Thời gian qua, mặc dù việc truyền tín hiệu giám sát hành trình của các phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn đã được cải thiện, các đơn vị vận tải đã quan tâm hơn đến việc duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình.
Tuy nhiên hiện nay, việc vi phạm đối với các loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi và xe hợp đồng cũng như xe tải vẫn còn diễn ra phổ biến. Cá biệt, còn nhiều xe không truyền tín hiệu qua thiết bị giám sát hành trình trong nhiều tháng liền.
Thanh tra giao thông kiểm tra hoạt động thiết bị giám sát hành trình của phương tiện tham gia giao thông.
Theo thống kê, riêng trong tháng 2/2019 trên địa bàn tỉnh có tới 173 xe không thực hiện truyền tín hiệu qua thiết bị giám sát hành trình; tháng 3, có 67 xe không truyền dữ liệu qua thiết bị giám sát hành trình; có 10 đơn vị vận tải chưa thực hiện việc cung cấp thông tin truy cập thiết bị giám sát hành trình.
Đến nay, qua rà soát của bộ phận chức năng cho thấy nhiều đơn vị vẫn không khắc phục và không thông báo về Sở Giao thông vận tải lý do thiết bị giám sát hành trình không truyền tín hiệu, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực vận tải của Sở, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý các vi phạm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các doanh nghiệp vận tải đang chịu nhiều loại thuế, phí nên mỗi chuyến xe bị đẩy chi phí lên cao khiến một số doanh nghiệp tìm biện pháp đối phó, lựa chọn những thiết bị có giá rẻ và việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chỉ mang tính hình thức. Nhiều nhà xe cố tình không truyền dữ liệu để tránh bị xử phạt. Không chỉ doanh nghiệp vận tải, lái xe cũng có rất nhiều mánh khóe để tránh bị kiểm tra, xử lý vi phạm bằng cách ngắt hoặc tắt thiết bị giám sát hành trình.
Lý giải cho hành động này, một lái xe khách chuyên chạy tuyến Ninh Bình - Hà Nội cho biết: Việc vi phạm ATGT là điều khó tránh khi lưu thông trên đường. Khi vi phạm giao thông, lái xe sẽ phải đối mặt với gánh nặng về chi phí nộp phạt, trong khi đó, nguồn thu nhập từ nghề lái xe không cao khiến họ phải ngắt thiết bị truyền dữ liệu để tránh bị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm.
Đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết: Trước tình trạng vi phạm của các đơn vị vận tải và lái xe, Sở Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản chấn chỉnh và yêu cầu các đơn vị vận tải khắc phục lỗi thiết bị giám sát hành trình không truyền tín hiệu.
Hàng tháng, Sở đều thống kê danh sách các đơn vị có phương tiện vi phạm và gửi văn bản thông báo, nhắc nhở kịp thời tới các đơn vị; đồng thời, tập trung xác minh và xử lý triệt để các vi phạm. Trong tháng 4, Sở Giao thông Vận tải đã ra quyết định thu hồi phù hiệu vận tải của 82/173 xe tiếp tục vi phạm không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình lên hệ thống thông tin giám sát hành trình của Tổng cục đường bộ Việt Nam và gửi quyết định đến từng đơn vị vận tải có phương tiện bị thu hồi phù hiệu; trong đó, các phương tiện vi phạm bị xử lý tập trung vào xe taxi và xe tải. Nhắc nhở 100% xe không truyền dữ liệu trong các tháng và các đơn vị vận tải chưa thực hiện việc cung cấp thông tin truy cập thiết bị giám sát hành trình.
Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tại các đơn vị vận tải. Cùng với đó, các đơn vị quản lý bến xe khách đã thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, kiểm tra dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Tuyệt đối không giải quyết xuất bến cho các xe không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Vị đại diện này cũng cho biết: “Việc truyền dữ liệu là trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải và nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình. Trong trường hợp doanh nghiệp, lái xe cố tình không truyền dữ liệu hay tái phạm đều bị xử nghiêm theo quy định Thông tư 10 của Bộ Giao thông vận tải”.
Tuy nhiên, để xử lý được triệt để tình trạng trên, nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải yêu cầu thời gian tới các đơn vị vận tải bằng xe ô tô cần khẩn trương rà soát toàn bộ công tác quản lý, điều hành vận tải tại đơn vị, trong đó tập trung nghiên cứu, khảo sát, lập phương án chạy xe phù hợp, bố trí số lượng lái xe phù hợp với hành trình chạy xe, đảm bảo thời gian lái xe theo quy định.
Đồng thời, làm việc với đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình để rà soát, đảm bảo 100% thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe của đơn vị được truyền dữ liệu liên tục về máy chủ của Tổng cục đường bộ Việt Nam. Bố trí nhân viên theo dõi thường xuyên dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh lái xe có hành vi vi phạm, ngăn chặn việc tiếp diễn hành vi vi phạm (đặc biệt là vi phạm tốc độ); lập sổ ghi chép hành vi vi phạm của lái xe, có hình thức xử lý theo quy chế nội bộ của đơn vị để chấn chỉnh, răn đe những trường hợp cố tình vi phạm.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô trên địa bàn; phối hợp với phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thực hiện kiểm tra chuyên đề việc truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý các trường hợp xe ô tô vận tải khách có dấu hiệu chở quá số người quy định, xe kinh doanh vận tải khách không có phù hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.