Mặc dù các cấp, ngành chức năng đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách; song, do nhiều nguyên nhân, những vi phạm trong lĩnh vực này vẫn tiếp diễn và ngày càng có chiều hướng phức tạp.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, tạo thuận lợi và an toàn cho việc đi lại của nhân dân, trách nhiệm không chỉ của riêng ngành chức năng mà bản thân mỗi hành khách cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT.
Ảnh minh họa
"Bát nháo" xe khách tuyến cố định
Ông Nguyễn Văn Đông, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên cho biết: "Cứ chiều thứ 6 hàng tuần, tôi bắt xe khách xuống Hà Nội để thăm các cháu. Tôi không vào bến xe mà đón xe khách ngay tại vị trí chờ xe buýt trên tuyến Quốc lộ 2 (đoạn gần Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc). Biết là vị trí đó chỉ dành cho những hành khách đi xe buýt, nhưng vì tiện, lại gần nên tôi vẫn thường xuyên chờ ở đó để đón xe".
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ ông Đông mà rất nhiều hành khách khác, chỉ vì lý do thuận tiện cho mình đã vô tình tiếp tay cho các chủ xe khách vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Trên một số tuyến giao thông, nhất là trên các đoạn đường, tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn như Quốc lộ 2, Quốc lộ 2B và một số tuyến chính trên địa bàn các huyện, thành phố, không khó để nhận ra sự "bát nháo" của những chiếc xe khách hoạt động trên tuyến cố định nội tỉnh và liên tỉnh liên tục ấn còi ầm ĩ (nhất là khi đi qua khu đông dân cư và trên các tuyến đường qua khu đô thị), họ liên tục mở cửa đón khách dọc đường, dừng xe đột ngột, phóng nhanh, vượt ẩu, đỗ xe sai quy định, thậm chí ngang nhiên rượt đuổi nhau để tranh giành khách, không xe nào chịu nhường xe nào, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ va chạm, tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.
Điển hình, vào hồi 17 giờ ngày 22/11/2018, trên tuyến Quốc lộ 2A, đoạn qua ngã tư T50 (phường Tích Sơn, Vĩnh Yên) xảy ra vụ va chạm giữa 2 ô tô khách biển kiểm soát 29B-302.91 và 19B-005.43 lưu thông theo hướng Việt Trì - Hà Nội. Theo nhận định ban đầu, xe ô tô khách 19B-005.43 có tín hiệu xin vượt, nhưng xe ô tô 29B-302.91 đã tạt ngang đầu xe không cho vượt, dẫn đến va chạm. Rất may, vụ va chạm không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng đã làm ách tắc giao thông.
Siết chặt công tác quản lý, xử lý vi phạm
Thiếu tá Nguyễn Tiến Thành, Đội trưởng Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh cho biết: Từ 16/11/2017 đến 15/11/2018, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh đã kiểm tra, xử lý hơn 1.067 lượt xe khách vi phạm các lỗi: Không thắt dây an toàn khi lái xe, chở quá số người quy định, không có thiết bị chữa cháy, không đóng cửa xe sau khi lên, xuống, có đèn báo hãm phanh nhưng không có tác dụng, không có đèn soi biển số, thu tiền vé nhưng không xé vé cho hành khách, đón, trả khách không đúng vị trí quy định...
Để tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, ngành GTVT thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền các văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải. Chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh; bố trí cán bộ theo dõi hoạt động của các phương tiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, hàng tháng tổ chức đối chiếu với các đơn vị vận tải để nhắc nhở, chấn chỉnh và kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định.
Thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, năm 2018, lực lượng chức năng đã nhắc nhở 32 đơn vị vận tải, xử lý vi phạm 36 đơn vị bằng hình thức thu hồi phù hiệu xe vận tải 1 tháng đối với hơn 1.300 phương tiện. Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị vận tải, đơn vị quản lý bến xe để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách.
Tại các bến xe đã công khai chi tiết biểu đồ chạy xe các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, vận tải hành khách bằng xe buýt, niêm yết số điện thoại đường dây nóng để người dân thông báo, phản ánh. Năm 2018 đã tiếp nhận và xử lý nhiều thông tin của người dân phản ánh,chủ yếu là công tác phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt.
Theo ông Nguyễn Minh Thể, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT: Ngoài ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế, nhiều chủ phương tiện chưa nắm bắt được các quy định của Nhà nước; chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tuyên truyền;hơn nữa, lực lượng chức năng xử lý chưa mạnh tay đối với các doanh nghiệp và phương tiện vi phạm; ý thức của người dân chưa cao, vô tình tiếp tay cho chủ xe vi phạm.
Nhằm siết chặt, lập lại trật tự kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, thời gian tới, ngành GTVT tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nguy cơ tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô chở khách. Huy động phương tiện, trang thiết bị tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các lái xe, chủ phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Cùng với đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, không bắt xe tại những vị trí không được phép; kịp thời phát hiện và tham gia giám sát, đóng góp ý kiến với ngành chức năng để kịp thời xử lý nghiêm những hành vi sai trái của người điều khiển xe khách.