Ninh Bình: Siết chặt việc chấp hành các quy định về TTATGT tại các đơn vị kinh doanh vận tải

Thứ sáu, 25/01/2019 09:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
UBND tỉnh Ninh Bình vừa thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, bao gồm cả vận tải khách và vận tải hàng hóa.

Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng một số đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn vi phạm phổ biến các quy định về trật tự ATGT, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận tải cũng như công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn. Để ổn định tình hình vận tải, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị kinh doanh, đồng thời tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, bao gồm cả vận tải khách và vận tải hàng hóa.

Còn nhiều vi phạm

Đại diện đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: Từ ngày 2 đến ngày 20/11/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc tại 29/34 đơn vị vận tải trên địa bàn (4 đơn vị do đang gặp khó khăn về tài chính, tạm ngừng kinh doanh vận tải nên đã có đơn đề nghị hoãn làm việc với đoàn; 1 đơn vị không đóng chân trên địa bàn). 

Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn đã quan tâm đầu tư đổi mới phương tiện, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải góp phần đảm bảo trật tự ATGT và đáp ứng nhu cầu vận tải để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng và nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh và trong khu vực. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều hạn chế bất cập, thậm chí có vi phạm. 

(Ảnh minh họa)

Cụ thể: chỉ có 6/29 đơn vị có thành lập và chứng minh được hoạt động của bộ phận theo dõi về ATGT, nhưng trong đó nhiều đơn vị chưa chú trọng đến việc quản lý phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình, chưa bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi, quản lý thông tin từ thiết bị theo quy định, thiết bị phương tiện không truyền tín hiệu như tại HTX vận tải Nam Việt, HTX vận tải Bình Minh, HTX vận tải Quang Trung... 

Tại thời điểm kiểm tra, một số đơn vị có người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải nhưng không đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định như Công ty TNHH Trang Khôi, Doanh nghiệp tư nhân Phúc Long... Phần lớn người điều hành hoạt động vận tải tại các đơn vị đều chưa được tập huấn nghiệp vụ vận tải hoặc Giấy chứng nhận tập huấn đã hết hạn. Bên cạnh đó, nơi đỗ xe của hầu hết các đơn vị vận tải đều chưa đáp ứng đủ các điều kiện quy định, nhất là diện tích điểm đỗ của các đơn vị vận tải taxi còn rất hạn chế so với phương án kinh doanh. 

Đáng chú ý, tại các đơn vị làm dịch vụ, việc quản lý phương tiện chưa chặt chẽ, chỉ mở sổ sách mang tính đối phó, ghi chép sơ sài, không quản lý được hoạt động của phương tiện. Nổi bật như Công ty TNHH Nam Hoa Ninh Bình, đơn vị chỉ có 1 xe và đi thuê 75 xe, sau khi đã được Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho 75 xe thuê, đơn vị tiếp tục cho chính các chủ xe thuê lại (bao gồm cả phù hiệu), đơn vị không thực hiện việc quản lý phương tiện và cả người lái sau khi đã cho thuê, tại đơn vị không có hồ sơ lý lịch phương tiện theo quy định.

Một số đơn vị có phương tiện đã ngừng hoạt động nhưng đơn vị chưa thông báo và trả phù hiệu về Sở Giao thông vận tải. Bên cạnh đó, qua kiểm tra cho thấy, tại hầu hết các đơn vị đã ký hợp đồng lao động với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, nhưng chưa đầy đủ nội dung theo quy định. 

Tại các HTX dịch vụ vận tải còn xảy ra tình trạng không bố trí đủ lái xe theo phương án kinh doanh đã đăng ký. Số lượng lái xe chênh lệch nhiều so với số lượng phương tiện. Nguyên nhân do chủ yếu các HTX chỉ ký hợp đồng dịch vụ với chủ xe nên không quản lý chính xác được số lượng lái xe; không có giấy tờ giao xe cho người trực tiếp điều khiển xe mà chỉ giao cho chủ xe như HTX vận tải Quang Trung (391 lái xe/653xe), HTX vận tải Bình Minh (535 lái xe/554 xe)... 

Nhiều đơn vị vận tải chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ quản lý, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe hoặc nếu có thì giấy chứng nhận sức khỏe của các lái xe đã hết hạn. Tại thời điểm kiểm tra, phương án kinh doanh của hầu hết các đơn vị vận tải chưa đúng với thực tế tại đơn vị. 

Cùng với đó, Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế hoạt động lưu thông trên đường bộ của các phương tiện. Chỉ trong thời gian 15 ngày, từ ngày 2/11/2018 đến 15/11/2018, đoàn đã xử lý 45 trường hợp ô tô vi phạm, phạt tiền trên 180 triệu đồng, trong đó lỗi chủ yếu là lái xe không có giấy chứng nhận tập huấn và xe không có hợp đồng vận chuyển. Việc không tuân thủ các điều kiện kinh doanh trên tại các đơn vị kinh doanh vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải cũng như công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn.

Phải khắc phục ngay

Trước những tồn tại, vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải, Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khắc phục ngay các tồn tại một cách triệt để, tránh đối phó, trong đó tập tung vào các nội dung trọng tâm: Đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định tại điều 13 Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ. 

Yêu cầu các đơn vị vi phạm khẩn trương hoàn thiện các điều kiện kinh doanh vận tải tại đơn vị, bổ nhiệm người điều hành đủ điều kiện theo quy định mới được tiếp tục hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. 

Bên cạnh đó, Đoàn cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải cần quản lý chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, đặc biệt quản lý hoạt động của phương tiện, lái xe qua thiết bị giám sát hành trình. Thực hiện tốt công tác bảo dưỡng, sửa chữa đảm bảo điều kiện kỹ thuật của phương tiện. Lập hồ sơ lý lịch phương tiện, hồ sơ lý lịch hành nghề lái xe theo quy định. 

Thực hiện việc ký hợp đồng lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tập huấn nghiệp vụ vận tải cho người điều hành vận tải, các lái xe theo quy định. Đối với các đơn vị có trên 10 lái xe, yêu cầu đơn vị phải xây dựng thang bảng lương, nội quy lao động, thỏa ước lao động; bố trí đủ lái xe theo phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã đăng ký. 

Tăng cường quản lý lái xe và hoạt động của các phương tiện thông qua hợp đồng vận chuyển hành khách đối với phương tiện vận tải hành khách theo hợp đồng và Giấy vận tải đối với phương tiện vận tải hàng hóa. Đồng thời, lập hồ sơ lý lịch phương tiện, hồ sơ lý lịch hành nghề lái xe để quản lý theo quy định. 

Bên cạnh đó, đoàn cũng yêu cầu các đơn vị kiện toàn bộ phận theo dõi về ATGT, đảm bảo bộ phận theo dõi về ATGT thực hiện đầy đủ và thường xuyên nhiệm vụ được giao; xây dựng kế hoạch và quy trình đảm bảo ATGT theo quy định. Lắp đặt và theo dõi thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định. 

Thực hiện đúng các quy định về đăng ký, niêm yết, thực hiện tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải; kê khai, niêm yết giá vé. Đối với các xe ngừng khai thác, các đơn vị vận tải phải thông báo và nộp lại phù hiệu về Sở Giao thông vận tải.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, kiên quyết của đoàn kiểm tra, đến hết ngày 22/11/2018, đã có 23/29 đơn vị thực hiện việc báo cáo giải trình, khắc phục vi phạm sau kiểm tra. Đây được cho là một trong những cuộc kiểm tra lớn, toàn diện và được thực hiện một cách nghiêm túc, công khai, hiệu quả, góp phần ổn định tình hình vận tải và đảm bảo TTATGT trên địa bàn.

kimcuc

Nguồn: Báo Ninh Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)