Lâm Đồng: Nâng cao chất lượng các công trình giao thông

Thứ ba, 03/07/2018 09:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay, có nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xuống cấp gây khó khăn cho các phương tiện giao thông như tuyến QL 27, QL 55, đặc biệt là các công trình giao thông nông thôn. Bên cạnh việc thẩm định các thiết kế, thi công thì công tác bảo trì sau khai thác là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng các công trình giao thông.

Nâng cao chất lượng công trình giao thông để đảm bảo phương tiện lưu thông trên đường. Ảnh: H.Y

Nhiều công trình giao thông xuống cấp
 
Hệ  thống các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay có tổng chiều dài khoảng 7.398 km, bao gồm 19,2 km đường cao tốc, 436,5 km quốc lộ, 394,7 km tỉnh lộ và 6.546 km đường giao thông nông thôn. Riêng đối với các tuyến quốc lộ là tuyến QL 27 và QL 55 được Bộ Giao thông vận tải ủy thác cho địa phương quản lý. Ông Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông - Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lâm Đồng cho biết, hiện nay các tuyến QL 27 và QL 55 đang xuống cấp, nhiều đoạn tuyến bị hư hỏng do quá trình khai thác, sử dụng đã khá lâu và lưu lượng giao thông ngày càng tăng cao. Mặc dù 2 dự án nâng cấp QL 27, QL 55 đã được phê duyệt dự án đầu tư từ năm 2010 nhưng phải tạm đình hoãn đầu tư. Hằng năm, Sở GTVT vẫn thực hiện duy tu, bảo dưỡng và sửa  chữa định kỳ 2 tuyến quốc lộ này bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ, tuy nhiên do đây là các trục đường đối ngoại kết nối Lâm Đồng - Đắk Lắk và Lâm Đồng - Bình Thuận với tải trọng khai thác và lưu lượng giao thông lớn, bên cạnh đó với nguồn vốn bố trí hàng năm còn hạn chế nên việc duy tu, sửa chữa chỉ đại tu được một số đoạn,  còn lại trên tuyến chủ yếu đảm bảo giao thông.
 
Hệ thống tuyến đường giao thông nông thôn, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được quan tâm đầu tư nên bộ mặt GTNT có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều tuyến đường được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và Nhà nước, nhân dân cùng làm, (giai đoạn 2008 - 2017 khoảng 3.432 tỷ đồng); tuy nhiên do nguồn vốn đầu tư của tỉnh còn hạn chế nên việc đầu tư chưa được đồng bộ với hạ tầng khu vực. Bên cạnh đó, các tuyến GTNT được đầu tư với quy mô chủ yếu phục vụ lưu thông và sản xuất, nhưng  việc một số tuyến đường có tải trọng khai thác quá lớn đã làm công trình nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.
 
Trong khi đó, hiện nay, nhu cầu phát triển vận tải ngày càng tăng cao, nguồn vốn đầu tư cho giao thông còn hạn chế nên việc xây dựng mới các công trình còn dàn trải, đầu tư công trình chưa đúng quy mô, chưa đồng bộ; từ đó hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu khai thác, công trình nhanh chóng xuống cấp. Không thể không kể đến yếu tố do nguồn vốn bố trí hàng năm của các địa phương cho công tác duy tu bảo dưỡng và sửa chữa định kỳ rất hạn chế. Đồng thời, do hệ thống giao thông dàn trải trên địa bàn tỉnh nên việc kiểm soát xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường địa phương của các lực lượng chức năng chưa được thực hiện chặt chẽ, liên tục; vì vậy, qua thời gian dài đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình giao thông.
 
Một nguyên nhân nữa là một số chủ đầu tư công trình chưa thực sự quan tâm và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công công trình theo các quy định hiện hành về thi công, nghiệm thu công trình, dẫn đến chất lượng một số công trình chưa đảm bảo so với hồ sơ thiết kế.
 
Quản lý ngay từ khi thiết kế, thi công
 
Trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn công trình xây dựng chất lượng thấp. Nguyên nhân chủ yếu do các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn, các nhà thầu tham gia quản lý về xây dựng công trình không tuân thủ nghiêm túc các quy định quản lý từ khâu khảo sát, lập dự án đầu tư đến thi công xây dựng và kiểm tra chứng nhận sự phù hợp chất lượng, nghiệm thu, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.
 
Ông Nguyễn Thanh Chương cho biết, năm 2017, tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020, trong đó các chủ đầu tư đã tập trung lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán được bố trí vốn năm 2017, 2018 trình Sở GTVT thẩm định. Trong năm, Sở đã thẩm định 8 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1.204 tỷ đồng; 14 hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và báo cáo kinh tế kỹ thuật với giá trị dự toán xây dựng khoảng 373,4 tỷ đồng, góp ý chủ trương 13 dự án đầu tư theo đề nghị của Sở Kế hoạch - Đầu tư. Sở GTVT đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng 3 công trình, đồng thời kiểm tra 5 công trình đang trong giai đoạn thi công. Qua kiểm tra Sở đã tham gia góp ý những nội dung còn thiếu sót để chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan rút kinh nghiệm nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng. Sau quá trình kiểm tra, hướng dẫn; các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện và chủ đầu tư (huyện Đức Trọng, Lâm Hà...) đã có chuyển biến về nhận thức trong công tác quản lý chất lượng công trình giao thông.
 
Trong quá trình thẩm định, bên cạnh công tác nội nghiệp kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ sơ thiết kế theo các quy trình, quy phạm thiết kế hiện hành; Sở GTVT Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra hiện trường công trình, đối chiếu số liệu khảo sát, giải pháp thiết kế do đơn vị tư vấn đề xuất với thực tế hiện trường. Đề nghị chủ đầu tư yêu cầu đơn vị tư vấn, thiết kế phải đưa ra các phương án so sánh để lựa chọn giải pháp tối ưu, đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật, tiết kiệm kinh phí đầu tư, đồng thời phát huy hiệu quả đầu tư của công trình. Sở GTVT mạnh dạn đề xuất điều chỉnh thay đổi giải pháp thiết kế - dự toán công trình và trình UBND tỉnh phê duyệt khi phương án thiết kế mới đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật và tối ưu, hiệu quả hơn về mặt kinh tế.
 
Ông Bùi Sơn Điền, Phó Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, Sở đang đẩy nhanh tiến độ các dự án theo kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch năm 2018. Tập trung chỉ đạo bám sát tiến độ thực hiện các công trình, dự án khởi công - hoàn thành trong năm 2018; khởi công các dự án lớn như: Nâng cấp đường ĐT 724 và các cầu trên đường ĐT 721; đường ĐT 725 đoạn Lộc Bắc - Lộc Bảo, Mỹ Đức - Đạ Tẻh; xây dựng cầu Ông Thiều...; hoàn thành các dự án như: xây dựng cầu Ka Đô, xây dựng 9 cầu treo... Tăng cường công tác kiểm soát hệ thống quản lý chất lượng tại từng dự án; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm về chất lượng công trình. Đặc biệt, công tác duy tu, bảo trì sau khi khai thác sẽ được quan tâm tối đa để nâng cao chất lượng công trình giao thông, đảm bảo các phương tiện lưu thông trên đường được thuận lợi và an toàn.   

toanld

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)