Ngoài việc tập trung phát triển giao thông đường bộ đi liền với phát triển công nghiệp - đô thị, tỉnh Bình Dương còn quy hoạch phát triển tối đa tiềm năng, lợi thế từ thiên nhiên mang lại là có 2 con sông lớn chảy qua địa bàn, cùng hệ thống sông nhỏ trong tỉnh để phát triển vận tải thủy gắn liền với phát triển kinh tế du lịch.
Theo các nhà chuyên môn, để công tác quy hoạch và các công trình hạ tầng phát huy hiệu quả, đưa Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận tiếp tục phát triển theo định hướng của Chính phủ, công tác khai thông, kết nối giao thông cần tiếp tục được làm tốt hơn.
Chờ kết nối liên thông
Hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của Bình Dương được quy hoạch, đầu tư khá tốt, vừa làm nhiệm vụ liên hoàn trong giao thông đối nội vừa kết nối thông suốt với hệ thống giao thông của vùng, giao thông quốc gia.
Hiện nay, các trục giao thông dọc theo hướng Bắc - Nam như đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13), đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường ĐT741; theo hướng Đông - Tây như hệ thống đường tạo lực, Đường 7A… cùng với các cầu như Thới An, Thủ Biên... đã hoàn thành, chờ kết hệ thống cảng sông. Các trục đường này được quy hoạch, đầu tư xây dựng phát huy hiệu quả tiềm năng trong vùng, góp phần giảm áp lực giao thông lên hệ thống giao thông đường bộ đang bắt đầu có dấu hiệu quá tải.
Cảng An Sơn đã hoàn thành nhiều năm nay
nhưng chưa thể hoạt động vì đường sông chưa thông suốt.
Trên sông Sài Gòn, tỉnh đã quy hoạch hệ thống bến cảng, bến thủy nội địa, vừa làm nhiệm vụ chia sẻ áp lực giao thông đường bộ, giảm giá thành sản phẩm vừa phát triển ngành kinh tế du lịch tỉnh nhà, phát huy giá trị các di tích lịch sử, căn cứ cách mạng. Tổng Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ đã đầu tư xong cảng container An Sơn có khả năng tiếp nhận tàu từ 1.000 - 3.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay, cảng này vẫn đang chờ được kết nối vì các vướng mắc trên sông Sài Gòn chưa được tháo gỡ, khiến tàu bè lớn không thể đi lại, vận chuyển hàng hóa như kế hoạch.
Giải pháp tình thế
Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chấp thuận các giải pháp và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhằm khắc phục, kéo giảm tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường đang khai thác. Điển hình, sở đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương bóc tách riêng từ một dự án lớn do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ để làm thủ tục đầu tư xây dựng các hạng mục cầu vượt tại các vị trí đường Mỹ Phước - Tân Vạn giao với đường Phú Lợi (ĐT743, TP.Thủ Dầu Một) và khu vực ngã sáu An Phú (TX.Thuận An) nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe đang ngày một gia tăng.
Trước mắt, nhằm giải tỏa áp lực giao thông trên các trục giao thông chính, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh tách từ dự án Cải tạo hoạt động giao thông công cộng tại Bình Dương để xây dựng trước cầu vượt thép dành cho ô tô tại nút giao đường Mỹ Phước - Tân Vạn với đường Phú Lợi thuộc địa phận 2 phường Phú Hòa, Phú Lợi của TP.Thủ Dầu Một. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh khẩn trương hoàn thành công tác đền bù, bàn giao mặt bằng các vị trí để xây dựng cầu vượt thép thuộc dự án Nâng cấp mở rộng đường ĐT 743 từ miếu Ông Cù đến Sóng Thần. Theo đó, cầu vượt thép có khẩu độ lớn với chiều dài trên 700m vượt qua cả hai điểm là ngã sáu An Phú và nút giao đường Mỹ Phước - Tân Vạn với đường ĐT743; cầu vượt bằng thép thứ 2 tại nút giao ngã tư 550.
Đối với Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 4/4/2018. Hiện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh đang triển khai hồ sơ dự án này theo quy định. Trong khi đó, các dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Thủ Biên - Đất Cuốc... các đơn vị liên quan đang tiến hành điều chỉnh hướng tuyến nhằm sớm triển khai thi công trước mắt, góp phần đáng kể giảm áp lực giao thông và đưa Bình Dương tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.
Quản lý giao thông thông minh
Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin để cảnh báo, hướng dẫn giao thông góp phần chống ùn tắc, kẹt xe… trước mắt Sở Giao thông vận tải sẽ triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông cùng với hệ thống biển báo tại 3 tuyến đường chính có lưu lượng, mật độ giao thông cao và thường xuyên xảy ra ùn tắc là quốc lộ 13, đường ĐT743 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn.
Hiện tại, 26,7km đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được đầu tư. Dọc tuyến này có 18 giao điểm lớn. Trong số này, ngành chức năng sẽ chọn và lắp đặt 5 biển báo điện tử phía trước 5 giao điểm có tỷ lệ ùn tắc cao, gồm: Ngã tư Bình Thắng (TX.Dĩ An), ngã tư Thủ Khoa Huân (TX.Thuận An), ngã ba Điện Biên Phủ (đường Tạo lực 1, TP.Thủ Dầu Một), ngã ba Huỳnh Văn Lũy và ngã tư Phạm Ngọc Thạch (TP.Thủ Dầu Một) nhằm thông báo tình hình, mật độ giao thông, thông tin hướng dẫn để các phương tiện trên đường nắm bắt thông tin, chủ động phòng tránh ùn tắc.
Đối với Quốc lộ 13, tỉnh sẽ được đầu tư nâng cấp mở rộng lên 8 làn xe, ở những nơi quan trọng sẽ lên 10 làn xe. Phần dự án nâng cấp mở rộng đường này đã có hệ thống camera, phần còn lại nằm ngoài dự án sẽ được tỉnh bổ sung lắp đặt camera giám sát giao thông. Riêng đường ĐT743, tỉnh chuẩn bị triển khai nâng cấp mở rộng; hiện đã có hệ thống camera giám sát giao thông.
Tất cả hệ thống camera giám sát, biển báo điện tử trên các tuyến đường sẽ được tập trung về 2 trung tâm chính đặt tại Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải để phối hợp quản lý, điều phối. Theo đó, Công an tỉnh chịu trách nhiệm về xử lý, điều tiết giao thông, giải quyết ùn tắc. Khi mật độ giao thông cao, có thể xảy ra ùn tắc cần có sự can thiệp, điều tiết của cảnh sát giao thông thì Công an tỉnh sẽ yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ hướng dẫn giao thông, xử lý ùn tắc. Hình ảnh, dữ liệu trên camera giám sát giao thông cũng góp phần quan trọng trong việc xử lý tai nạn, phối hợp phân luồng để phòng tránh ùn tắc.
Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm phân luồng giao thông, cập nhật thông tin hướng dẫn giao thông, kiểm soát tải trọng, kiểm soát phương tiện lưu thông trên đường. Nếu phát hiện phương tiện vi phạm như quá tải trọng, không bảo đảm an toàn giao thông... thiết bị trên đường sẽ báo tải trọng phương tiện, mức tải trọng hiện hữu, camera sẽ chụp hình phương tiện, cung cấp thông tin đăng kiểm phương tiện để lực lượng thanh tra giao thông có cơ sở xử lý hoặc thông báo đến các trạm thu phí từ chối cấp vé qua trạm...
Sở Giao thông vận tải còn phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương thông qua hệ thống đài FM để thường xuyên thông báo qua kênh giao thông về tình hình thời tiết, mật độ phương tiện, tình hình kẹt xe, ùn tắc giao thông nếu có để đưa ra định hướng, hướng dẫn phương tiện để tránh ùn tắc, kẹt xe từ xa...
Đối với các tuyến đường đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) trên địa bàn tỉnh do doanh nghiệp quản lý, vận hành, các doanh nghiệp sẽ chịu tránh nhiệm đầu tư hệ thống tương tự như các tuyến đường khác và kết nối vào hệ thống quản lý chung.