Xác định phát triển giao thông là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần phải đi trước một bước để tạo tiền đề, động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển, từ ngày thành lập tỉnh (1/1/2004) đến nay, Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động, phát huy các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông từ tỉnh đến cơ sở.
Theo ông Võ Văn Hùm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) thì trong gần 15 năm qua, công tác đầu tư xây dựng trong lĩnh vực giao thông đã đạt được kết quả khá. Nhiều dự án lớn, quan trọng được triển khai, tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông được nâng lên đáng kể.
Làm đường giao thông nông thôn ở thôn 5, xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong
Để hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển, đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, ngành GTVT tỉnh đã chú trọng hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển GTVT để tham mưu cho tỉnh đề ra những quyết sách quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong đó, bao gồm quy hoạch phát triển GTVT chung của tỉnh và của các huyện, thị xã; quy hoạch đấu nối vào hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh; xây dựng đề án phát triển GTVT, lập kế hoạch phát triển chuyên đề ngành GTVT… Trên cơ sở đó, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh làm việc với các bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ GTVT quan tâm ủng hộ đầu tư xây dựng phát triển GTVT trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư cơ bản hoàn thành, các đoạn quốc lộ qua các thị trấn, thị xã Gia Nghĩa và toàn tuyến Quốc lộ 14 đều đã được đầu tư, nâng cấp mở rộng theo quy hoạch. Cùng với đó, tỉnh đã cải tạo, nâng cấp, nhựa hóa được toàn bộ các tuyến tỉnh lộ. Việc đầu tư xây dựng giao thông nông thôn cũng đạt kết quả khá, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu mà tỉnh đề ra. Bên cạnh đó, một số tuyến đường thiết yếu mở mới theo quy hoạch phát triển GTVT của tỉnh được triển khai đầu tư xây dựng như: Đường tránh đô thị Gia Nghĩa, đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê... Đến nay, toàn tỉnh có 107/107 thôn, bon, buôn có từ 1 đến 2 km đường nhựa, đạt 100% chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư phát triển giao thông đường bộ với tổng số vốn 2.532 tỷ đồng. Cụ thể, tổng số tuyến đường được nhựa hóa toàn tỉnh đạt 1.691 km, nâng tỷ lệ nhựa hóa giao thông toàn tỉnh từ 10% lên 60%. Trong đó, đối với quốc lộ, đến nay đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14C giai đoạn 1 (nền đường và hệ thống thoát nước) và mở rộng theo quy mô đô thị đoạn qua trung tâm huyện Tuy Đức; đồng thời nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 14, xây dựng Quốc lộ 28 đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3 và 4.
Ngoài ra, 150 km Quốc lộ 14C cũng đã được nhựa hóa, nâng tỷ lệ nhựa hóa quốc lộ trên địa bàn tỉnh từ 65% năm 2004 lên 95%. Đối với tỉnh lộ, đến nay tỉnh đã xây dựng hoàn thành các tuyến tỉnh lộ 3, 4, 5 và 6; nhựa hóa được 140 km tỉnh lộ, nâng tỷ lệ nhựa hóa đường tỉnh từ 45% năm 2004 lên 100% vào năm 2017. Các tuyến huyện lộ, đến nay, toàn tỉnh đã nhựa hóa và bê tông hóa được 373 km, nâng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường huyện từ 15% năm 2004 lên 88% năm 2018.
Tương tự, các tuyến đường xã, thôn, bon cũng được đầu tư làm mới đến trung tâm xã. Các tuyến đường liên xã, liên thôn thiết yếu cũng được đầu tư xây dựng cơ bản. Đến nay, toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa được 938 km đường nông thôn, nâng tỷ lệ nhựa, bê tông hóa từ 2% năm 2004 lên 46% năm 2018.
Cũng theo ông Võ Văn Hùm, việc phát triển ngành GTVT của tỉnh thời gian qua khá thuận lợi vì được gắn kết với phát triển kết cấu hạ tầng. Nhờ đó, đến nay, hệ thống giao thông của tỉnh đã kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Thực hiện Đề án quy hoạch phát triển GTVT của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ hoàn thành các tuyến quốc lộ đã và đang triển khai để phát huy hiệu quả; bổ sung một số tuyến mới để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội lâu dài. Song song đó, tỉnh cũng sẽ mở rộng, tăng cường mặt đường 2 làn xe đối với các tuyến tỉnh lộ, phấn đấu cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới một số tuyến đường quan trọng như: Đường ra Cửa khẩu Bu P'răng, Quốc lộ 28 đoạn qua thị xã Gia Nghĩa – Quảng Khê và đoạn qua thị trấn Quảng Khê…
Đến năm 2020, phấn đấu nâng tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh từ 59% lên 64%, góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Về đầu tư xây dựng đường hàng không, đường sắt, đến nay, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương lập quy hoạch chi tiết sân bay Nhân Cơ và thống nhất chủ trương kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt Đắk Nông – Chơn Thành.