Trong những năm qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lâm Ðồng đã chỉ đạo, làm tốt công tác tham mưu chuyên ngành GTVT bằng nhiều giải pháp đột phá, góp phần cải thiện mạng lưới giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quốc lộ 20 qua địa bàn Đà Lạt được đầu tư nâng cấp giúp giao thông thuận lợi. Ảnh: H.Y
Nhiều điểm sáng
Trên cơ sở định hướng quy hoạch tổng thể phát triển GTVT của 11/12 địa phương đã hoàn thành quy hoạch phát triển GTVT và GTNT đến năm 2020, Sở GTVT cũng như các địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, tham mưu đề xuất UBND tỉnh, Bộ GTVT cân đối nguồn lực để tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng GTVT trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, từ nguồn lực của nhân dân tham gia trong đầu tư phát triển hạ tầng.
Qua đó, nhiều công trình lớn đã được đầu tư nâng cấp đưa vào khai thác như QL.20 (Dầu Giây- Bảo Lộc; QL.27 (đoạn Phi Nôm- Eo Gió); các tuyến đường tỉnh ĐT.721, ĐT.723, ĐT.725… tạo điều kiện kết nối giao thông thuận lợi giữa mạng lưới giao thông tỉnh Lâm Đồng với mạng lưới giao thông quốc gia. Hệ thống đường địa phương gồm đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường GTNT phát triển theo hướng nâng cao cứng hóa mặt đường làm thay đổi bộ mặt hạ tầng đô thị và nông thôn.
Trong đó, giai đoạn 2011-2015 tỉnh đã tập trung ưu tiên khoảng 2.366 tỷ đồng cho đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông để đầu tư khoảng 252 km đường tỉnh, đường đô thị và đường huyện. Giai đoạn 2015-2017, UBND tỉnh đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, Sở GTVT dự kiến tốt chức khởi công 9 công trình, dự án: xây dựng đường tỉnh ĐT.724, thông tuyến đường ĐT.721; xây dựng tuyến đường tránh phía Tây TP. Bảo Lộc; nâng cấp đoạn Lộc Bảo- Lộc Bắc và đoạn Con Ó- Đạ Tẻh thuộc tuyến ĐT.725; nâng cấp đường B’Sa- Đạ P’loa huyện Đạ Hoai; xây dựng đường gom cao tốc Liên Khương- Prenn; xây dựng cầu Ông Thiều; xây dựng đường ĐH.412- ĐH.413 huyện Đơn Dương; nút giao Phan Chu Trinh TP. Đà Lạt; xây dựng cầu Đạ Long huyện Đam Rông.
Ðường GTNT đã có nhiều chuyển biến đáng kể về chất lượng, tổng số km đường được đầu tư từ 2011- 2017 khoảng 2.609 km đường và 1.680 m cầu với tổng kinh phí 3.501 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 94/117 xã đạt tiêu chí về giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới, góp phần xây dựng 76 xã được công nhận là xã NTM…
Bên cạnh đó, Sở GTVT Lâm Đồng tranh thủ sự hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương để ưu tiên cân đối các nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt; phối hợp với Bộ GTVT, các Bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai hoàn thành các thủ tục để khởi công đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Dầu Giây- Liên Khương, phân đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng trước năm 2020; ưu tiên cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 27, 28B, 55. Tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường vành đai, đường giao thông đối nội, đối ngoại tỉnh; đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường phục vụ các khu công nghiệp, khu du lịch của tỉnh. Đề xuất Bộ GTVT nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E đáp ứng đủ tiêu chuẩn sân bay quốc tế…
Vẫn còn nhiều khó khăn
Lâm Đồng rất coi trọng công tác phát triển hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước”. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Các tuyến Quốc lộ 27, 27C, 28, 28B, 55 là những trục giao thông huyết mạch do được đầu tư đã lâu nhưng kinh phí cho hoạt động duy tu bảo dưỡng đường hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương dẫn đến công trình nhanh chóng xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT; các tuyến đường tỉnh như ĐT.721, ĐT.722 chỉ khai thác từng đoạn, nền mặt đường, cầu cống chưa đầu tư đồng bộ. Hệ thống các tuyến đường tỉnh được quy hoạch mới như ĐT.724, ĐT.727, ĐT.728, và ĐT.729 vẫn chưa được đầu tư nâng cấp; hệ thống các trục vành đai, tuyến tránh đô thị chưa tập trung ưu tiên đầu tư để khắc phục tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông tại các đo thị lớn; hệ thống đường địa phương bao gồm đường huyện, xã và GTNT nhìn chung chất lượng còn thấp, tỷ lệ cầu, cống mặt đường xây dựng kiên cố chưa cao, khu vực vùng sâu, vùng xa việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Bùi Sơn Điền, Phó Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, mặc dù đã chú trọng, ưu tiên các nguồn lực trong đầu tư phát triển giao thông, tuy nhiên vốn đầu tư xây dựng chưa đáp ứng đủ cho các mục tiêu đã đề ra; chưa thu hút nguồn vốn ODA và nguồn vốn khác như PPP, BOT, BT… để giảm áp lực đầu tư từ vốn ngân sách. Giữa các cấp, ngành và các địa phương cơ bản đã hoàn thành các quy hoạch trong đầu tư phát triển GTVT giai đoạn đến năm 2020, tuy nhiên việc thực hiện quy hoạch còn chậm do thiếu nguồn lực đầu tư; chưa tổ chức cắm mốc quản lý quy hoạch nói chung; việc triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng giao thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật như cấp nước, thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc chưa đồng bộ. Công tác phối kết hợp giữa các cấp, ngành và địa phương trong GPMB chưa cao, đặc biệt trong quản lý và thực hiện quy hoạch, giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình đầu tư.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Sở GTVT Lâm Đồng đang tiến hành lập điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh theo hương phù hợp với Quy hoạch phát triển TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên, quy hoạch phát triển vùng tỉnh Lâm Đồng… trong đó tiếp tục rà soát các dự án phát triển GTVT của tỉnh, sắp xếp thứ tự ưu tiên, giai đoạn đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư.tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách để thu hút mạnh các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư phát triển hạ tầng GTVT của tỉnh.