Từ các công trình giao thông đường bộ được nâng cấp và làm mới, người dân đi lại nhanh chóng và thuận tiện hơn. Cảng biển tiếp tục được mở rộng vươn về phía biển, đón được những con tàu trọng tải lên đến 132.000 tấn, nhất từ trước đến nay. Đường hàng không đạt 12 đường bay, đứng thứ 4 của cả nước …
Đó là những đổi thay lớn của hạ tầng giao thông hòa nhịp cùng sự phát triển của thành phố. Những công trình giao thông góp phần tạo dựng lên hình ảnh của một Hải Phòng năng động, vươn tầm cao mới.
Nút giao thông khác mức và cầu vượt Nguyễn Văn Linh được khánh thành và đưa vào sử dụng
trong dịp kỷ niệm 64 năm Ngày giải phóng Hải Phòng.
Đường bộ nhanh hơn, thuận tiện hơn, an toàn hơn
Ngày khánh thành nút giao thông khác mức Nguyễn Văn Linh được hàng nghìn doanh nghiệp vận tải và hàng chục nghìn lái xe mong chờ. Ông Đặng Thế Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa vui mừng cho biết, giờ đây, nút giao thông vốn là “điểm đen” tai nạn giao thông trong nội thành Hải Phòng không còn ám ảnh người dân thành phố, thay vào đó là sự thuận tiện và an toàn. Từ bán đảo Đình Vũ đến ngã tư này, cả 3 cây cầu vượt được xây dựng mang lại hiệu quả thiết thực, chấm dứt ùn tắc và giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông.
Sự giúp đỡ của trung ương, sự quyết tâm của thành phố và ủng hộ của người dân đã tạo nên những công trình giao thông “để đời”. Giờ đây, từ bán đảo Đình Vũ đi thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) chỉ còn 30 phút qua cầu Bạch Đằng. Từ trung tâm Hải Phòng đến thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) thời gian chỉ hơn 1 giờ qua tuyến quốc lộ 10 mới được cải tạo. Từ Hải Phòng đi Hà Nội cũng chỉ còn hơn 1 giờ qua tuyến đường cao tốc. Từ nội thành vươn đến đảo Cát Hải qua cầu Đình Vũ - Cát Hải cũng chỉ tính bằng phút… Đó là sự đổi thay rất lớn, đưa Hải Phòng trở thành đầu mối giao thông đường bộ thuận tiện và hiện đại của khu vực duyên hải Bắc bộ.
Không dừng lại ở đó, năm 2019, Hải Phòng tiếp tục đưa hàng loạt công trình giao thông hoàn thành vào khai thác như: đường qua huyện Tiên Lãng đến huyện Vĩnh Bảo qua cầu Đăng, cầu Hàn, Quốc lộ 37, cầu sông Hóa, nút giao thông Nam cầu Bính… mang lại thế và lực cho thành phố trong quá trình phát triển. Cùng với đó, dự án cải tạo 120 tuyến phố, trong đó có 116 tuyến nội thành kết hợp với cải tạo 9 nút giao thông nội thành được hoàn thành trong năm nay sẽ góp phần thay đổi về hiện trạng giao thông, nâng tầm diện mạo đô thị mới cho thành phố.
Nhanh hơn, thuận tiện hơn và an toàn hơn là chủ trương mục tiêu của thành phố về phát hiện hạ tầng giao thông đường bộ. Thực tế chứng minh, đây là chủ trương hợp lòng dân và sự mong chờ của doanh nghiệp. Sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo thành phố và vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố có hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, kết nối liên hoàn. Nơi những tuyến đường đi qua đã, đang hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, dịch vụ…tạo đồng lực phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.
Cảng biển, đường hàng không lớn mạnh
Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2019, lần đầu trong lịch sử, Hải Phòng đón được tàu tải trọng lên đến 132.000 tấn, cập cảng công-ten-nơ quốc tế Hải Phòng. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, cảng này sẽ còn đón được những con tàu tải trọng lên đến 160.000 tấn, sánh ngang với những cảng nước sâu dọc miền Trung và dần vươn đến tầm của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.
Để có được sức mạnh từ cảng biển, tiềm năng Hải Phòng được phát huy đúng vị trí và thời điểm. Không dừng lại ở khối cảng từ Đình Vũ đến ven sông Cấm, thành phố có khát vọng vươn ra biển tạo nên một cảng nước sâu hiện đại và xứng tầm. Trong tương lai không xa, Hải Phòng sẽ có thêm gần 20 bến cảng nữa được xây dựng quanh đảo Cát Hải, đưa huyện đảo trở thành trung tâm dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics lớn nhất của cả nước. Với 44 cảng liên hoàn kết nối từ Cát Hải - Đình Vũ đến ven sông Cấm, Hải Phòng có hệ thống hạ tầng cảng biển liên hoàn với hơn 10 km cầu cảng, diện tích kho bãi lên đến hàng nghìn ha. Ngoài ra, các cảng cạn ICD cũng có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế biển của thành phố.
Ngày 10/5, hãng hàng không Bamboo airways (tập đoàn FLC) khai trương 3 đường bay từ Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và là hãng hàng không thứ 5 tham gia khai thác tại Cát Bi. Đến thời điểm này, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi có 12 đường bay, với 9 đường bay trong nước, 3 đường bay quốc tế. Phó chủ tịch Bamboo airways Đặng Tất Thắng cho biết, sân bay Cát Bi là điểm quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về kinh tế của cả miền Bắc. Bởi vậy, việc khai thác các đường bay mới cũng là cơ hội cho sự phát triển của doanh nghiệp
Để có được Cảng hàng không quốc tế Cát Bi như ngày hôm nay, thành phố Hải Phòng đã đầu tư khu bay lên tới 3.600 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây dựng nhà ga hành khách. Trong Quý II/2019, dự án nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi giai đoạn 2 với số vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư sẽ tiếp tục được thực hiện gồm sân đỗ, nhà ga hàng hóa, nhà ga hành khách T2…với kỳ vọng đón 10-12 triệu lượt khách/năm, gấp 5 lần so với hiện nay.
Từ những công trình giao thông hiện đại, kinh tế - xã hội Hải Phòng tăng tốc “cất cánh”, vươn tầm khu vực, sánh vai với các thành phố lớn trên thế giới.