Ngày 31/10, diễn ra Lễ khởi công xây 6 trong tổng số 49 cầu dân sinh trị giá 103 tỷ đồng tại Yên Bái.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ động thổ các cây cầu dân sinh trên địa bàn Yên Bái
Ngày 31/10, Ban QLDA 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) và UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng các cầu dân sinh (Lramp) trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Lễ động thổ được tổ chức tại vị trí xây cầu thôn Mười, thuộc xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Theo ông Lê Quang Tuấn, Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ Yên Bái, dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (dự án Lramp) được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 2/3/2016 nhằm xây dựng các cầu dân sinh có tính cấp thiết trên các tuyến đường giao thông nông thôn tại địa bàn các tỉnh miền núi, dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo ATGT, tăng cường giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo của các vùng đặc biệt khó khăn.
Hợp phần xây dựng cầu dân sinh của dự án Lramp được thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, dự kiến với 2.174 cây cầu có tổng số vốn đầu tư phân bổ là 5.525 tỷ đồng, trong đó Yên Bái được phân bổ 103 tỷ để xây dựng 49 cây cầu dân sinh.
Tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Đức, đại diện Ban QLDA 3 cho biết, dự án động thổ ngày hôm nay là dự án thành phần 3 gồm 6 cầu: Cầu Đồng Song, Thôn Mười, Ba Khe 2, Thôn Tính, Thôn Bản Hán, Khe Mô thuộc hai huyện Văn Chấn và Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Quy mô các cầu là cầu cứng có tuổi thọ 50 năm, có mặt cắt ngang từ 3,5m, tải trọng thiết kế từ 0,45 HL93 và chiều dài đường nối hai đầu cầu từ 50-100m.
Thay mặt chủ đầu tư, ông Đức đề nghị các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA 3, chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thi công và khẩn trương thi công đạt chất lượng, đúng tiến độ.
Thay mặt liên doanh các nhà thầu, ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng cầu Yên Bái cam kết ngay sau lễ động thổ, sẽ khẩn trương huy động vật tư, thiết bị và nhân lực đến hiện trường để triển khai thi công ngay các cầu của gói thầu đảm bảo chất lượng, rút ngắn tiến độ của dự án theo kế hoạch là 7 tháng xuống 6 tháng, để công trình đạt chất lượng cao nhất phục vụ nhân dân.
Chung tâm trạng phấn khởi với người dân nơi đây vì cây cầu mơ ước ngàn đời sắp thành hiện thực, ông Trần Văn Dĩnh, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết, vị trí sắp xây cây cầu Thôn Mười hiện chỉ có một cây cầu tạm bợ được nhân dân góp công sức, vật liệu làm nên. Do cầu chỉ là tre, gỗ bắc qua, không có lan can, xe ô tô không thể đi qua, nên vào mùa mưa lũ, nước dâng ngập những cây cầu dân tự làm, cuốn phăng mặt cầu và thậm chí cả trụ cầu. Hết mưa lũ, dân lại góp sức tu sửa, cố làm lại cây cầu tạm bợ lấy đường đi, nhưng việc đi lại rất vất vả, mất ATGT.
"Nay cây cầu mơ ước bao đời đã thành hiện thực, 120 hộ dân bên kia sông và những hộ dân khác trên địa bàn sẽ đi lại thuận lợi, an toàn, phát triển KT-XH cho địa phương. Chúng tôi sẽ vận động nhân dân hai bên cầu đồng lòng hiến đất đai, hoa màu, cây cối để dự án được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ”, ông Dĩnh chia sẻ.