Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ và đồng bộ, diện mạo đô thị tiếp tục chuyển biến tích cực, từng bước hình thành dáng dấp của một đô thị hiện đại, văn minh. Với cách làm sáng tạo, chủ động và quyết liệt, Quảng Ninh đang trở thành đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Cầu Bạch Ðằng kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng mở ra cơ hội phát triển mới cho hai địa phương.
Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ và đồng bộ, diện mạo đô thị tiếp tục chuyển biến tích cực, từng bước hình thành dáng dấp của một đô thị hiện đại, văn minh. Với cách làm sáng tạo, chủ động và quyết liệt, Quảng Ninh đang trở thành đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Năng động, quyết liệt trong điều hành
Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai và hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực trong tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và được đánh giá là mô hình mẫu trong huy động các nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá về phát triển hạ tầng giao thông của cả nước. Bước đột phá của Quảng Ninh là đã mạnh dạn và chủ động đề xuất Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai dự án đường cao tốc đầu tiên là Hạ Long - Hải Phòng. Ðây được coi là động lực kích cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương.
Tiếp theo đó, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm được triển khai như: đường cao tốc Hạ Long - Vân Ðồn, cầu Bạch Ðằng, Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái… với tổng số vốn đầu tư ngoài ngân sách lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Ðồn là hai dự án đường cao tốc đầu tiên trong cả nước do cấp tỉnh làm chủ đầu tư. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Quảng Ninh đã nhanh chóng tìm ra hướng đi phù hợp, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tranh thủ thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, nhất là sự tham gia của tư nhân. Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn do Tập đoàn Sungroup đầu tư chính là điểm nhấn quan trọng trong kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh.
Ðánh giá về cách làm của Quảng Ninh, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể ghi nhận những đổi mới vượt bậc trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh, nhất là việc vận dụng linh hoạt trong huy động các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Những kinh nghiệm trong giải phóng mặt bằng và thu hút, huy động nguồn lực đầu tư của Quảng Ninh sẽ là bài học quý để các địa phương trong cả nước học tập.
Quảng Ninh xác định các dự án giao thông trọng điểm đóng vai trò quan trọng. Do đó, việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc kéo dài từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đến Vân Ðồn và cửa khẩu Móng Cái trong tương lai sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển liên vùng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Ðức Long khẳng định: Tỉnh đang tập trung dồn lực thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, trong đó đột phá về hạ tầng giao thông được đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, tỉnh đã dành phần lớn ngân sách chi cho đầu tư phát triển hạ tầng, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, không đầu tư dàn trải, chỉ đầu tư cho các công trình động lực, đồng thời chủ động, triển khai các biện pháp hỗ trợ, đối ứng với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.
Kết nối để phát triển
Ðể triển khai tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng kết nối với đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động dành một phần ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư. Trong đó có cầu Bạch Ðằng làm theo hình thức BOT với nguồn vốn khoảng 7.500 tỷ đồng, đường nối 20 km từ cầu Bạch Ðằng đến Hạ Long khoảng 6.500 tỷ đồng. Tiếp đến là dự án đường cao tốc nối Hạ Long với Vân Ðồn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 18A từ hai làn xe lên bốn làn xe đoạn từ Hạ Long đi Mông Dương đều được triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả cao. Trong tương lai không xa, khi tuyến cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái hoàn thành, thời gian để di chuyển đến thành phố cửa khẩu Móng Cái sẽ được rút ngắn rất nhiều.
Mới đây, Quảng Ninh đã phát động lễ ra quân triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái. Ðây là dự án đường cao tốc dài nhất của tỉnh với 82 km, quy mô đường cao tốc bốn làn xe với tổng vốn đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng theo hình thức BOT. Cùng với các tuyến cao tốc khác đang được triển khai, sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng số chiều dài đường cao tốc tại Quảng Ninh lên gần 200 km, là điểm kết nối khu vực mậu dịch tự do ASEAN với Trung Quốc, đóng góp quan trọng trong kế hoạch có 2.000 km đường cao tốc vào năm 2020 của Chính phủ.
Không chỉ quan tâm đến các cửa ngõ giao thông kết nối quốc tế, hạ tầng giao thông ở các đô thị của Quảng Ninh cũng đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng, trở thành các tuyến đường mẫu, đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp quy hoạch đô thị. Các dự án này vừa đóng vai trò giảm tải giao thông và tạo điểm nhấn đô thị, vừa phục vụ nhu cầu du lịch của tỉnh. Ðơn cử như: Dự án tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, có tổng mức đầu tư 5.600 tỷ đồng do Tập đoàn Vingroup đầu tư theo hình thức BT. Khi hoàn thành, tuyến đường góp phần giảm lưu lượng xe trên Quốc lộ 18 đoạn qua Hạ Long - Cẩm Phả và mở ra cơ hội khai thác tiềm năng phát triển về cảng biển, tạo thành trung tâm đô thị ven biển cao cấp. Hay Dự án hầm Cửa Lục được thiết kế sáu làn xe theo tiêu chuẩn đường đô thị và có tổng chiều dài 2.140 m với tổng vốn đầu tư 7.875 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2018, góp phần giảm tải cho cầu Bãi Cháy, tạo kết nối thuận lợi giữa khu du lịch phía tây với khu hành chính, văn hóa và các khu dân cư phía đông của thành phố Hạ Long.
Với sự đa dạng các loại hình giao thông, Quảng Ninh hiện đang có điều kiện tốt kết nối và mở rộng giao thương với thế giới so với các tỉnh trong khu vực miền bắc. Tỉnh đang hoàn thiện và thông qua quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng đồng bộ, tăng cường kết nối đồng bộ các khu vực trung tâm Hạ Long với các tiểu vùng khác trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của tỉnh; khai thác hiệu quả các loại hình vận tải, chú trọng vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics… Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh Bùi Hồng Minh nhận định: Với phương châm kết nối để phát triển, tỉnh đang tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông trọng điểm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, từng bước giải quyết điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến đầu tư. Ðiều này sẽ tạo thêm sức lan tỏa, kích thích phát triển không chỉ của tỉnh, mà còn của các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.