Bắc Giang: Kiên quyết xử lý xe quá khổ, quá tải, giảm ít nhất 10% cả ba tiêu chí về tai nạn giao thông

Thứ tư, 18/07/2018 09:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 17/7, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm.

Cùng dự có đồng chí Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh; thành viên Ban ATGT tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, TP.


Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh kết luận hội nghị

Tai nạn giao thông tăng cao

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Ban ATGT tỉnh thông tin: 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 244 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 117 người, bị thương 190 người; tăng 126 vụ (106,7%), 64 người chết (120,8%) và 77 người bị thương (tăng 68,1%) so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, có 8/10 địa phương (trừ Sơn Động, Yên Thế) có số người chết do tai nạn tăng. Phát biểu tại đây, đồng chí Lại Thanh Sơn nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm, TNGT tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tổng số vụ đã vượt so với cả năm 2017.

Lý giải nguyên nhân gia tăng TNGT, nhiều đại biểu cho rằng, do nhu cầu đi lại, vận tải tăng cao dịp Tết nguyên đán, lễ hội đầu xuân và mùa thu hoạch vải thiều, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, nhiều trục đường xuống cấp, quy mô nhỏ dẫn đến những yếu tố mất ATGT. 

Đặc biệt ý thức chấp hành quy định khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình trạng vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm diễn ra phổ biến. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhìn nhận: Những con số về TNGT được nêu ở trên một phần do năm nay các cơ quan, đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ trong thống kê số liệu từ các địa phương, hạn chế tình trạng báo cáo thiếu, giấu thông tin để lấy thành tích.

“Nói không” với xe hết niên hạn, cơi nới thành thùng

Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện”, 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng từ chối cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với 4.586 trường hợp cơi nới thùng xe, lốp xe, tôn đệm nhíp không đúng kích cỡ, phanh xe không bảo đảm an toàn... Liên quan đến nội dung này, Đại tá Đỗ Văn Huyền, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Thời gian qua, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Giao thông, Công an các huyện, TP tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định. Qua đó, phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 173 trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước 489 triệu đồng.

Đối với xử lý phương tiện quá khổ, quá tải, đại diện UBND các huyện Lạng Giang, Việt Yên cho biết, hiện địa phương đang gặp khó khăn trong kiểm tra, xử lý do lực lượng mỏng, phương tiện đã xuống cấp, trong khi các trường hợp vi phạm thường lén lút hoạt động vào ban đêm; nhiều trường hợp dùng mối quan hệ để can thiệp khi bị phát hiện vi phạm. Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên khẳng định, 6 tháng cuối năm sẽ quyết tâm xóa xe cơi nới thành, thùng. UBND huyện đã có văn bản yêu cầu người đứng đầu các xã, thị trấn nêu cao trách nhiệm trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý xe quá khổ, quá tải; tăng cường quản lý hoạt động khai thác đất phục vụ san lấp mặt bằng, thực hiện ký cam kết với các chủ mỏ, bến bãi. Nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn, người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. 

Liên quan đến nội dung này, ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh yêu cầu, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, các địa phương và lực lượng chức năng phải tập trung làm tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Trong đó, tập trung vào các tuyến đường, địa bàn trọng điểm gần đầu nguồn khai thác khoáng sản, bến, bãi vật liệu xây dựng, khu vực thi công công trình, hạ tầng dân cư.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính

Là địa phương đứng thứ 62/63 tỉnh, TP về tình hình TNGT, mở đầu phần kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh, Trưởng Ban ATGT tỉnh đã tự nhận trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. 

Đồng chí yêu cầu: Mục tiêu 6 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo, các ngành, địa phương phải kéo giảm ít nhất 10% số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT. Công an tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh rà soát, có số liệu thống kê chính xác về TNGT, từ đó làm cơ sở để phân tích, đánh giá và đề ra các giải pháp phù hợp kéo giảm tai nạn.

Để thực hiện mục tiêu này, đồng chí yêu cầu tập trung giải quyết triệt để tình trạng xe quá khổ, quá tải bằng cách kiên quyết cắt bỏ phần thành, thùng vượt quá. Mở đợt cao điểm xử lý xe dù, bến cóc (dự kiến trong tháng 9 tới). Đẩy mạnh xử lý các lỗi trực tiếp gây TNGT, vi phạm lấn chiếm hành lang đường bộ, đường sắt. Riêng khu vực gần Khu công nghiệp Song Khê- Nội Hoàng, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra việc lấn chiếm đất để dựng lều quán bán hàng của người dân. Quan điểm của tỉnh là kiên quyết dẹp bỏ, không để tình trạng phạt rồi cho tồn tại. Từ nay đến cuối năm, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng phải giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, công tác tuyên truyền cần phải được đổi mới phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực thi công vụ, đội ngũ lái xe, chủ phương tiện; đẩy mạnh tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trước mắt, Sở Tài chính cần sớm tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh về việc trích tiền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông để các địa phương có kinh phí cải tạo, nâng cấp các tuyến đường; mua sắm phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý. Quan tâm trang bị camera giám sát.

Với vai trò nòng cốt, Công an tỉnh thường xuyên dự báo sát tình hình, nguy cơ dẫn đến TNGT để có phương án ngăn chặn, từ đó chỉ đạo lực lượng tập trung tuần tra, xử lý vi phạm. Đối với ngành giao thông vận tải, phải tăng cường công tác kiểm soát tải trọng, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là xe bus, xe đưa đón công nhân; quan tâm xử lý các điểm đen TNGT. Sở Tài nguyên -Môi trường tham mưu để có những quy định cụ thể về việc mỏ khoáng sản nào, ở địa bàn nào phải lắp trạm cân trọng tải.

Mỗi huyện, TP xác định 1-2 tuyến đường “nóng” về tình trạng vi phạm hành lang ATGT, từ đó tập trung giải tỏa và có biện pháp chống tái lấn chiếm. Nếu cuối năm, địa phương nào không hoàn thành mục tiêu giảm 10% TNGT, Chủ tịch UBND huyện, TP phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và không được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

kimcuc

Nguồn: Báo Bắc Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)