Năm 2017, TP.HCM ghi nhiều dấu ấn về đầu tư hạ tầng giao thông đô thị. Trong đó, có việc hoàn thiện nhiều công trình cấp thiết nhằm giải quyết các điểm nóng về ùn tắc.
Cầu vượt thép Trường Sơn hoàn thành trước 2 tháng
đã giúp giải tỏa ùn tắc trước cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
Nhiều công trình chống ùn tắc vượt tiến độ
Anh Hoàng Tuấn Anh, một tài xế taxi cho biết, trước đây mỗi lúc chở khách vào sân bay Tân Sơn Nhất là nỗi ám ảnh bởi nạn tắc đường. Sau khi TP.HCM thông xe cầu vượt Trường Sơn (7/2017) cửa ngõ vào sân bay đã thông thoáng. “Đi sân bay giờ bớt hồi hộp, mong rằng Tết này đường thông thoáng để đưa khách đi đúng giờ”, anh Tuấn Anh nói.
Cầu vượt có tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng được các nhà thầu tổ chức thi công xuyên Tết Đinh Dậu, hoàn thành chỉ sau 5 tháng thi công, vượt tiến độ 2 tháng. Cùng đó, cầu vượt tại nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn cũng đã kịp đưa vào sử dụng, giải tỏa ùn tắc tại nút giao trọng điểm này. Nhánh cầu thép Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh tại ngã sáu Gò Vấp cũng đã được hoàn thành cuối tháng 10/2017, góp phần giảm đến 80% ùn tắc.
Trong năm 2018, TP.HCM sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như: Kết nối đường vành đai 2, hoàn thành dự án chống ngập do triều cường, hoàn chỉnh nút giao thông Mỹ Thủy, cầu Thủ Thiêm 2, triển khai các dự án giảm ùn tắc giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất…
Trên tuyến giao thông huyến mạch Đại lộ Võ Văn Kiệt nối các huyện Bình Chánh, Bình Tân, Q.6 về trung tâm TP, 4 nhánh của hai cầu vượt Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Cừ cũng đã được hoàn thành trước 2 tháng so với kế hoạch. Ông Nguyễn Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, đơn vị quản lý khai thác tuyến đường Võ Văn Kiệt cho biết, với việc thông xe 4 nhánh cầu này giúp các phương tiện từ phía Tây lưu thông qua các quận 8, 4, 7 một cách thuận lợi, đồng thời, cũng giúp phương tiện từ quận 7, 8 hướng về quận 1 nhanh chóng.
“Trung tâm đang nghiên cứu mở một lối từ đường Võ Văn Kiệt sang đường Tôn Đức Thắng để giảm áp lực tại nút giao Võ Văn Kiệt - Ký Con”, ông Triết nói.
Ở hướng từ Đông sang Tây trên tuyến QL1, cầu vượt Gò Mây đã được thông xe từ tháng 5/2017, sớm hơn 3 tháng so với dự kiến. Nút giao thông Đại học Quốc gia trên xa lộ Hà Nội cũng đã kịp thông xe trước dịp cuối năm, góp phần khai thông cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố, đặc biệt là phục vụ vận tải dịp cuối năm.
Xây dựng giao thông thông minh hoàn chỉnh
Các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành theo đúng kế hoạch. Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được lắp ray cho đoạn trên cao qua quận Thủ Đức, quận 2, quận 9. Tại khu vực trung tâm, ở độ sâu hơn 17m dưới lòng đất, hệ thống máy khoan khủng TBM đã khoan xong 781m đường hầm phía Đông từ ga Ba Son, băng qua các đường: Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Năm, Nguyễn Siêu, Hai Bà Trưng, đi giữa Nhà hát TP và khách sạn Caravell băng qua đường Đồng Khởi đến ga Nhà hát TP; Đồng thời, lắp ghép xong 3.900 tấm vỏ hầm. Ngay sau đó, hệ thống khoan TBM đã được di chuyển về ga Ba Son để tiếp tục khoan hầm phía Tây.
“Mặc dù vẫn còn khó khăn về nguồn vốn, nhưng TP.HCM quyết tâm thực hiện các giải pháp để tháo gỡ nhằm đảm bảo tiến độ dự án”, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định.
Người dân TP.HCM giờ đây có thể đi làm bằng phương tiện đường thủy khi tuyến buýt sông số 1 Bạch Đằng - Linh Trung được khai trương cuối tháng 11/2017. Mặc dù còn nhiều hạn chế trong việc kết nối, tuy nhiên loại hình vận tải mới này đã thu hút sự quan tâm của người dân muốn đi tham quan, trải nghiệm. Tuyến tàu cao tốc từ Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu cũng được khai trương. Theo ông Khương Văn Mươi, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc Việt Nam, việc khai trương tuyến buýt sông đầu tiên không chỉ có ý nghĩa về giao thông mà sẽ giúp TP.HCM định hình lại quy hoạch kiến trúc cảnh quan hai bên sông Sài Gòn và các nhánh sông khác, từ đó khai thác tốt tiềm năng đường thủy với gần 1.000km hệ thống sông, kênh rạch.
Cùng với những giải pháp trước mắt, TP.HCM cũng hướng đến xây dựng một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, có sự kết nối, điều hành một cách nhịp nhàng bằng hệ thống giao thông thông minh. Đề án xây dựng đô thị thông minh, trong đó có giao thông thông minh đã được TP.HCM triển khai. Với lĩnh vực giao thông, nhiều hợp phần đã được triển khai từng bước như kết nối hơn 200 đèn tín hiệu giao thông quan trọng để nhân viên tại trung tâm quản lý giao thông có thể tự điều chỉnh đèn tín hiệu, điều tiết giao thông. Xây dựng phần mềm My Parking để người dân lựa chọn bãi đỗ xe, hệ thống thẻ xe buýt dùng chung cho tất cả các phương tiện công cộng… Giai đoạn từ nay đến năm 2020, sẽ xây dựng dữ liệu mở về giao thông và dự báo giao thông. Xây dựng kênh thông tin tương tác thời gian thực với người dân để nhận các tin báo, đóng góp, phản hồi về tình hình giao thông, các vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, các sự cố tai nạn…
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, ngành giao thông TP.HCM đang nỗ lực để từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông hiện đại, kết nối cả đường bộ, đường sắt, đường thủy nhằm giảm thiểu ùn tắc, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.