Để đèo Lò Xo không còn những nỗi đau mang tên tai nạn

Thứ tư, 20/06/2018 14:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kể từ ngày thông tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đèo Lò Xo đoạn qua xã Đăk Pét và Đăk Man, huyện Đăk Glei liên tục xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hậu quả khiến nhiều người tử vong, nhiều người bị thương, nỗi đau chồng thêm nỗi đau. Nhận diện được nguyên nhân để có giải pháp căn cơ khắc phục kéo giảm tai nạn đang là yêu cầu khẩn thiết.

Một khúc cua xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trên đèo Lò Xo

Từ tai nạn đến…tai nạn

Do xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, 27km đèo Lò Xo, đoạn qua hai xã Đăk Pét, Đăk Man, huyện Đăk Glei từ lâu đã được cánh lái xe và người dân gọi kèm tên “đèo tử thần”.

Đã có ý kiến cho rằng, việc sử dụng cụm từ “điểm đen tai nạn” trên đèo Lò Xo không còn phù hợp. Giờ phải gọi là “tuyến đường đèo tai nạn” bởi trên cả đoạn đèo chỗ nào cũng là điểm đen tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.

Gần đây, lúc 2h15 ngày 16/6,  xe khách biển kiểm soát 34B- 002.69 của nhà xe Đức Chính do lái xe Vũ Văn Hồng (42 tuổi), trú huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương điều khiển đang trên hành trình từ Bắc vào Nam bất ngờ mất thắng đâm đổ hộ lan lao thẳng xuống vực từ độ cao khoảng 30m. Hậu quả vụ tai nạn khiến 3 người tử vong tại chỗ và 23 người bị thương.

Trước đó chưa lâu khoảng 2h30 sáng 1/3, xe khách biển kiểm 90B- 005.32 do lái xe Vũ Văn Huy (34 tuổi), trú tỉnh Hà Nam điều khiển cũng đang trên hành trình từ Bắc vào Nam bất ngờ mất lái lao thẳng xuống vực khiến 1 người tử vong tại chỗ và 19 hành khách bị thương.

Còn trước đó là hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đoạn đèo này. Đau xót, tang thương hơn cả là hành trình trở lại, rồi mãi mãi phải nằm lại chiến trường xưa ngay trong thời bình của 29 cựu chiến binh phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội cách đây 13 năm.

Nhận diện nguyên nhân tai nạn

Có khá nhiều điểm chung trong các vụ tai nạn giao thông  xảy ra trên đèo Lò Xo.

Điều đầu tiên cần lưu ý là các vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm từ khoảng 2h đến 4h sáng chiếm tỷ lệ cao. Đây là thời điểm mà sau một hành trình dài các lái xe đã rất mệt mỏi và buồn ngủ.

Sau những căng thẳng vì phải xử lý các tình huống trên đường, cung đèo Lò Xo thường vắng phương tiện lưu thông, đường lại khá đẹp nên lái xe dễ nảy sinh tâm lý chủ quan.

Lỗi điều khiển phương tiện cũng là nguyên nhân chung của nhiều vụ tai nạn.

Khác với hình dung, rằng có tên là đèo Lò Xo thì đường sá sẽ cực kỳ quanh co, khúc khuỷu. Ngược lại đèo Lò Xo không giống như những cung đường Tây Bắc. Đường đèo ở đây không quá nhiều điểm quanh co, độ dốc cũng không phải quá lớn.

Thế nhưng chính điều này kết hợp với độ dài tới 27km của đèo Lò Xo lại là  cái bẫy với những lái xe thiếu tỉnh táo đặc biệt là với lái xe lạ đường.

Khi lưu thông qua đèo, với tâm lý chủ quan lái xe vẫn để số lớn, duy trì tốc độ cao và đương nhiên phải lạm dụng phanh để xử lý. Đến lúc tình huống khẩn cấp thực sự cần phanh để giảm tốc độ xuống dốc, qua cua thì phanh đã mất tác dụng.

Trong tất cả các vụ tai nạn mà xe khách hoặc xe tải lao xuống vực, hệ thống hộ lan đều bị đâm đổ. Như vậy có thể thấy hệ thống hộ lan được thiết kế, xây dựng như hiện nay chỉ có tác dụng giảm bớt xung lực chứ không ngăn được phương tiện lao ra khỏi trục đường chính. Cùng với những nguyên nhân vừa nêu thì chất lượng phương tiện, tầm nhìn bị che khuất, một số khúc cua trên đèo chưa được mở rộng... cũng đều là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn.

Cần giải pháp căn cơ để kéo giảm tai nạn ở đèo Lò Xo

Để ngăn chặn tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo, thời gian qua Cục Quản lý đường bộ III, thuộc Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT, đơn vị trực tiếp quản lý tuyến đèo này đã xây dựng thêm một đường lánh nạn; bổ sung lắp đặt gương cầu lồi, hệ thống biển, bảng cảnh báo; thay thế hộ lan 1 tầng thành 2 tầng... Thế nhưng, hộ lan vẫn bị đâm đổ, xe vẫn lao xuống vực, đèo Lò Xo vẫn là nỗi ám ảnh với cả lái xe và hành khách.

Trước những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tục xảy ra trên đèo Lò Xo, ngày 17/6 vừa qua, Đoàn công tác của Ủy Ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT đã tiến hành khảo sát thực tế 27km đường đèo. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định: cần có một giải pháp căn cơ, tổng thể cho vấn đề an toàn giao thông trên đèo Lò Xo. Trong đó, phải chú ý tới việc mở rộng đường tại những khúc cua; xây dựng hệ thống hộ lan cứng, hộ lan mềm phù hợp với từng vị trí; nghiên cứu, có quy định bắt buộc đối với các lái xe, đặc biệt là lái xe khách về tốc độ và thời gian qua đèo...

Trước mắt để đảm bảo an toàn giao thông, Cục Quản lý đường bộ III tiếp tục xây dựng, bổ sung thêm hệ thống cọc tiêu, biển báo, hộ lan, điểm dừng nghỉ để lái xe thật thoải mái và có thời gian kiểm tra an toàn phương tiện phòng ngừa tai nạn xảy ra.

Rõ ràng những giải pháp trên là cần thiết nhưng chưa đủ để kéo giảm tai nạn. Có một yếu tố quan trọng nữa rất cần phải làm tốt, đó là nâng cao nhận thức và kỹ năng của người trực tiếp điều khiển phương tiện. Họ là người nắm giữ, quyết định mạng sống của chính mình và nhiều người khác khi điều khiển phương tiện qua đèo.

nhunghv

Nguồn: Báo Kontum

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)