Ngày 4/4, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, sau 22 ngày (từ 9 - 31/3) công khai lấy ý kiến nhân dân về Quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), có 1.700 ý kiến đóng góp, trong đó 90% đồng thuận theo phương án được lấy ý kiến.
Phối cảnh cửa lên số 1 của ga ngầm C9
Cụ thể, trong tổng số 1.700 người dân tham gia góp ý, có 90% đồng tình, số người không đồng ý chỉ là 7% và 3% không có ý kiến. Người góp ý kiến phần lớn là du khách, chiếm 60% (trong đó có 195 khách quốc tế), 27% người địa phương, 13% là người từ địa phương khác đến Hà Nội làm việc.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, với tỷ lệ đồng thuận cao như trên, đơn vị sẽ tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cho ga ngầm C9 và trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm 2018. Nếu được Quốc hội thông qua, dự án có thể khởi công vào năm 2019.
Quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 được trưng bày, lấy ý kiến nhân dân
Được biết, tuyến đường sắt đô thị số 2, có chiều dài 11,5km (đi ngầm gần 9km) có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên Phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du). Tổng mức đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.
Theo quy hoạch tổng mặt bằng ga được trưng bày và lấy ý kiến nhân dân, nhà ga chính C9 được xây ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Hồ Gươm. Công trình dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10 m, tới tượng đài Cảm tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, đến Tháp Bút 36 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.
Ga có 4 cửa lên xuống. Cửa số 1 được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 nằm trong khu vực vườn hoa Hồ Gươm (khu vực nhà vệ sinh đối diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội); cửa lên xuống số 4 có hai phương án, một là nằm phía trước điểm thông tin và hỗ trợ khách du lịch (cửa hàng Hồ Gươm Audio - Video Hà Nội cũ) hoặc dịch chuyển vị trí ra phố Hàng Dầu để tránh xâm phạm vào vùng bảo vệ I của di tích đền Bà Kiệu.