các thiết bị an toàn như áo phao, vật dụng nổi... nhưng chuyện mặc áo phao đối với hành khách dường như là một việc xa vời. Tại bến đò Chấn Hưng, chúng tôi đã có hành trình cùng ông Hiếu chủ đò đón học sinh Trường THPT Gia Viễn C khi các em vừa tan trường, lên đò để quá giang về nhà. Thấy đồng nghiệp của tôi giơ máy ảnh lên chụp, các em vui vẻ mặc áo phao. Nhưng khi phóng viên thôi tác nghiệp thì các em lại vội vàng gỡ bỏ áo phao. Tôi hỏi: Vì sao các em không dùng áo phao đến hết hành trình? Đám học trò nhìn nhau rồi cười hóm hỉnh, một em nam trong nhóm trả lời: Mặc áo phao nóng lắm, mà áo lại bẩn nên mặc vào áo trắng sẽ bị bẩn. Vả lại chỉ mất 3 phút ngồi trên đò thôi nên vừa mặc xong áo phao đã phải tháo ra, rất mất thời gian. Hơn nữa ở đây chúng em đều biết bơi cả, nên không lo...
Ông Trần Văn Hiếu, chủ đò Chấn Hưng nhìn chúng tôi ánh mắt đầy ái ngại, phân trần: Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở nhưng tính cách của các học trò đang ở tuổi mới lớn ngang ngạnh lắm, bọn chúng không chịu mặc áo phao đâu. Thậm chí, nhắc nhiều quá thì chúng “nổi đóa”, đôi khi ra giữa dòng còn cố làm cho thuyền chòng chành khó lái.... Nhắc nhở nhiều lần mà không ai mặc nên tôi cũng đành chịu...
Chúng tôi cũng đã “mục sở thị” tại một số bến đò ngang trên sông Đáy như bến đò Tam Tòa, đò Mười, đò Quỹ Nhất... Đây là những bến đò lớn, nối các xã của huyện Yên Khánh, Kim Sơn với các xã của huyện Nghĩa Hưng. Tại các bến đò này hàng ngày có hàng trăm lượt người, phương tiện qua lại, song điều đáng chú ý là tình trạng hành khách “phớt lờ” quy định mặc áo phao diễn ra khá phổ biến.
Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Trung tá Đinh Đức Minh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, phối hợp quản lý hoạt động của các bến đò ngang sông hiện còn nhiều khó khăn, trong khi đó ý thức người tham gia giao thông đường thủy vẫn còn hạn chế. Mặt khác, mặc dù Nghị định 132 của Chính phủ quy định bắt đầu từ ngày 1/7/2016 xử phạt hành chính đối với tất cả hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông không mặc áo phao... nhưng trên thực tế, khi thấy Đội CSGT đường thủy hay ngành chức năng đến kiểm tra thì họ lại chấp hành nghiêm, do đó đến nay Đội vẫn chưa xử phạt được trường hợp nào. Khắc phục tình trạng này, thời gian tới Đội CSGT đường thủy tích cực phối hợp với Ban An toàn giao thông các huyện và các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát tại bến đò trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.
Như vậy có thể thấy, để cho những chuyến đò ngang an vui vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ bến đò, người tham gia giao thông chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật phải được coi trọng. Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, những người lái đò, chủ đò thì hành khách đi đò cũng cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm Luật An toàn giao thông đường thủy. Đồng thời cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các chủ đò đầu tư nâng cấp bến đò, phương tiện chở khách. Quá trình thực hiện không khoán trắng cho ngành chức năng như công an và giao thông vận tải mà cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa, thể hiện vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở địa phương trong việc bảo đảm an toàn giao thông nói chung, an toàn giao thông đường thủy nói riêng. Cùng với đó, những mô hình bến đò ngang an toàn, những tấm gương điển hình cũng cần được duy trì, nhân rộng và biểu dương kịp thời, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần đem lại bình yên sông nước.