Kể từ tháng 10, đều đặn mỗi tháng triều cường các tuyến sông trên địa bàn huyện Cái Nước xuất hiện 2 lần, không chỉ làm cho hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) đứng trước nguy cơ bị hư hỏng, xuống cấp do nước sông dâng cao, mà còn gây bất lợi cho người dân đi lại và các em học sinh đến trường.
Theo quy luật, cứ vào tháng 10 âm lịch là triều cường xuất hiện làm cho mực nước trên các tuyến sông dâng cao và kéo dài đến cuối năm. Nhưng điều đáng quan tâm nhất là hiện nay chỉ mới cuối tháng 10 âm lịch, mà mực nước sông từ bằng hoặc cao hơn đỉnh điểm triều cường năm 2017, làm nhiều tuyến đường bê tông trên địa bàn huyện bị ngập nước.
Phá huỷ đường bê tông
Theo thống kê của các địa phương, khi triều cường xuất hiện nước sông dâng cao làm cho một số đoạn đường bê tông trũng thấp đều bị ngập nước. Trong đó, xã Tân Hưng Đông có 7 tuyến kênh thuộc 6 ấp thường xuyên bị ngập nước do nước sông dâng cao làm ảnh hưởng hơn 300 ha đất nuôi thuỷ sản và hàng trăm mét đường bê tông ở nông thôn bị chìm trong nước.
Ngoài ra, các địa phương khác trên địa bàn huyện Cái Nước cũng trong tình trạng tương tự, nhưng nghiêm trọng nhất là xã Tân Hưng có đến 5 tuyến đường bê tông thường xuyên bị ảnh hưởng, với tổng chiều dài khoảng 10 km do nước sông dâng cao, tập trung nhiều nhất ấp Tân Trung, Tân Hiệp, Tân Biên và Cái Giếng. Đây là những tuyến đường bê tông được đầu tư xây dựng cách nay khá lâu, nền đất đen trũng thấp, có những đoạn nước ngập lên đến hơn 20 cm, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân và các em học sinh đến trường.
Không chỉ người dân bức xúc mà chính quyền địa phương cũng lo lắng, bởi một khi hệ thống đường bê tông bị ngập nước kéo dài sẽ làm cho nền đất đen mềm yếu, các phương tiện xe 2 bánh lưu thông qua lại sẽ làm cho lộ sụp lún. Mặt khác, khi nước mặn ngấm vào phần đường bê tông còn làm cho vỉ sắt bên trong nhanh chóng gỉ sét, nhanh chóng hư hỏng, khi ấy rất khó duy tu, sửa chữa.
Tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông
Nước sông dâng cao còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cho người điều khiển phương tiện xe 2 bánh khi tham gia giao thông.
Ông Đỗ Văn Hoá, ấp Hoàng Lân, xã Tân Hưng Đông, cho biết, mỗi khi triều cường xuất hiện, nước sông dâng cao làm cho một số đoạn đường bê tông ấp chìm sâu trong nước. Nhưng do bức xúc nhu cầu đi lại nên người tham gia giao thông bằng xe 2 bánh phải liều mình băng qua những đoạn đường ngập nước. Có không ít trường hợp xảy ra tai nạn té ngã ngay trên đoạn đường nước ngập, tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nhưng gây trầy xước, sưng tấy. Giờ đây khi điều khiển phương tiện qua những đoạn đường bị nước ngập, người dân rất lo xảy ra tai nạn.
Anh Quách Công Luận, ấp Ngọc Hườn, thị trấn Cái Nước, hành nghề thu mua cua của bà con nông dân, phải thường xuyên đi lại bằng phương tiện xe 2 bánh khắp các vùng nông thôn, cũng không khỏi lo sợ xảy ra tai nạn giao thông do ảnh hưởng triều cường. "Khi nước sông dâng cao, ngập đường làm cho xe thường xuyên bị chết máy, còn khi triều cường hạ thấp để lại một lượng phù sa trên bề mặt, làm cho mặt đường rất trơn trượt, xe máy có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào và hậu quả sẽ rất khó lường", anh Luận cho biết.
Rõ ràng, biến đổi khí hậu làm triều cường nước sông dâng cao, không chỉ gây hư hỏng hệ thống lộ GTNT, mà còn tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông cho người dân trên địa bàn. Nhưng hiện nay chính quyền địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu phòng chống triều cường, dẫn đến hệ thống đường GTNT đứng trước nguy cơ xuống cấp và rất khó duy tu sửa chữa. Do đó, bảo vệ các công trình lộ bê tông là việc cấp thiết, nhất là những công trình chuẩn bị đầu tư xây dựng nền đất đen phải vững chắc và đảm bảo độ cao không bị nước ngập khi triều cường, nước sông dâng cao./.